Thứ bảy, 10/08/2019 16:09

Khoa học và công nghệ góp phần đưa Nghị quyết 37-NQ/TW vào cuộc sống

Vũ Hưng

 

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 37) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 16/7/2019, các đại biểu đều khẳng định: KH&CN đã góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống, có tác động tích cực đến phát triển KT-XH của từng địa phương và toàn vùng… Tuy nhiên, vùng này hiện vẫn đang là lõi nghèo/rốn nghèo của cả nước; chịu tác động tiêu cực của thiên nhiên và thời tiết cực đoan… Điều đó đòi hỏi KH&CN cần tiếp tục phát huy vai trò của mình, là nhân tố quyết định thu hẹp khoảng cách phát triển của Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác.

Tác động tích cực đến phát triển KT-XH

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. KH&CN đã thực sự đã trở thành động lực cho phát triển KT-XH, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng. Nhiều tiến bộ KH&CN, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân trong vùng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều đề án, chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp địa phương, các hoạt động xúc tiến thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất đã được triển khai phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng. Hoạt động KH&CN được trải rộng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của vùng theo hướng tích cực, bền vững; tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, tăng thu nhập, tạo việc làm mới, xóa đói, giảm nghèo...; nâng cao tiềm lực KH&CN của vùng. Một số chương trình phát huy hiệu quả tại vùng có thể kể đến như: “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” (Chương trình nông thôn, miền núi), “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ”, “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình Tây Bắc).

Hiệu quả của Chương trình nông thôn, miền núi là đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề KT-XH có tầm quan trọng đối với địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của địa phương/vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa phương đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống của địa phương/vùng. Hầu hết các dự án được triển khai tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn/miền núi, nâng cao mức thu nhập cho người dân, đặc biệt là tạo thói quen cho bà con nông dân trong việc ứng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Ví dụ như dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên đã tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng thành công công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh 2 loại cá trên, giúp đưa năng suất lên tới 120,6 tấn/ha (gấp 6 lần công nghệ nuôi thông thường), giảm lượng nước sử dụng tới 90% so với định mức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần. Dự án Ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ đã giúp tăng giá trị của mỗi ha rừng trồng thêm 40 triệu đồng, nâng cao giá trị của một khối gỗ thành phẩm thêm 300.000 đồng; tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Tương tự, các dự án Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang, Xây dựng mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại tỉnh Sơn La… là một vài trong số hàng trăm dự án thuộc Chương trình nông thôn, miền núi đã triển khai thành công, hiệu quả tại các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được thực hiện qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015 và 2016-2020). Chương trình được triển khai tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế; quản lý và khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các dự án khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị khép kín, giúp đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù mang địa danh; bước đầu hỗ trợ đăng ký xác lập quyền và bảo vệ tài sản trí tuệ ra nước ngoài là các thị trường tiềm năng của Việt Nam (như Nhật Bản) cho các sản phẩm đặc thù có khả năng xuất khẩu của một số địa phương.

Giai đoạn 2006-2010, Chương trình đã hỗ trợ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ áp dụng thực tiễn cho 1 sáng chế; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 20 đặc sản địa phương mang địa danh; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng như các tài sản trí tuệ của địa phương thuộc vùng trên 11 đài truyền hình Trung ương và địa phương; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ tại các địa phương. Giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 6 sáng chế, giải pháp công nghệ; quản lý và vận hành hoạt động sở hữu trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho 1 trường đại học; hỗ trợ khai thác thông tin và tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho 1 đơn vị; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 36 đặc sản địa phương mang địa danh; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng như các tài sản trí tuệ của địa phương thuộc vùng trên 34 đài truyền hình Trung ương và địa phương với gần 3.000 số phát sóng; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ riêng của từng địa phương. Giai đoạn 2016-2020, đến tháng 6/2019, Chương trình đã hỗ trợ 7 dự án truyền thông, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ thực thi, thông tin sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 20 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 14 sáng chế, giải pháp công nghệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 7 đặc sản địa phương mang địa danh; 1 dự án hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ riêng của các địa phương.

Các sản phẩm của Chương trình Tây Bắc được đẩy mạnh với 4 loại chủ yếu: (1) Bộ cơ sở dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; (2) Các mô hình phát triển KT-XH phù hợp cho cộng đồng ở một số tiểu vùng, liên vùng khu vực Tây Bắc; (3) Các giải pháp KH&CN phù hợp để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; (4) Cơ sở dữ liệu về nhu cầu đào tạo nhân lực và các giải pháp đào tạo phù hợp với vùng. Đến nay đã có 37/58 nhiệm vụ được nghiệm thu với số công bố quốc tế là 24, có 7 đăng ký sở hữu trí tuệ (1 đã được cấp văn bằng bảo hộ). Các sản phẩm của Chương trình đang tiếp tục được đẩy mạnh chuyển giao cho các doanh nghiệp để tiến hành thương mại hóa đưa ra thị trường.

