Thứ hai, 05/08/2019 03:24

Kinh nghiệm về R&D, đổi mới và tăng trường kinh tế của Hàn Quốc

Năm 1980, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng một hệ thống chính sách phát triển kinh tế, ngành công nghiệp cùng với sự ra đời của các đơn vị có liên quan như Hiệp hội công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (Korea Industrial Technology Association - KOITA). Đến nay, Hiệp hội này phát triển lớn mạnh với hàng chục nghìn thành viên, có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc phát triển ngày càng mạnh mẽ, với việc thành lập hàng loạt trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) trên khắp đất nước. Đó là chia sẻ của TS Chan-whan Ma - Phó Chủ tịch điều hành KOITA tại Hội thảo R&D, đổi mới và tăng trường kinh tế: kinh nghiệm Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 1/8/2019.

TS Chan-whan Ma cho biết thêm, trong gần 40 năm qua, KOITA đã hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong các ngành công nghiệp chủ lực và độc quyền, trong đó có các nỗ lực thành lập trung tâm R&D của doanh nghiệp, đưa ra các kỹ thuật công nghệ mới và phục vụ hiệu quả đầu tư. Nhờ đó, giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc vươn lên đầu tư vào thị trường quốc tế rộng lớn, kể cả các quốc gia phát triển như CHLB Đức. Cùng với các chính sách đồng bộ, hiệu quả trong thúc đẩy ngành công nghiệp và các chính sách kinh tế vĩ mô, đến nay hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc trên đà tăng trưởng, cùng đóng góp đưa nền kinh tế của Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ. TS Chan-whan Ma cho rằng, học tập Hàn Quốc, Việt Nam cần nâng cao năng lực IED (thiết bị thông minh), từ đó giúp cải tiến, nâng cao kỹ thuật, công nghệ để phát triển sản xuất. KOITA cũng có kế hoạch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữa hai bên, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về cách thức tổ chức nền kinh tế sáng tạo và kinh nghiệm phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phục vụ phát triển, diễn giả Park Seung Chang - Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học, công nghệ thông tin đạo đức Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trong chỉ số sáng tạo 2019 (LB Đức xếp thứ 2 và Phần Lan xếp thứ 3). Đây là chỉ số sử dụng các số liệu như đầu tư cho R&D, sự tập trung của các công ty công nghệ cao... ICT được Hàn Quốc xem là trụ cột của nền kinh tế, phân chia thành các nhóm trọng tâm như: ICT cho dữ liệu công nghiệp; chính sách ICT cho trí thông minh nhân tạo (AI)... Theo TS Park Seung Chang, muốn thành công, Việt Nam cần có chính sách hữu hiệu trong xây dựng nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin điện tử, chú trọng hệ thống năng lượng và lợi ích xã hội của người dân. Còn theo TS Chan-whan Ma, vấn đề quan trọng là lựa chọn cách làm, tập trung nuôi dưỡng nhân tài trong big data và tận dụng cơ hội đầu tư FDI trong giai đoạn tới.

Tin, ảnh: CTH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)