Thứ ba, 22/04/2025 16:13

Thúc đẩy hợp tác toàn diện trong chuyển đổi xanh

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Nhân dịp này, các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề ra sáng kiến để đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam và các nước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali: Việc mở rộng đầu tư phát triển năng lượng là điều cần thiết

Trong bối cảnh hiện nay, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cũng như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đòi hỏi các cách tiếp cận thực tiễn với các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, các quốc gia phải nhận thức rõ, các nguồn lực tài chính bền vững sẽ là nền tảng của hành động khí hậu.

Trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2013 và Chương trình nghị sự 2033 của Liên minh châu Phi, Ethiopia đã vạch ra một lộ trình đầy tham vọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vào năm 2050. Những tham vọng này đã được chuyển thành các biện pháp chính sách cụ thể, phản ánh trong các kế hoạch phát triển quốc gia và được triển khai thông qua chiến lược và sáng kiến xanh.

Việc mở rộng đầu tư phát triển năng lượng là điều cần thiết. Hiện nay, châu Phi là nơi có bể chứa carbon lớn nhất thế giới với hệ sinh thái rừng. Để bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này, các quốc gia liên quan cùng hợp tác để cung cấp nguồn lực tài chính và công nghệ cần thiết để hỗ trợ các dự án năng lượng và phát triển cho châu Phi.

Ngoài ra, Ethiopia cũng kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để giảm thiểu sự mất đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, phục hồi đất bị thoái hoá. Ví dụ như sáng kiến di sản xanh, thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng; thúc đẩy sinh kế thay thế cho người dân, tăng năng suất sản xuất nông nghiệp…

TS Malle Fofana - Giám đốc khu vực châu Á, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh

Thế giới đang đứng trước thời điểm quan trọng để đẩy mạnh hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thực tế này đòi hỏi các nước tăng tốc nghiên cứu, phát triển các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, hiện 75% các giải pháp công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh trên thế giới mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Ngoài ra, các giải pháp này mới chỉ tập trung vào những lĩnh vực dễ xử lý và các ngành ít phát thải. Nhìn vào những lĩnh vực phát thải lớn như công nghiệp nặng, có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu giảm phát thải và thực tế đầu tư. Thí dụ, khối lượng chất thải mà các ngành công nghiệp nặng thải ra môi trường rất lớn. Tuy nhiên, hiện công nghệ làm sạch chỉ có thể xử lý 11% lượng chất thải của các ngành công nghiệp nặng và chỉ tập trung ở những khu vực dễ xử lý.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế nên coi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), phục vụ quá trình chuyển đổi xanh chính là đầu tư cho thế hệ tương lai. Để làm được điều này, vai trò của các chính phủ, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, đối tác công - tư là rất quan trọng để bảo đảm các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

GGGI và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau, nhằm phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quá trình tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc nghiên cứu và triển khai những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, giao thông vận tải, xây dựng; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi xanh; thu hút dòng vốn đầu tư vào chuyển đổi xanh.

Ông Absalom Ngome - Giám đốc Tài chính và Bộ phận Dịch vụ Doanh nghiệp - Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (GGGI): Các giải pháp do AI thúc đẩy có thể cắt giảm 5-10% lượng khí thải toàn cầu

AI là một công cụ thay đổi cuộc chơi đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu - tối ưu hóa quy trình, dự đoán xu hướng và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu. Một nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, các giải pháp do AI thúc đẩy có thể cắt giảm 5-10% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Việt Nam có thể khai thác tiềm năng này để giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên.

Trong lĩnh vực năng lượng, AI có thể tăng cường tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào lưới điện quốc gia, hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Trong công nghiệp, AI giám sát việc sử dụng năng lượng của nhà máy, xác định tình trạng kém hiệu quả và giảm chất thải.

Trong giao thông vận tải, các giải pháp di động thông minh tối ưu hóa lưu lượng giao thông, cắt giảm tình trạng tắc nghẽn và mức tiêu thụ nhiên liệu.

Trong nông nghiệp, AI cải thiện việc tưới tiêu, sử dụng phân bón và kiểm soát dịch hại, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, các hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) hỗ trợ AI tăng cường theo dõi và báo cáo lượng khí thải, đảm bảo các chính sách về khí hậu được thông báo. Bằng cách tận dụng AI, các quốc gia như Việt Nam có thể đẩy nhanh con đường hướng tới tương lai xanh hơn, bền vững hơn.

Ông Bader Al Matrooshi - Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): Tận dụng giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững.

Ở khu vực Trung Đông, UAE thường xuyên đối mặt với thách thức về thời tiết, khí hậu. Giống như Việt Nam, cách giải quyết của UAE là tận dụng giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững. Hiện nay, UAE đang tập trung triển khai nông nghiệp thông minh, công nghệ canh tác thủy canh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng tôi có nông trại thẳng đứng lớn nhất thế giới, ứng dụng công nghệ học máy để giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh, tạo ra thế giới có sự song hành giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

PT

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)