Thứ sáu, 18/04/2025 10:42

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

TS Phan Đăng Phong, ThS Đinh Viết Hải

Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo…, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã trở thành tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, tự động hoá…, góp phần quan trọng vào sự phát triển khoa học, kinh tế, xã hội của ngành và đất nước.

Từ nền tảng vững mạnh

Ngày 6/7/1962, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 76/TTg thành lập Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Năm 1971, Viện được đổi tên thành Viện Thiết kế máy công nghiệp, năm 1978, tiếp tục đổi tên thành Viện Nghiên cứu máy, tới năm 1997 chính thức mang tên Viện Nghiên cứu Cơ khí trực thuộc Bộ Công Thương. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí, tự động hóa… phục vụ các dự án lớn, quan trọng và có độ phức tạp cao của đất nước và khu vực. Có thể thấy rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu của Viện không ngừng phát triển và được củng cố qua các thời kỳ.

Ở giai đoạn đầu, Viện đã tham gia thực hiện những dự án lớn của đất nước theo kế hoạch hàng năm được phân công. Với lực lượng cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm (hầu hết các cán bộ của Viện đều được tham gia học tập và nghiên cứu ở các nước có nền công nghệ cao), Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước bị chiến tranh cũng như khi bị cấm vận. 

Bước vào giai đoạn đất nước đổi mới, mặc dù không còn được Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên, song với ý chí và quyết tâm của mình, Viện đã tự vận động để có kinh phí trang trải cho hoạt động của bộ máy và đầu tư để phát triển. Ngày 5/9/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; để đáp ứng yêu cầu phát triển, Viện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi về tự chủ tài chính, đầu tư…, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu - phát triển, từng bước khẳng định thương hiệu và vị thế của Viện thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ cũng như các hợp đồng kinh tế.

Đến xây dựng và khẳng định thương hiệu

Để tạo dựng thương hiệu, Viện đã tập trung xây dựng năng lực để đưa ra được giải pháp phù hợp cho từng dự án cụ thể; đề cao ý thức trách nhiệm, đặc biệt là tránh nhiệm của người lãnh đạo; phát huy vai trò và vị thế là Viện nghiên cứu đầu ngành về cơ khí của đất nước, làm tốt công tác tư vấn cho Chính phủ và các bộ/ngành trong phát triển lĩnh vực công nghiệp cơ khí; đẩy mạnh liên danh, liên kết với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham khảo kinh nghiệm cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ.  

Với truyền thống của mình, Viện đã tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị trong lĩnh vực cơ khí; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, thiết kế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và các dây chuyền thiết bị thuộc lĩnh vực công nghiệp như: xi măng, thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, tự động hóa, năng lượng mới và năng lượng tái tạo…  

Đặc biệt, với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học giỏi, nhiều kinh nghiệm, Viện đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn về cơ chế, chính sách cho Chính phủ về chủ trương nội địa hóa lĩnh vực cơ khí chế tạo. Trong quá trình hoạt động, Viện xác định, tính trách nhiệm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tính trách nhiệm cũng là nền tảng tạo nên uy tín của Viện với các bạn hàng trong và ngoài nước. Với phương châm hành động này, Viện đã đạt được nhiều thành công trong những lĩnh vực công nghiệp chủ chốt: 

Về thủy điện: Viện đã làm chủ được công tác thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị cơ khí quan trọng. Đặc biệt, với sự đóng góp của Viện, Nhà máy Thủy điện Sơn La đã phát điện sớm 3 năm và Nhà máy Thủy điện Lai Châu phát điện sớm 1 năm so với dự kiến. Sự thành công của 2 dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu khoảng 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là do làm chủ được thiết kế nên mặc dù các dự án phải đấu thầu quốc tế, nhưng Viện đã cùng các doanh nghiệp trong nước đã thắng thầu toàn bộ.

Về nhiệt điện: Được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ/ngành có liên, Viện đã làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhiều hạng mục thiết bị quan trọng, phức tạp mà trước đây là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài như: thiết bị lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống vận chuyển than… cho các nhà máy nhiệt điện: Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2… Trong đó, nhiều dự án Viện là nhà thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài như các tập đoàn: Marubeni (Nhật Bản), Doosan và Hyundai (Hàn Quốc)...

Hệ thống vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế chế tạo.

Thiết bị lọc bụi tĩnh điện của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế chế tạo.

Về bô xít:  Viện đã đấu thầu và được Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam chọn làm tư vấn cho chủ đầu tư trong việc xây dựng dự án: Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ. Thực hiện dự án nêu trên, Viện đã thuê trên 10 chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này làm việc tại Việt Nam gần 10 năm. Đến nay, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế nhà máy, có thể đảm đương việc mở rộng cũng như xây dựng các nhà máy bô xít mới.

Về công nghệ tự động hóa: Viện đã nghiên cứu thiết kế, tích hợp nhiều hệ thống tự động hóa phức tạp cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, ô tô, xe máy, kho hàng với giá cạnh tranh tốt so với các nhà thầu nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể chi phí cũng như sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài.

Một số sản phẩm do Viện Nghiên cứu Cơ khí thiết kế, chế tạo.

Về nội địa hóa thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân và ngành công nghiệp đường sắt: Viện đã sớm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia dự án nhà máy điện hạt nhân cũng như lĩnh vực công nghiệp đường sắt tại Việt Nam. Từ năm 2006 đến nay, Viện đã cử gần 100 lượt kỹ sư có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia nghiên cứu học tập ở nước ngoài; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam triển khai nghiên cứu lĩnh vực điện hạt nhân, xe ô tô chạy điện, giao thông xanh…

*

*           *

Với sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng - chuyển giao công nghệ và cách làm linh hoạt, sáng tạo…, mức tăng trưởng hàng năm của Viện luôn ở mức 10%, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động luôn ổn định và ngày một nâng cao; năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển của Viện không ngừng được cải thiện; xứng đáng với thương hiệu đầu tàu trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí, tự động hóa của đất nước.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)