Nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tính đến nay, Viện có khoảng 3500 cán bộ, trong đó có gần 250 GS, PGS, gần 1000 TS. Lực lượng nhà khoa học này đã tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu đạt trình độ cao, với các giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều chiến lược, dự án KH&CN mang tầm quốc gia đã và đang được Viện chủ trì xây dựng và triển khai như lĩnh vực: vũ trụ, cảnh báo động đất và báo sóng thần, hệ thống bảo tàng thiên nhiên…; tham gia tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng kết quả KH&CN phòng chống COVID-19. Đặc biệt, với 10 phòng thí nghiệm trọng điểm đã tạo một động lực cho phát triển các ngành khoa học mới. Lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cũng có những thành tích ấn tượng với hơn 2.000 công trình khoa học được công bố mỗi năm.

Các nhà khoa học của Viện Sinh học là nhóm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công Kit phát hiện SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, với vai trò đầu tàu trong nghiên cứu cơ bản và kiến tạo các công nghệ chiến lược, GS.VS Lê Trường Giang - Phó Chủ tịch Viện cho rằng, cần giải quyết rốt ráo, triệt để các vấn đề căn cơ chưa được giải quyết của hệ thống các viện nghiên cứu nói chung và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng.
Về mô hình tổ chức: việc áp dụng áp dụng cơ chế tự chủ chung với tất cả loại hình đơn vị sự nghiệp: KH&CN, giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật… là chưa phù hợp. Mặc dù theo Luật KH&CN, tổ chức KH&CN được phân loại theo chức năng nghiên cứu, ứng dụng nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho từng loại tổ chức khoa học nêu trên.
Bên cạnh đó các quy định quản lý đối với các hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng triển khai công nghệ đang gây những trở ngại, do sự không thống nhất giữa các luật hiện hành. Thêm vào đó, theo Luật Hình sự 2015 quy định nếu gây thất thoát tài sản nhà nước có thể bị quy trách nhiệm hình sự, làm tăng rủi ro pháp lý cho các nhà khoa học và cơ quan chủ trì.
Bên cạnh đó, một số quy định ngành chưa phù hợp gây khó khăn trong ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu. Theo Thông tư 35/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Luật Dược, chỉ cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc nguồn gốc hóa dược khi nguyên liệu được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Song thực tế chưa có cơ sở nghiên cứu nào ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn này nên khó có thể hoàn thành các bước cần thiết để thương mại hóa sản phẩm. Việc thiếu cơ sở sản xuất đạt chuẩn GMP dẫn đến việc không thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng, làm chậm trễ quá trình chuyển giao công nghệ, kéo dài thời gian và tăng chi phí nghiên cứu.
Với việc xét duyệt đề tài, cấp kinh phí theo dạng nhiệm vụ với thời gian thực hiện 2-3 năm như hiện nay rất khó hình thành nhóm nghiên cứu đủ mạnh. Ví dụ nhóm nghiên cứu về sensor khí tại Viện Khoa học Vật liệu phải mất 15 năm mới bắt đầu có kết quả triển khai ứng dụng tốt. Nhóm nghiên cứu về sản phẩm thải độc cho nạn nhân nhiễm chất độc dioxin tại Viện Công nghệ sinh học trước đây nay là Viện Sinh học cũng hơn 20 năm mới đưa được sản phẩm mới vào sản xuất.
Viện cũng đang gặp thách thức lớn trong việc giữ chân đội ngũ cán bộ trẻ tiềm năng chủ yếu do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Mức lương và các quyền lợi không đủ hấp dẫn nên khó thu hút các nhà khoa học trẻ, nhất là với người được đào tạo trình độ tiến sỹ ở nước ngoài. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn nhân lực, mất thời gian đào tạo mà còn làm chậm sự phát triển của các đơn vị khi phải loay hoay tìm nhân sự thay thế.
Kiến nghị giải pháp
Trong bối cảnh mới, Viện Hàn lâm đưa ra kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: (1) Một số giải pháp đặc thù liên quan tới tinh giản biên chế, kiện toàn các tổ chức bên trong cho phù hợp; (2) Tập trung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cho Viện Hàn lâm, đặc biệt là trong nghiên cứu cơ bản; (3) Tiếp tục đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu, phát triển một số công nghệ then chốt, chiến lược trong các lĩnh vực: vũ trụ, lượng tử, vật liệu, tế bào gốc, chỉnh sửa gen, vắc xin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, môi trường, năng lượng tái tạo, cảnh báo thiên tai…; (4) Đóng tàu nghiên cứu biển để chủ động triển khai thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu biển; (5) Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tăng cường chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu tại Viện; (6) một số chương trình KH&CN quốc gia như vũ trụ, biển… tiếp tục giao cho Viện chủ trì.

Nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Mô hình của Viện hiện nay đã tương đồng với các Viện Hàn lâm trên thế giới về các chuyên ngành khoa học lớn (mặc dù quy mô còn khiêm tốn), đảm bảo thực hiện tốt các chức năng đặc thù về nghiên cứu KH&CN, Viện đề xuất: không thu gọn thêm các đơn vị nghiên cứu (đặc biệt là các phòng chuyên môn sâu) để duy trì và phát triển các chuyên ngành khoa học cần thiết; cho phép việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng mở, chủ động thành lập viện, tổ chức mới đối với những lĩnh vực nghiên cứu theo yêu cầu phát triển, những chuyên ngành không còn phù hợp thì được chủ động tổ chức lại. Với các ý tưởng nghiên cứu đột phá để nhanh chóng triển khai cần có sự đổi mới về quy trình phê duyệt dự toán và thực hiện nhiệm vụ; tăng tính chủ động hoàn toàn cho các nhà khoa học.
Lê Hạnh (Tổng hợp)