Thứ hai, 16/09/2019 03:48
Nghiên cứu, xác định thị phần gạch không nung ở Việt Nam - Hướng phát triển ngành vật liệu “xanh” trong xây dựng
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/9/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Xác định thị phần gạch không nung (GKN) giai đoạn 2016-2020”. Đây là sự kiện trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu xác định thị phần GKN ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện.Theo Chủ nhiệm Dự án Lê Đức Thịnh, để xác định thị phần GKN trên tổng lượng vật liệu xây năm 2016-2018, dự báo cho các năm 2019-2020 và một số năm tiếp theo, nhóm thực hiện đã sử dụng các phương pháp khác nhau để nghiên cứu, tính toán. Theo đó, thị phần GKN được xác định theo công thức: thị phần GKN (%) = số lượng sản phẩm GKN tiêu thụ trong năm (viên QTC)/tổng số lượng tiêu thụ vật liệu xây trong năm bao gồm số lượng gạch đất sét nung (GĐSN) và số lượng GKN (viên QTC) x 100%; trong đó số lượng GKN và GĐSN tiêu thụ trong giai đoạn 2016-2017 và năm 2018 được xác định bằng phương pháp điều tra thông qua gửi bảng hỏi tới Sở Xây dựng của 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước để thu thập thông tin, số liệu. Đối với những địa phương không có thông tin phản hồi hoặc phản hồi chưa đầy đủ, nhóm thực hiện Dự án đã kết hợp với Sở Xây dựng tiến hành điều tra, khảo sát trực tiếp tại các đơn vị có liên quan trên địa bàn để thu thập thông tin bổ sung.
Số lượng GKN và GĐSN tiêu thụ trong các năm 2019-2020 ở 63 tỉnh/thành phố được xác định bằng phương pháp dự báo. Nhóm thực hiện đã sử dụng các phương pháp gồm: (1) Dự báo mức tiêu thụ/nhu cầu VLXD trên cơ sở đánh giá trực tiếp của doanh nghiệp sản xuất; (2) Dự báo nhu cầu VLXD theo phương pháp dự báo về quy hoạch phát triển VLXD; (3) Dự báo nhu cầu VLXD theo phương pháp phân tích nhân quả và phương pháp chuỗi thời gian. Kết thúc mỗi giai đoạn, nhóm thực hiện dự án đều sử dụng phương pháp chuyên gia để xin ý kiến các chuyên gia trong ngành để hoàn thiện các kết quả nghiên cứu.
Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, nhu cầu về VLXD nói chung và thị phần của GKN nói riêng trong những năm gần đây luôn có xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan để tiếp tục hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ GKN trong thời gian tới.
Phong Vũ - Vũ Hiệp