
Các đại biểu tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Nhiều kết quả sau 7 năm thực hiện Đề án 1665
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII không chỉ là một sự kiện thường niên mà là nơi hội tụ của học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đang khao khát viết tiếp câu chuyện đổi mới và kiến tạo tương lai cho đất nước. Khởi nghiệp không đơn thuần là một lựa chọn nghề nghiệp - đó là cách mỗi học sinh, sinh viên học cách kiến tạo tương lai bằng chính đôi tay và khối óc của mình.
Được thực hiện từ năm 2017, Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đạt được những kết quả nhất định. Sau 7 năm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án 1665 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục; các kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của nhiều cấp học, nhất là bậc đại học và cao đẳng. Trên 120 cơ sở giáo dục đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn. Từ 2020-2024, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng các dự án khởi nghiệp của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông là 8.700 dự án, tính trung bình mỗi năm có 1.465 dự án. Đề án 1665 không chỉ đơn thuần là một chương trình hành động trong ngành giáo dục, mà đã thực sự trở thành một động lực, một mắt xích quan trọng đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng không gian sáng tạo khởi nghiệp, phát triển các chương trình ươm tạo doanh nghiệp, kết nối với các trung tâm khởi nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên và giảng viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Đến nay, hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Khung chính sách ngày càng hoàn thiện đã tạo đột phá quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho khởi nghiệp trong giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia, giáo dục Việt Nam không chỉ hướng tới "dạy chữ, dạy nghề", mà còn hướng tới ươm dưỡng tinh thần khởi nghiệp, khả năng giải quyết vấn đề, khát vọng công dân toàn cầu.
Thần tốc, táo bạo hơn nữa, không có giới hạn trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Thanh niên phải là rường cột của nước nhà. Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng vai trò của thanh niên, coi thanh niên là nhân tố chủ chốt, sẵn sàng trao sứ mệnh tiên phong cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với phương châm Thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh. Qua 7 năm triển khai Đề án 1665, có thể nhận thấy, mỗi lần tổ chức đều chứng kiến những sự đổi mới đến từ phong trào khởi nghiệp của thanh niên, học sinh, sinh viên. Nhưng điều không thay đổi chính là niềm đam mê, khát vọng, nghị lực, khí thế, tinh thần quyết tâm thể hiện qua từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của các bạn trẻ tại Ngày hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội. Do đó, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phải có hệ sinh thái, phải tạo ra phong trào, xu thế, tạo động lực, truyền cảm hứng bằng nhiều hình thức, sự giúp đỡ, cơ chế, chính sách khác nhau để phong trào, xu thế sống mãi. Phong trào phải mang lại lợi ích cho chính sinh viên, gia đình thì mới sống mãi, nâng bước cho họ phát triển, tạo niềm tin, động lực cho phát triển với tinh thần “thần tốc, táo bạo”, không có giới hạn trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt về tài chính, sở hữu trí tuệ, kết hợp mô hình công - tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường; phát triển các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên bằng nguồn xã hội hóa; xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương và trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa; tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng. Kỳ vọng vào thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ gửi gắm, mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp, đồng thời đây còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước, xây dựng quốc gia phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.
PT