KH&CN phải là nhân tố quyết định thu hẹp khoảng cách phát triển của vùng

Tại Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được trong hoạt động KH&CN của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, hạn chế qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37, từ đó đề xuất những nội dung quan trọng về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN của vùng. Các đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là địa hình chia cắt, hệ thống giao thông chưa được phát triển nhiều, thiên tai ảnh hưởng nặng nề, trình độ dân trí thấp, liên kết địa phương/vùng không chặt chẽ… Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách mang tính liên vùng để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn; có định hướng, giải pháp cụ thể trong phát triển thương hiệu vùng; nâng cao vai trò của cấp ủy và chính quyền trong phát triển KH&CN ở địa phương...

Một số đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương. Ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang khẳng định, các chương trình, dự án KH&CN của Trung ương như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với địa phương, nó bổ sung nguồn kinh phí còn hạn chế của địa phương cho phát triển KH&CN. Kinh nghiệm của Bắc Giang cho thấy, nhờ những dự án phát triển tài sản trí tuệ được Trung ương tài trợ, cấp ủy và chính quyền đã nhận thức rõ hơn về những lợi ích của việc bảo hộ sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hàng năm, Bắc Giang đã chủ động dành một phần kinh phí của địa phương để xây dựng và phát triển các “thương hiệu” cho sản phẩm có thế mạnh. Từ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và bà con nông dân, đến nay Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều nông sản được được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp nhất trong cả nước (có 1.340 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 683 văn bằng bảo hộ, mà chủ yếu là đối với các sản phẩm nông nghiệp). Đặc biệt, nhiều sản phẩm, nghề truyền thống là thế mạnh của tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, có thể kể đến như: 1 chỉ dẫn địa lý (vải thiều Lục Ngạn); 4 nhãn hiệu chứng nhận (gà đồi Yên Thế, bưởi Hiệp Hòa, miến dong Sơn Động, chè Yên Thế); 41 nhãn hiệu tập thể (mật ong rừng Sơn Động, hạt dẻ Lục Nam, bánh đa Đa Mai, mỳ gạo Châu Sơn, lợn sạch Tân Yên, rau sạch Yên Dũng…).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn thay mặt cơ quan thường trực Đề án tổng kết Nghị quyết 37 khẳng định, Nghị quyết 37 đã thực sự đi vào cuộc sống với những tác động lan tỏa tích cực đến phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và từng địa phương nói riêng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của KH&CN. Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng (là phên dậu của Tổ quốc; vùng tạo ra sinh quyển, khí quyển và thủy quyển cho cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ; có nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa, truyền thống và lịch sử; nhiều tiềm năng phát triển). Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, vùng này vẫn đang là lõi nghèo/rốn nghèo của cả nước; chịu tác động liên tục của tai biến thiên nhiên và thời tiết cực đoan dẫn đến thiệt hại về người và cơ sở vật chất… Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng khác. Một trong những câu trả lời là: KH&CN phải là nhân tố quyết định. Để làm được điều đó, cần phải đánh giá đúng vai trò của KH&CN đối với sự phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, anh ninh của vùng, đồng thời đưa ra được các mục tiêu cụ thể, gắn với các mục tiêu chung về phát triển KH&CN. “Cần phát huy được tiềm năng và lợi thế trong ứng dụng công nghệ 4.0, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng KH&CN, tăng cường liên kết 4 nhà và vai trò của đại học vùng, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Có thể nói, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. KH&CN đã thực sự trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng. Nhiều tiến bộ KH&CN, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân trong vùng. Các hoạt động hợp tác, nghiên cứu - triển khai, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống đã được quan tâm thực hiện, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương/vùng.

Trong thời gian tới, để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH của vùng, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp: 1) Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền về phát triển KH&CN; 2) Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; 3) Tăng cường phát triển tiềm lực KH&CN; 4) Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực KH&CN; 5) Mở rộng hợp tác KH&CN giữa địa phương/vùng với các trường đại học/viện nghiên cứu. Hội nghị đã thống nhất đề nghị với Bộ Chính trị và Ban Bí thư tiếp tục ban hành nghị quyết mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 37, đồng thời phù hợp với những xu thế phát triển của KH&CN trên thế giới.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)