Thứ hai, 21/04/2025 11:05

Đổi mới công tác truyền thông về nâng cao năng suất và chất lượng

Nguyễn Việt Hà

Viện Thông tin và Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nâng cao năng suất và chất lượng (NSCL) trở thành yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Việc cải thiện NSCL được coi là con đường ngắn nhất để Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích vai trò và kết quả của công tác truyền thông về NSCL thông qua nhiệm vụ “Truyền thông về NSCL trên tạp chí, báo điện tử và mạng xã hội năm 2024” (Mã số 02.1/NSCL-2024); đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động truyền thông NSCL trong bối cảnh mới.

Bối cảnh hiện tại

Trước làn sóng chuyển đổi của CMCN 4.0, nhiều quốc gia đã và đang triển khai những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện NSCL. Tuy phương pháp và mức độ triển khai có sự khác biệt, nhưng điểm chung là những chương trình này đều hướng tới việc tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua NSCL. Đó là bài học hữu ích để Việt Nam tham khảo, đặc biệt trong công tác truyền thông.

Ở nước ta, công tác truyền thông về NSCL đã trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc lan tỏa chính sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ quản lý và giải pháp cải tiến NSCL một cách hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung.

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Phương pháp truyền đạt chủ yếu theo hướng truyền thống, nội dung thường được đăng trên tạp chí in và một số báo điện tử chuyên ngành, chưa tận dụng tốt các công cụ truyền thông hiện đại trong thời đại số. Việc thu thập thông tin còn gặp nhiều trở ngại do tâm lý e dè của doanh nghiệp khi tiếp xúc với báo chí. Ngoài ra, nội dung NSCL thường mang tính học thuật nên chưa thu hút được lượng độc giả lớn. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải đổi mới hình thức truyền thông để nâng cao hiệu quả.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Thông tin và Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ trì triển khai nhiệm vụ “Truyền thông về NSCL trên tạp chí, báo điện tử và mạng xã hội năm 2024”. Đến nay, nhiệm vụ đã hoàn tất, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao kiến thức và nhận thức về NSCL trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Những kết quả đạt được

Triển khai nhiệm vụ nêu trên, Viện đã xây dựng hệ thống nội dung phong phú, từ hàng nghìn bài viết, video clip, đến các chương trình tọa đàm và giao lưu trực tuyến về chủ đề NSCL.

Các hình thức truyền thông rất đa dạng, bao gồm: bài viết chuyên sâu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, các sản phẩm truyền thông đa phương tiện đăng trên báo điện tử có lượng truy cập lớn như Lao động, Công Thương, Diễn đàn Doanh nghiệp, Dân Việt, Đại biểu Nhân dân... Đặc biệt, hình thức trình bày của các tác phẩm rất đa dạng, áp dụng công nghệ hiện đại như infographic/longform, video, bản tin truyền hình và các chương trình tọa đàm trực tuyến... Việc phủ sóng thông tin về NSCL trên nhiều nền tảng đã giúp chủ đề vốn hàn lâm này trở nên dễ tiếp cận hơn với cộng đồng.

Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao năng suất quốc gia, tạo động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới” do Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam tổ chức ngày 18/2/2025.

Bên cạnh đó, các chương trình tọa đàm, talk show được tổ chức bài bản, thu hút các chuyên gia và khách mời uy tín tham gia thảo luận về những vấn đề thời sự như: năng suất xanh, chất lượng đào tạo chuyên gia, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất quốc gia… Những chủ đề này đều có tính thời sự và thiết thực, từ đó tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, hoạt động tuyên truyền NSCL không chỉ góp phần lan tỏa kiến thức trong cộng đồng doanh nghiệp, mà còn giúp đưa các công cụ quản lý của Nhà nước đến gần hơn với xã hội. Việc doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thông tin, số liệu, ý kiến chuyên môn được truyền tải trong khuôn khổ nhiệm vụ không chỉ là tài liệu quý báu cho cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phục vụ việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cả nước trong việc tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao NSCL.

Một số tồn tại và giải pháp khắc phục

Dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn gặp một số vướng mắc. Điện hình là: (i) Nội dung một số bài báo chuyên ngành còn thiếu chiều sâu phân tích, chưa phản biện chính sách hiệu quả; (ii) Một số kênh truyền thông như mạng xã hội chưa thu hút được tương tác do chủ đề mang tính chuyên môn cao; (iii) Các bộ, ngành thiếu cán bộ chuyên trách về NSCL khiến việc thu thập dữ liệu, thông tin bị chậm trễ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2024-2025, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất -kinh doanh, từ đó giảm sự quan tâm tới các chủ trương, chính sách về NSCL.

Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Với định hướng rõ ràng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao NSCL, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành trụ cột chiến lược.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)