Thứ năm, 22/08/2019 04:13

Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học - kinh nghiệm Trung Quốc và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đó là nội dung của Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ban chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước: “Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học - kinh nghiệm Trung Quốc và khuyến nghị đối với Việt Nam” thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” tổ chức ngày 21/8/2019 tại Hà Nội.

quanly

Giáo dục đại học (GDĐH) là một chỉnh thể thống nhất trong quản lý nhà nước
Tại Hội thảo, PGS.TS Mai Ngọc Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: GDĐH Trung Quốc được chia thành 3 giai đoạn phát triển: Từ 1978-1986: giai đoạn phục hồi tái thiết; 1987-2000: tập trung cho phát triển năng lực học thuật của các cơ sở GDĐH; 2001-2020: địa phương tham gia vào quá trình điều hành các cơ sở GDĐH được phân cấp. Với các mốc thời gian này, GDĐH đã tập trung xây dựng năng lực cho các nhà trường theo các tiêu chí khác nhau trong từng giai đoạn.
Với hơn 1.000 trường đại học nằm ở các vùng/miền có điều kiện phát triển khác nhau, các trường đại học Trung Quốc đều trực thuộc 2 cấp quản lý: ở cấp trung ương, các bộ quản lý các trường theo phân công của nhà nước và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm về các trường trên địa bàn. Quản lý nhà nước về GDĐH thống nhất, tạo được sự thông thoáng và nhờ đó đã đạt được những thành tựu quan trọng trong một thời gian dài nỗ lực của cả 2 phía trường đại học và chính quyền. Có thể nói, 3 điểm nổi bật mà nền GDĐH quốc gia này đã đạt được, gồm: 1) Nền GDĐH được các tổ chức kiểm định có uy tín quốc tế công nhận; 2) Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ luôn đi cùng với mục tiêu phát triển các ngành trọng điểm, dựa trên thế mạnh quốc gia; 3) Chính phủ sẵn sàng sát nhập, giải thể các trường đại học yếu kém để tập trung nguồn lực cho các đại học khác.
GDĐH luôn được ưu tiên và có chính sách phát triển rõ ràng
PGS.TS Vũ Đức Cường - Học viện Tài chính cho biết, điểm khác biệt đầu tiên của nền GDĐH Trung Quốc là trường đại học có thể thuê hiệu trưởng từ các quốc gia khác. Điều này đã được pháp luật cho phép và nhiều trường đại học đã tuyển được quản lý giỏi, từ đó giúp các trường phát triển đột phá. Điều khác biệt nữa là nếu có một tổ chức quốc tế đồng ý tài trợ nguồn kinh phí nào đó, trường đại học có thể tiếp nhận trực tiếp mà không phải thông qua cơ quan quản lý hay giải trình. Đây là những chính sách tự chủ, cởi trói, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển mà chúng ta cần nghiên cứu học hỏi. Tài chính cho GDĐH được quan tâm tháo gỡ thì mới tạo ra các trường đại học có uy tín, thứ bậc cao. Bên cạnh đó, quản lý GDĐH của Trung Quốc tập trung đầu tư ưu tiên các ngành thế mạnh với các mục tiêu rất cụ thể.
Chính sách tài chính cho GDĐH còn là sự hỗ trợ của nhà nước qua các chương trình tín dụng sinh viên. Để đảm bảo chi phí đào tạo phục vụ chất lượng, sinh viên Trung Quốc được vay tiền để đi học và trả sau khi tốt nghiệp... Điều này vừa giúp các trường tập trung cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, liên kết doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho người học dễ dàng tiếp cận với kiến thức bậc cao khi theo học từ đại học trở lên với yêu cầu cao về chất lượng.
Tại Hội thảo, một số nhà quản lý cũng đã đề nghị, nghiên cứu về kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với GDĐH của Trung Quốc là cần thiết, tuy nhiên, để có thể triển khai áp dụng ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cần chỉ ra đóng góp của think tank sau khi Nhà nước đầu tư nâng cấp các trường đại học và kinh nghiệm đầu tư tập trung xây dựng các cơ sở GDĐH tầm cỡ quốc tế. Trong cả 3 giai đoạn phát triển, vai trò của chính quyền trung ương ở Trung Quốc khác chúng ta ở điểm nào? Cùng với đó, mô hình quản lý khoa học, tổ chức nhân sự, chuyên môn cũng cần được làm rõ trong công trình nghiên cứu công phu này.

Tin và ảnh: CTH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)