Thứ hai, 16/09/2019 07:19

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển

Ngày 14/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trọng thể kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển (1949-2019). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo Ban, Bộ/ngành; các đại biểu quốc tế…

HCMA 70 nam1 

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
70 năm qua, tự hào luôn là mái Trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu, mỗi bước trưởng thành và dấu mốc phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn gắn liền với tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (năm 1949) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc; Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (năm 1962) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (năm 1977) tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc (năm 1986) mang trọng trách chính trị lớn lao trong những năm đầu thời kỳ đổi mới; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (năm 1993) và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2007) với những bước phát triển mới mang tính hệ thống và có trọng trách phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một hệ thống bao gồm trung tâm học viện và 5 học viện trực thuộc (4 học viện khu vực tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và Học viện Báo chí và Tuyên truyền), với những đổi mới toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của Đảng và hệ thống chính trị có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất cần thiết đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng trong các thời kỳ. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp được học tập và rèn luyện tại học viện, trở thành nguồn cán bộ quý báu lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân viết nên những trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

 HCMA 70 nam2

Học viện đã có những đóng góp to lớn vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định vị thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Đội ngũ các nhà khoa học của học viện là lực lượng chủ lực giảng dạy, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin; đi đầu trong việc nghiên cứu làm rõ nội dung, khẳng định giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận chứng thuyết phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng. Trong những năm đổi mới, kết quả nghiên cứu khoa học của học viện đã góp phần làm rõ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta; góp phần phân tích, đánh giá thời đại ngày nay và thế giới đương đại; bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung, hoàn thiện lý luận và chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, về tôn giáo, quyền con người và bình đẳng giới… Đặc biệt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, cán bộ học viện đã trực tiếp tham gia nghiên cứu và xây dựng các nghị quyết của Trung ương và các văn kiện Đại hội Đảng.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Qua 70 năm phấn đấu xây dựng, trưởng thành, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là động lực và hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội. Học viện đã khẳng định được vai trò là cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc; luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Học viện liên tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ và thách thức để phát triển. Học viện đã và đang nỗ lực phấn đấu nêu cao hình ảnh mẫu mực của thầy và trò Trường Đảng cao cấp, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý Học viện cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và sớm có giải pháp khắc phục. Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng mới là bước đầu, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trong nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa việc học tập nâng cao tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý với rèn luyện đạo đức cách mạng. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có nhiều công trình lớn để đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng. Hiệu quả hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín còn mỏng, chưa ngang tầm nhiệm vụ của Trường Đảng Trung ương, còn có những hụt hẫng về các thế hệ cán bộ. Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở các Học viện khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin chưa kết nối với hệ thống các trường chính trị trong cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Học viện cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, xác định sứ mệnh, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, giá trị cốt lõi và các định hướng phát triển Học viện trong những thập kỷ tới.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. Trước hết, Học viện cần quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội. Học viện cần xác định rõ đối tượng đào tạo, tránh chạy theo số lượng; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên khác nhau; tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng thiết thực, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước.

 HCMA 70 nam3

Với những đóng góp liên tục, to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác. Đây là sự ghi nhận và tuyên dương của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những thành tựu to lớn và đóng góp xứng đáng của Học viện vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ đã từng học tập, công tác tại trường Đảng mang tên Bác.
PV

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)