Thứ sáu, 04/07/2025 15:51

Đồng Nai: Hình mẫu phát triển xanh, thông minh và hội nhập vùng kinh tế phía Nam

Sau quá trình hợp nhất hành chính và kinh tế giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, một thực thể hành chính mới - tỉnh Đồng Nai mới - đã chính thức hình thành. Với diện tích và quy mô dân số nằm trong nhóm đầu cả nước, tỉnh sở hữu nền tảng phát triển đa ngành hiếm có, từ công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đến thương mại - logistics và khoa học - công nghệ. Sự kiện này không chỉ mở ra không gian phát triển mới, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tái cấu trúc quy hoạch tổng thể nhằm tận dụng hiệu quả các tiềm năng và tạo dựng động lực tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới. Tỉnh xác định chiến lược phát triển theo hướng xanh - thông minh - tích hợp vùng, hướng tới trở thành một cực tăng trưởng hàng đầu của cả nước.

Đồng Nai hứa hẹn sẽ trở thành hình mẫu phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12.700 km², dân số trên 5 triệu người, là cửa ngõ phía Đông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên và Campuchia. Đáng chú ý, tỉnh có thêm gần 260 km đường biên giới giáp Campuchia - yếu tố chiến lược chưa từng có trước đây - tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu, logistics xuyên quốc gia và hợp tác khu vực Mê Kông. Trong quy hoạch cũ, tỉnh Đồng Nai vốn đã định hướng phát triển mạnh về công nghiệp và logistics với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Phước An và hệ thống cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc sáp nhập thêm tỉnh Bình Phước mở rộng trục phát triển về phía Bắc, tăng thêm các vùng nguyên liệu nông lâm sản, đồng thời mở ra không gian công nghiệp mới , tạo nên thế liên kết đa trung tâm trong toàn tỉnh.

Với hàng chục khu công nghiệp (KCN) đã và đang được quy hoạch, tỉnh Đồng Nai mới xác định mục tiêu trở thành 1 trong 4 trung tâm công nghiệp xanh hàng đầu cả nước đến năm 2030. Đồng Nai (cũ) đã thành lập 37 KCN, trong đó có 32 KCN đang hoạt động. Bình Phước (cũ) có 15 KCN với tổng diện tích khoảng 6.000 ha, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ và công nghệ thông tin. Sau sáp nhập, tổng số KCN lên tới hơn 50, mở rộng quỹ đất công nghiệp và tạo đà đón làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, ít phát thải, tiết kiệm tài nguyên. Hướng đến phát triển công nghiệp tuần hoàn và sinh thái, Đồng Nai đã triển khai các mô hình thí điểm tại KCN Amata, nơi tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế về phát thải, tiết kiệm năng lượng và xử lý chất thải công nghiệp. Tiếp đó, KCN Long Đức đang xây dựng nền tảng dữ liệu KCN thông minh, số hóa quản lý vận hành; KCN Phước An định hướng thành KCN hậu cần cảng biển xanh. 3 KCN mới là Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn dự kiến khởi công cuối năm 2025, sẽ tích hợp mô hình sinh thái từ quy hoạch.

Chuyển đổi số trong công nghiệp cũng được đẩy mạnh. Một số doanh nghiệp tiên phong như Nestlé tại KCN Amata đã áp dụng mô hình nhà máy thông minh với robot, cảm biến, tự động hóa quy trình, tiết kiệm năng lượng và tăng năng suất. Các tập đoàn trong nước như Tân Mai, Vĩnh Lộc - Bến Lức… cũng đề xuất xây dựng KCN chuyên ngành gỗ, KCN hỗ trợ sản xuất xanh quy mô 200-1.000 ha, phục vụ tái cấu trúc không gian sản xuất và di dời nhà máy khỏi khu dân cư. Tỉnh Đồng Nai cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp xanh thông qua đẩy nhanh thủ tục, cải thiện kết nối hạ tầng, quy hoạch năng lượng hợp lý và đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Với tổng diện tích cây công nghiệp gần 500.000 ha (cao su, điều, hồ tiêu, cà phê), tỉnh Đồng Nai mới là địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Không dừng lại ở sản xuất thô, tỉnh hướng đến xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu số. Các vùng nguyên liệu được tích hợp bản đồ số hóa, ứng dụng drone, cảm biến độ ẩm - dinh dưỡng và hệ thống cảnh báo sâu bệnh tự động. Một số hợp tác xã tại Bù Đăng, Phú Riềng đã xây dựng vùng điều hữu cơ, kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu châu Âu. Nhiều doanh nghiệp như Olam, Sojitz, Công ty Tân Cảng Logistics… đã tham gia chuỗi cung ứng cà phê, hạt điều, hồ tiêu, mở rộng sang thương mại điện tử xuyên biên giới. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước xây dựng chương trình R&D phát triển giống cây chịu hạn, mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và mô hình sản xuất số hóa theo chuẩn GlobalGAP, USDA Organic.

Với quy mô mới, tỉnh Đồng Nai định hướng phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, phân bố hợp lý giữa các vùng công nghiệp - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ. Biên Hòa sẽ là trung tâm hành chính và giáo dục - đào tạo; Long Thành - logistics và cảng hàng không quốc tế; Đồng Xoài - trung tâm công nghiệp hỗ trợ và chế biến nông sản công nghệ cao; Nhơn Trạch - đô thị cảng và dịch vụ hậu cần. Hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa với mạng lưới cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3, quốc lộ 13, quốc lộ 51… cùng các tuyến đường sắt mới, kết nối đến sân bay Long Thành và cảng biển Phước An. Hệ thống giao thông thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo để điều phối luồng xe, cảnh báo tắc nghẽn, giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa vận hành logistics.

Tỉnh Đồng Nai mới đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% GRDP. Trọng tâm là phát triển các ngành dịch vụ số, sản xuất số, thương mại điện tử xuyên biên giới, tài chính số và các nền tảng dữ liệu mở. Chính quyền số cấp tỉnh đang được xây dựng theo mô hình trung tâm điều hành thông minh (IOC), quản lý theo thời gian thực các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn môi trường và an ninh trật tự. Các khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu cấp vùng đang được xúc tiến tại Biên Hòa và Long Thành. Đồng thời, tỉnh đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực kỹ thuật số, kỹ sư dữ liệu, chuyên gia AI - IoT - blockchain, qua các chương trình liên kết với đại học và doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế. Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ mang tính hành chính mà là cơ hội chiến lược để tái cấu trúc không gian phát triển, phát huy tổng lực tiềm năng vùng và bứt phá. Đồng Nai mới với tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành một trong những cực tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam, đi đầu trong công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, logistics thông minh và chuyển đổi số toàn diện. Đây sẽ là hình mẫu của một địa phương phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi xã hội, xứng đáng là động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ hội nhập quốc tế của Việt Nam.

NMK

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)