Thứ hai, 12/08/2019 09:00

Chính sách phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Xuất khẩu sản phẩm chủ lực là một hướng đi của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong các chính sách xuất khẩu thời gian qua, phát triển thị trường để đưa các sản phẩm thế mạnh trong nước ra nước ngoài là một hướng đi được Đảng và Chính phủ rất quan tâm thông qua các chính sách đã ban hành. Tuy nhiên, nhu cầu đặt ra là các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được biết đến trên quy mô toàn cầu một cách bền vững, và muốn vậy, các chính sách trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa chủ lực thời gian tới cần đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Đây là những vấn đề đặt ra của hội thảo: “Chính sách phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước mã số TN18/X05: “Giải pháp chính sách phát triển thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới” thuộc Chương trình Tây nguyên 3 tổ chức ngày 9/8/2019 tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học.

PGS.TS Nguyễn Văn Hồng (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, hàng xuất khẩu chủ lực là mặt hàng có lợi thế trong việc sản xuất và phát triển, đóng góp một cách ổn định và đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù các nước có chính sách đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, một nước không chỉ chuyên vào xuất khẩu một vài sản phẩm, nhưng các quốc gia đều có chính sách xây dựng các mặt hàng chủ lực - có thể gọi là con át chủ bài của chính sách xuất khẩu của mỗi nước. Điều kiện của mặt hàng xuất khẩu gồm: có điều kiện để sản xuất hàng hóa, ở đây đề cập tới lợi thế so sánh của nước sở tại hay khu vực kinh tế, có điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với các nước khác trong việc sản xuất, khai thác sản phẩm; có tỷ trọng kim ngạch lớn trong tổng kim ngạch có số lượng lớn, có đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (1 tỷ USD trở lên/sản phẩm); có năng lực cạnh tranh trên thị trường, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và lâu dài. Như vậy, năng lực cạnh tranh hàng hóa này sẽ bao gồm tất cả các yếu tố như: chi phí thấp, chất lượng sản phẩm, tính độc đáo của sản phẩm, năng lực doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng việc xúc tiến, hỗ trợ xuất khẩu quốc gia.
Hoạt động xuất khẩu của một quốc gia là sự kết hợp hoạt động phát triển thị trường doanh nghiệp với các hoạt động hỗ trợ quốc gia, song vẫn có hiện tượng thông tin chưa đầy đủ, chính xác về các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Đó là ý kiến của ThS Bùi Việt Hưng - Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khi đề cập tới định hướng phát triển hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), bên cạnh các “lợi thế tự nhiên”, chính sách này của nhà nước cần hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm trong nước bằng “lợi thế tự tạo”. Xét từ thực tiễn cho thấy mô hình PPE về xuất khẩu sản phẩm chủ lực vẫn chưa phải là toàn diện, cho nên các mô hình lý thuyết muốn áp dụng thực thi hiệu quả trên thực tế thì cần kết hợp cả hai mặt lợi thế này. Kinh nghiệm thành công trong xuất khẩu một số sản phẩm đặc trưng, chủ lực của một số nước đang phát triển đã cho thấy, marketing cần được coi là nội dung quan trọng để đưa một sản phẩm chủ lực xuất khẩu đến thị trường nước ngoài thành công cùng với một hệ thống chính sách thống nhất, toàn diện từ Trung ương tới địa phương. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng bổ sung.
Đề cập vấn đề từ góc độ phân phối sản phẩm chủ lực theo kênh thị trường quốc tế, ThS Trần Hải Ly (Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Ngoại thương) nêu quan điểm: “Phát triển theo chiều sâu, theo chiều rộng là 2 cách phát triển các thị trường xuất khẩu. Chiều rộng là bước đi ban đầu, sau đó triển khai thực hiện theo chiều sâu để có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Đó cũng là cách thức chung về marketing cho bất cứ việc bắt đầu một sản phẩm xuất khẩu nào, và việc lựa chọn đúng khách hàng để phù hợp với năng lực doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng quyết định thành công của việc xuất khẩu hàng hóa sản phẩm”.
PGS.TS Đỗ Hương Lan (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cho rằng, chính sách phát triển thị trường cho hàng xuất khẩu chủ lực nói chung và Tây nguyên nói riêng là vấn đề không dễ nhưng vô cùng cần thiết, chưa được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, hệ thống. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, có nhiều cách tiếp cận ở các góc độ vĩ mô và vi mô. Vì thế nó rất cần có tiếng nói từ phía các nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà khoa học và cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa.
Hội thảo là cơ hội quý cho các nhà khoa học, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi về chính sách hiện hành và các vấn đề lý luận, từ đó đóng góp hoàn thiện chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới.

Tin và ảnh: CTH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)