Thứ tư, 10/04/2019 17:14

Nafosted góp phần thúc đẩy năng lực KH&CN quốc gia

TS Đỗ Tiến Dũng

 

Giám đốc Cơ quan điều hành Nafosted

 

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ và khai trương hoạt động từ tháng 2/2008. Với tôn chỉ đảm bảo cao nhất về chất lượng nghiên cứu và thực hiện đánh giá, xem xét tài trợ một cách khách quan, hoạt động của Nafosted đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng các nhà khoa học. Tính đến nay, đã có hơn 10.000 lượt nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trên 2.400 tiến sỹ được đào tạo, trên 4.000 bài báo ISI được công bố... Kết quả này đã khẳng định vai trò tích cực của Nafosted trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Nafosted trở thành nguồn lực quan trọng, thường xuyên hỗ trợ các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc duy trì hoạt động nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực KH&CN...

Tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi

Từ khi thành lập, Nafosted đã chú trọng học hỏi kinh nghiệm về quản lý và vận hành quỹ khoa học của các nước phát triển để triển khai áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo mô hình quỹ khoa học quốc gia phổ biến trên thế giới, hoạt động của Nafosted hướng đến tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao.

Để thực hiện sứ mệnh của mình, Nafosted đã thực hiện các chức năng quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ ban hành, bao gồm: tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia; cho vay, bảo lãnh vốn vay ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên được triển khai từ năm 2009, với quy định về đánh giá khoa học sản phẩm của đề tài, năng lực nhóm nghiên cứu đã giúp thúc đẩy chất lượng và hội nhập trong hoạt động KH&CN. Tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật và khoa học xã hội và nhân văn là chương trình có quy mô lớn nhất, với 94% số nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt và 76% kinh phí giải ngân.

Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học (sau đổi thành hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia) như hỗ trợ các nhà khoa học tham gia hội thảo khoa học quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài, tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam được thúc đẩy nhằm tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học trao đổi khoa học, công bố kết quả nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản và hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia là hai chương trình được triển khai sớm nhất, ngay sau khi Nafosted đi vào hoạt động, thể hiện trọng tâm hoạt động của Nafosted trong việc thúc đẩy chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao.

Cùng với quy định về chức năng hoạt động, các nguyên tắc hoạt động của Nafosted cũng được Chính phủ quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động: xem xét tài trợ, hỗ trợ công khai, dân chủ, bình đẳng; đánh giá khoa học thông qua Hội đồng KH&CN, chuyên gia tư vấn độc lập; quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế; tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và tương đương do tổ chức, cá nhân đề xuất.

Các nguyên tắc hoạt động được quy định hướng đến việc đảm bảo tính công bằng và chất lượng đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ.

Hướng đến chuẩn quốc tế

Trong quá trình hoạt động, Nafosted đã dần thiết lập được cơ chế hoạt động phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN ở nước ta, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả tài trợ, hỗ trợ.

Cơ chế quản lý khoa học nhằm đảm bảo chất lượng nghiên cứu đạt trình độ quốc tế

Điều kiện tài trợ: năng lực của nhóm nghiên cứu phải phù hợp với kết quả đăng ký của đề tài. Chủ nhiệm đề tài phải có kết quả công bố (bài báo khoa học, văn bằng sở hữu trí tuệ) trong thời gian trước đó (trong 5-7 năm) phù hợp với đăng ký sản phẩm của đề tài. Cơ chế này tương đồng với nguyên tắc thứ nhất, giúp tăng tính minh bạch, bình đẳng cho việc đánh giá, xem xét tài trợ, đồng thời đảm bảo tính khả thi, hoàn thành nghiên cứu được tài trợ.

Chuyên gia đánh giá: Nafosted sử dụng các chuyên gia và hội đồng khoa học có năng lực khoa học xuất sắc, kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành của Nafosted được thành lập trên cơ sở giới thiệu/bầu chọn của các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực để lựa chọn được những nhà khoa học uy tín, đảm bảo tính khách quan trong hoạt động đánh giá khoa học. Cơ chế này giúp đảm bảo nguyên tắc thứ 2, đảm bảo chất lượng “Đánh giá khoa học thông qua Hội đồng KH&CN, chuyên gia tư vấn độc lập”, đảm bảo chất lượng đánh giá.

Đánh giá khoa học: Nafosted đánh giá năng lực nhóm nghiên cứu, kết quả nghiên cứu dựa trên các kết quả công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (danh mục tạp chí ISI), các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích). Cơ chế này phù hợp với nguyên tắc về “Quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế”.

Ngoài ra, Nafosted thực hiện đánh giá thông qua hồ sơ, nhằm đảm bảo tính khách quan, đơn giản hóa thủ tục đánh giá và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tại các địa phương. Nội dung tài trợ tập trung cho các hoạt động trực tiếp của đề tài như công lao động khoa học, nguyên vật liệu và các hoạt động của đề tài như hội thảo, điều tra, khảo sát (hạn chế kinh phí đối với mua sắm thiết bị, đoàn ra). Quy mô tài trợ, hỗ trợ thực hiện theo trung hạn và gắn với kết quả thực hiện giai đoạn trước. Thủ tục tài trợ thuận lợi và minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tham gia các chương trình tài trợ, hỗ trợ.

Cơ chế quản lý tài chính thuận lợi, phù hợp với đặc thù hoạt động KH&CN

Kế hoạch tài chính: tính chất nguồn vốn của Nafosted cho phép dự toán và phê duyệt ngân sách hoạt động năm theo chương trình tài trợ, hỗ trợ. Như vậy, nhiệm vụ KH&CN có thể được đề xuất và bắt đầu thực hiện trong cùng một năm (thực hiện ngay sau khi được phê duyệt), đảm bảo tính thời sự của nghiên cứu.

Chuyển nguồn ngân sách: thủ tục thanh quyết toán tài chính, thủ tục cấp kinh phí theo tiến độ, chuyển nguồn kinh phí giữa các năm thuận lợi, phù hợp với tiến độ nghiên cứu.

Dự toán nhiệm vụ: phương thức dự toán công lao động đối với đề tài nghiên cứu cơ bản do Nafosted đề xuất cho phép trả công lao động dựa trên đóng góp (vai trò và thời gian) của các thành viên tham gia nhóm nghiên cứu thay vì dựa trên các kết quả trung gian (phương thức này đã được mở rộng, áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015).

Thay lời kết

Với quy định cụ thể, khách quan và theo thông lệ quốc tế, các chương trình tài trợ của Nafosted, đặc biệt là chương trình nghiên cứu cơ bản đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia. Nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tham gia các chương trình tài trợ của Nafosted. Với nguồn vốn được cấp khoảng 1-2% tổng chi ngân sách cho KH&CN hàng năm, hoạt động của Nafosted có tác động đáng kể đến hoạt động nghiên cứu khoa học của đất nước. Kết quả hoạt động của Nafosted đóng vai trò tích cực, góp tỷ trọng lớn đối với các chỉ số quan trọng về năng lực KH&CN quốc gia như năng suất KH&CN, công bố khoa học, nguồn lực KH&CN.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)