Thứ ba, 06/05/2025 15:10

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng khung tiêu chuẩn thống nhất để phát triển lĩnh vực đường sắt hiện đại

Đây là đề xuất và kiến nghị của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Tọa đàm “Các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức ngày 06/05/2025 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt, đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đường sắt hiện đại không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển mà còn là biểu tượng cho trình độ phát triển khoa học và công nghệ của một quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn, tốc độ và hiệu quả vận hành, việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong xây dựng, khai thác và quản lý hệ thống đường sắt đang trở thành xu hướng tất yếu.

Nhiều vướng mắc trong áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật

Tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt là hệ thống các quy định và thông số kỹ thuật áp dụng trong toàn bộ vòng đời của tuyến đường sắt, từ thiết kế, thi công, khai thác đến bảo trì. Những tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tương thích và an toàn giữa các thành phần của hệ thống như hạ tầng, phương tiện, tín hiệu và điều khiển vận hành.

Trên thế giới, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc… đều đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng cho từng loại hình đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc. Hệ thống tiêu chuẩn này thường bao gồm: khổ đường (thường là 1.435 mm cho đường sắt hiện đại), bán kính đường cong tối thiểu, độ dốc tối đa, tiêu chuẩn nền đường, cầu, hầm, thiết bị tín hiệu, hệ thống điện khí hóa và các yêu cầu về môi trường, an toàn cháy nổ.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh, mặc dù đã có các quy định về tiêu chuẩn trong lĩnh vực này nhưng khác biệt về công nghệ và tiêu chuẩn giữa các quốc gia đã làm gia tăng khoảng cách giữa quốc gia phát triển và các nước đang phát triển. Cụ thể: mỗi tuyến do nhà đầu tư khác nhau triển khai, sử dụng công nghệ, tiêu chuẩn thiết kế và vận hành khác nhau (ví dụ: kích thước cầu, hầm, ga, điện áp, hệ thống tín hiệu, vật tư phụ tùng...) dẫn đến khó khăn trong bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện; không tương thích về hệ thống điều khiển và tín hiệu: mỗi tuyến sử dụng hệ thống điều khiển tàu riêng, không liên kết; không thể chuyển tàu, chia sẻ cơ sở hạ tầng hoặc vận hành xuyên tuyến; thiếu tích hợp vé và thanh toán: mỗi tuyến có hệ thống vé, thẻ hoặc ứng dụng khác nhau dẫn đến người dân phải mua vé nhiều lần khi chuyển tuyến…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng khung tiêu chuẩn đồng bộ và hiện đại

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiếm có thời điểm nào trong lịch sử phát triển ngành đường sắt Việt Nam lại chứng kiến những chuyển biến tích cực như hiện nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Quốc hội đã liên tiếp thông qua 03 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Nghị quyết số 187/2025/QH15 về tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Song song với đó là hàng loạt nghị định, cơ chế và chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tiêu chuẩn, công nghệ và huy động nguồn lực - mở đường cho sự cất cánh của ngành đường sắt.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu tại Tọa đàm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2024 đến nay, Nhà trường đã phối hợp với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… tổ chức các chuỗi tọa đàm, hội thảo về tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ vật liệu, giải pháp thi công và vận hành, khai thác hệ thống đường sắt hiện đại. Đặc biệt, Nhà trường đã phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Vật liệu và Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao của các quốc gia phát triển để bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước trong quá trình xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống đường sắt hiện đại ở trong nước và quốc tế.

TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam hiện đang sử dụng chủ yếu hệ thống đường sắt khổ 1000 mm (khổ hẹp) với tổng chiều dài khoảng 3000 km. Hệ thống này phần lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trải qua nhiều năm khai thác, hiện đã lạc hậu so với tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và tốc độ.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương hiện đại hóa ngành đường sắt, bao gồm cả việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các tuyến mới và hệ thống cũ. Ngoài ra, nhiều tiêu chuẩn hiện hành chưa bắt kịp với công nghệ mới, gây khó khăn trong việc tích hợp hệ thống và đảm bảo tính tương thích.

Kinh nghiệm cho thấy, Nhật Bản không chỉ đầu tư mạnh về hạ tầng mà còn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ từ thiết kế, kiểm định đến vận hành. Một trong những bí quyết thành công là áp dụng tiêu chuẩn “mở” nhưng nghiêm ngặt, cho phép linh hoạt lựa chọn công nghệ nhưng vẫn đảm bảo an toàn tối đa. Với mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã phát triển bộ tiêu chuẩn riêng nhưng vẫn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, họ có thể sản xuất thiết bị trong nước, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tại châu Âu, các quốc gia như Đức, Pháp… đã phát triển tiêu chuẩn đường sắt dựa trên bộ tiêu chuẩn thống nhất (EN Standards) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối xuyên biên giới và tối ưu hóa vận hành đa quốc gia…

TS Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây dựng số 1 cho rằng, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên cho thấy, Việt Nam cần lựa chọn mô hình phù hợp, tránh tình trạng “chắp vá tiêu chuẩn” gây cản trở trong quá trình phát triển hệ thống. Để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đường sắt hiện đại, Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng sau:

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đồng bộ, có tham khảo và hài hòa với các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới nhằm đảm bảo khả năng kết nối và vận hành hiệu quả.

Phân loại tiêu chuẩn theo từng cấp độ đường sắt: đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, mỗi loại cần có bộ tiêu chuẩn riêng nhưng đảm bảo tính thống nhất về nguyên lý vận hành và công nghệ.

Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống đường sắt phát triển; mời chuyên gia nước ngoài tham gia xây dựng tiêu chuẩn.

Cập nhật và số hóa hệ thống tiêu chuẩn để dễ dàng tiếp cận và áp dụng; đồng thời tích hợp với các phần mềm mô phỏng thiết kế, kiểm tra và đánh giá an toàn công trình.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật đường sắt, tiêu chuẩn hóa, kiểm định và quản lý vận hành.

Phát triển hạ tầng đường sắt hiện đại không thể tách rời việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và tiên tiến. Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài hạn để từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và xu thế quốc tế. Việc chuẩn hóa không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công trình mà còn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế và khả năng kết nối khu vực, từ đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển chia sẻ tại Tọa đàm.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực đường sắt, ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) cho rằng, công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến nổi bật. Portcoast là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng các công nghệ hiện đại như BIM (mô hình thông tin công trình), GIS (hệ thống thông tin địa lý), Digital Twin (bản sao số) và công nghệ thực tế mở rộng (XR) vào thiết kế, thi công và quản lý công trình. Bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để số hóa quá trình khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý hạ tầng giao thông…, Portscoast đã nghiên cứu và xây dựng các mô hình số có độ chính xác cao, mô phỏng đầy đủ hiện trạng công trình giao thông (cầu, đường, cảng, tuyến metro...) để theo dõi, phân tích và dự báo hoạt động trong thời gian thực. Nhờ chiến lược chuyển đổi số này, Portcoast không chỉ nâng cao hiệu quả triển khai dự án giao thông mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng đô thị thông minh và bền vững tại Việt Nam. Đồng thời, Công ty cũng đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước để lan tỏa công nghệ và thúc đẩy phát triển ngành giao thông một cách toàn diện.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)