KH&CN đã dần trở thành động lực phát triển
Theo đánh giá của Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH thời gian qua thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều dự án, đề án KH&CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN trong và ngoài địa bàn đã được triển khai.
Các tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích và ưu tiên dành nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; đăng ký mã số, mã vạch, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, vùng ĐBSH nói chung.
Kết quả của những nỗ lực nêu trên là nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp rất thành công. Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt phải kể đến mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Bắc (Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định…); mô hình sản xuất cà chua quả nhỏ, dưa thơm ứng dụng công nghệ cao (Hải Dương, Hải Phòng...); mô hình sản xuất rau, củ, quả không sử dụng phân bón, thuốc hóa học; mô hình trồng rau giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác bền vững nguồn lợi rươi; mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với bao tiêu sản phẩm. Trong chăn nuôi, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH true milk, Hòa Phát, Massan… đã ứng dụng tương đối đồng bộ công nghệ cao ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong nuôi trồng thủy hải sản, các mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ bioflock, nuôi thủy sản trong hệ thống lọc tuần hoàn… đã được triển khai ở nhiều địa phương trong vùng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đẩy mạnh bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ được coi là một trong những điểm then chốt giúp giữ vững và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương cũng như của cả vùng. Nắm bắt được vấn đề này, các địa phương đã ban hành và triển khai đồng bộ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đến nay, hầu hết sản phẩm chủ lực của các địa phương đã và đang được triển khai xây dựng và tạo lập giá trị tài sản sở hữu trí tuệ.
…Nhưng vấn đề liên kết vùng còn chưa được như kỳ vọng
Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, nhưng theo Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Văn Liễu, việc liên kết giữa các Sở trong hoạt động KH&CN còn chưa được như mong muốn, chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Chẳng hạn, hoạt động của hệ thống các trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng của các địa phương trong vùng chưa được kết nối chia sẻ, hầu như đang hoạt động riêng lẻ nên chưa phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư; chưa có được các nhiệm vụ xây dựng, bảo hộ tài sản trí tuệ của các sản phẩm có tính liên tỉnh, liên vùng. Ông Nguyễn Văn Liễu đề nghị đại diện các địa phương cùng thảo luận sâu vào các khía cạnh của vấn đề tăng cường liên kết vùng về KH&CN.
Đề cập đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến cho biết, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH có nhiều điểm chung chứ không quá đa dạng, thì việc chia sẻ bài học kinh nghiệm, đồng thời thảo luận giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng về KH&CN là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Không chỉ ông mà nhiều lãnh đạo tỉnh cũng nhận thấy sự liên kết về KH&CN giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, nhưng quan trọng là thúc đẩy nó như thế nào? Theo ông, việc phối hợp giữa các tỉnh để tổ chức những nghiên cứu lớn phục vụ mục tiêu chung của vùng sẽ không khả thi, bởi không thể phủ nhận rằng năng lực nghiên cứu, nguồn nhân lực của các cơ quan khoa học cấp tỉnh còn nhiều hạn chế.
Bổ sung cho những ý kiến này, Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng Dương Ngọc Tuấn chia sẻ, các viện nghiên cứu lớn mới đủ năng lực nghiên cứu ra các sản phẩm công nghệ hữu ích. Ở địa phương chỉ hoàn thiện được một sản phẩm cụ thể nào đó, hỗ trợ phát triển một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nào đó, ví dụ như trong nông nghiệp thì chọn tạo, hoàn thiện một giống lúa, hay các ứng dụng Internet kết nối vạn vật đơn giản. Ông Tuấn đề xuất, trước mắt cần xác định nhu cầu công nghệ của các địa phương. Mà để làm được, cán bộ ngành KH&CN từng tỉnh phải tiếp cận người dân, doanh nghiệp để khảo sát, tìm hiểu nhu cầu công nghệ. Đồng thời, các tỉnh phải có sự kết nối thông tin về cung - cầu công nghệ thông qua các sàn giao dịch, điểm cung - cầu công nghệ. Cơ sở dữ liệu chung về nhu cầu cung - cầu công nghệ này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trong tất cả các tỉnh có thể cùng tra cứu, hỏi đáp, đề nghị hỗ trợ chuyên gia tư vấn, hoặc thậm chí chia sẻ, quảng bá kết quả nghiên cứu mà tỉnh khác đã làm để tránh trùng lắp. Còn đối với các vấn đề quan trọng, nhận được mối quan tâm chung của nhiều tỉnh hoặc toàn vùng, thì đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ đặt hàng các viện nghiên cứu lớn để nghiên cứu cho địa phương. Hiệu quả mang lại chắc chắn sẽ cao hơn việc mỗi tỉnh tự đầu tư một nguồn kinh phí, nhưng lại cùng nghiên cứu về một vấn đề chung ở trong vùng.
Tại Hội nghị, không chỉ xoay quanh việc khai thác thông tin, kết nối cung - cầu công nghệ, mà nhiều vấn đề mang tính liên vùng khác như nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các nông sản chủ lực cùng được trồng ở nhiều tỉnh, hay “nóng” như ô nhiễm môi trường đã được các đại biểu cùng nhau thảo luận và tìm phương án tháo gỡ…
Cam kết đồng hành của Bộ KH&CN
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao sự cố gắng, cũng như những kết quả đã đạt được trong hoạt động KH&CN của từng địa phương và cả vùng ĐBSH. Thứ trưởng chia sẻ, Hội nghị lần này đã bàn tới các vấn đề về nâng cao hiệu quả đầu tư, sở hữu trí tuệ, chuỗi giá trị, liên kết giữa các tỉnh, thành phố, liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý… Theo Thứ trưởng, Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSH ngày càng đi vào thực chất hơn, bàn đến những vấn đề gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống, đây là những tín hiệu rất tích cực. Trên cơ sở ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN, tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong vùng để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, nhanh chóng đưa các tiến bộ KH&CN đến gần người dân hơn. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng các địa phương, các tổ chức KH&CN trong vùng để việc ứng dụng KH&CN đạt được hiệu quả cao nhất, thiết thực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH nói riêng, đất nước nói chung. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, trong các Hội nghị sắp tới, những nội dung được đưa ra thảo luận sẽ gắn bó và ngày càng hữu ích hơn với cuộc sống.