Thứ hai, 28/04/2025 13:34

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam

Ngày 24/04/2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện tiến trình phát triển điện hạt nhân

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng HUCE nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã khởi động Chương trình điện hạt nhân - một chiến lược quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc, HUCE đã nhận thức được trách nhiệm của Nhà trường trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhằm đồng hành phát triển năng lượng điện hạt nhân cùng đất nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Hội thảo (nguồn: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đánh giá cao vai trò chủ động của HUCE - một đơn vị đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị nguồn lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, trong đó có điện hạt nhân. Nhà trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật phức tạp, đặc biệt là các công trình đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và độ chính xác cao như nhà máy điện hạt nhân.

Điện hạt nhân là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn. Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.

Hội ý đánh giá Nhà máy điện hạt nhân là công trình đặc biệt, có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội; tuy nhiên, mức độ phức tạp, tốn kém trong xây lắp và yêu cầu đặc biệt về an toàn trong khai thác vận hành là những vấn đề cần lưu ý khi triển khai. Bên cạnh hạng mục lò hạt nhân và thiết bị phụ trợ được ví như trái tim của nhà máy (chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí, thường do các hãng cung cấp công nghệ nổi tiếng trên thế giới đảm nhận), hạng mục về xây dựng kết cấu công trình chịu phóng xạ và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ cũng rất quan trọng và chiếm khoảng 35-45% tổng chi phí. Nhìn chung, các hạng mục của ngành xây dựng có tiềm năng lớn trong việc tiến tới tự chủ, nội địa hóa sử dụng nguồn lực con người và vật liệu trong nước nếu được sự quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu chuyển giao.

Cần chuẩn bị kỹ để đáp ứng nhu cầu về nhân lực

Chia sẻ về sự cần thiết của chương trình đào tạo nguồn nhân, PGS.TS Phạm Thái Hoàn - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Đào tạo, HUCE cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sạch và ổn định ngày càng gia tăng. Xu hướng điện hạt nhân là một trong những giải pháp tiềm năng giúp đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào “sân chơi” điện hạt nhân bởi vai trò quan trọng trong các trung tâm dữ liệu và AI… Có thể thấy, nhu cầu nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân là rất lớn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, vai trò của kỹ sư xây dựng trong dự án nhà máy điện hạt nhân vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực này góp phần thiết kế và xây dựng các công trình chuyên biệt; ứng dụng vật liệu và công nghệ thi công đặc thù; triển khai các công nghệ thi công tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ vận hành, xử lý sự cố và bảo trì công trình liên quan đến kết cấu hoặc nền móng trong suốt vòng đời dự án... Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại HUCE là rất cần thiết và phù hợp.

Việc HUCE xây dựng các chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình đặc biệt có mục tiêu nhằm bổ sung nhanh kiến thức chuyên sâu cho kỹ sư và cán bộ kỹ thuật hiện hành; kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp - nhu cầu xã hội; đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các dự án trọng điểm, có yêu cầu kỹ thuật cao; và tạo nguồn chuyên gia dự phòng, bổ sung cho lực lượng kỹ sư nòng cốt cho đất nước. Theo Nhà trường, định hướng xây dựng khung chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt bao gồm 60 tín chỉ kiến thức chuyên sâu, đặc thù với thời gian đào tạo là 1,5 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng và 2 năm đối với cử nhân/kỹ sư ngành khác cần bổ sung một số học phần chuyển đổi.

Tổng kết Hội thảo, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao công tác tổ chức và chất lượng Hội thảo, hoan nghênh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã sớm chủ động tham gia đồng hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn, đề nghị các bên liên quan cùng nhau tháo gỡ, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ để về đích công trình theo kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ.

TXB

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)