Thứ sáu, 10/05/2019 17:30

Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 - mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003-2010

Linh Đan

Là một trong số những người phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm HPAI H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam (tháng 12/2003) và đã theo đuổi các nghiên cứu liên quan chuyên sâu về virus cúm gia cầm ở người, PGS.TS Lê Nguyễn Khánh Hằng (Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương) vinh dự là một trong ba tác giả được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 với công trình Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003-2010 (Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal - Human Interface in Vietnam, 2003-2010).

Công trình nghiên cứu của TS. Lê Nguyễn Khánh Hằng được công bố năm 2017 trên Tạp chí Các bệnh nhiễm trùng (The Journal of Infectious Diseases - JID). Kết quả nghiên cứu của chị và nhóm nghiên cứu đã xác định sự tiến hoá nhanh của virus HPAI H5N1 với sự phân tách thành 6 nhóm kháng nguyên tạo thành từ 8 kiểu gen trong giai đoạn nghiên cứu, đặc biệt nhóm kháng nguyên 2.3.4.3 xuất hiện trong giai đoạn 2007-2010 là căn nguyên của 12 trường hợp người nhiễm trong giai đoạn 2007-2009.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn xác định được 34 amino axit trên protein HA thay đổi sau khi virus HPAI H5N1 từ gia cầm lây nhiễm sang người, tuy nhiên phần lớn đột biến ( n=24) phát hiện trên các virus đơn lẻ phân lập từ người, vì vậy có thể chỉ là các trường hợp rải rác. Tuy nhiên, trong số đó có 18 amino axit không xuất hiện trên bất kỳ virus nào phân lập được từ gia cầm, và 4 amino axit còn lại chỉ gặp ở duy nhất 1 trình tự trong tổng số 655 trình tự HA được phân tích, như vậy có sự thích nghi của virus HPAI H5N1 khi xâm nhập gây nhiễm cho người. Ngoài ra, một số đột biến (Glu 627 Lys) trên các phân đoạn gen chức năng PB2 liên quan đến khả năng nhân lên hiệu quả của virus HPAI H5N1 trên tế bào biểu mô đường hô hấp người cũng được phát hiện trên 20 trong tổng số 37 virus phân lập từ người, và thay đổi này chỉ phát hiện trên duy nhất 1 virus trong tổng số 195 phân lập từ gia cầm, gợi ý cho sự chọn lọc thường xuyên trong quần thể virus HPAI H5N1 sau khi gây nhiễm cho người. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng phát hiện sự thay đổi của 9 axit amin khác cần phải được quan tâm khi tần suất các thay đổi này xuất hiện tăng theo thời gian trên số virus HPAI H5N1 phân lập ở người, trong khi giảm tại số virus phân lập từ gia cầm. Đây có thể sẽ là các thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng khi sự đa dạng của virus HPAI H5N1 ngày càng gia tăng.

Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp một danh sách các đột biến được xác định tương tác giữa người - động vật ở virus HPAI H5N1, có giá trị trong việc giám sát phân tử virus phục vụ các nghiên cứu trong tương lai ở Việt Nam và trên thế giới, giúp các nhà khoa học nhanh chóng phát hiện và xác định các đột biến liên quan đến sự thích ứng của virus cúm HPAI H5N1 trên động vật có vú. Kết quả này cũng cung cấp các số liệu tham chiếu cho nghiên cứu về các virus cúm A khác đang lưu hành trên động vật, gia cầm, chim hoang dã.

Có thể thấy, nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan về thời gian và không gian giữa sự xuất hiện của virus HPAI  H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người, phân tích sự tiến hoá của virus HPAI H5N1, hệ thống các phân tích gia hệ, phân tử các virus HPAI H5N1 phân lập được trên người và gia cầm tại Việt Nam, từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên (2003) đến trường hợp gần đây nhất (2010). Sự  thay  đổi  của các protein của virus HPAI H5N1 trong quá trình tương tác giữa người và động vật đã minh chứng cho giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là do bị truyền trực tiếp từ gia cầm sang người. Sự thay đổi di truyền do trao đổi tích hợp tự nhiên trong quần thể virus HPAI H5N1 để thích ứng với người chưa có bằng chứng, tuy nhiên giám sát virus, phân tích sự tiến hoá của virus cúm gia cầm vẫn là việc làm bắt buộc. Trên cơ sở kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã phát triển các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng trong nước và chia sẻ các thông tin khoa học cho cộng đồng khoa học thế giới.

Tròn 20 năm theo đuổi công việc nghiên cứu tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, PGS.TS Lê Nguyễn Khánh Hằng đã công bố 64 bài báo: 34 bài báo khoa học nước ngoài và 30 bài báo khoa học trong nước. Hiện nay, chị đang theo đuổi tiếp nghiên cứu thông qua các dự án Giám sát các virus cúm và virus hô hấp phối hợp cùng Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu Hoa Kỳ (GHS); dự án Nâng cao năng lực giám sát cùng Đại học Nagasaki Nhật Bản và Giám sát miễn dịch cúm trong cộng đồng cùng Đại học Oxford Anh.

Linh Đan

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)