Thứ tư, 10/07/2019 13:30

Một số bàn luận về đạo đức nghiên cứu trong điều tra khảo sát đối với khoa học xã hội

PGS.TS Phạm Văn Quyết

 

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia Hà Hội

 

Điều tra khảo sát là một trong những phương pháp thu thập thông tin ngày càng trở nên phổ biến, hữu ích và chiếm vị trí quan trọng trong khoa học xã hội cũng như trong công tác quản lý. Điểm nổi bật của điều tra khảo sát trong khoa học xã hội là chuẩn bị, tổ chức, sắp xếp và thực hiện cuộc tiếp xúc giữa người thu thập thông tin với các đối tượng cung cấp thông tin. Chính vì vậy, việc điều tra khảo sát trong khoa học xã hội cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức để đảm bảo tính khách quan, không phóng đại, tô hồng hay bôi đen thông tin thu được… Bên cạnh đó, nó còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ người tham gia cung cấp thông tin.

Cần tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu, điều tra khảo sát

Cũng như trong nghiên cứu khoa học nói chung, trong điều tra khảo sát nói riêng, đạo đức nghiên cứu thúc đẩy nhà nghiên cứu thực hiện hoạt động nghiên cứu một cách có trách nhiệm; một nghiên cứu có trách nhiệm là thể hiện sự trung thực, tôn trọng người tham gia cung cấp thông tin [1]. David B. Resnik (2015) đã chỉ ra 5 lý do để lý giải tại sao cần tuân thủ đạo đức nghiên cứu trong khoa học: thứ nhất, tiêu chuẩn đạo đức thúc đẩy đạt đến mục tiêu nghiên cứu, như kiến thức, sự thật và tránh được sai sót; thứ hai, các tiêu chuẩn đạo đức thúc đẩy hình thành các giá trị cần thiết cho việc cộng tác thành công giữa các thành viên trong nhóm; thứ ba, tiêu chuẩn đạo đức giúp đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu có thể chịu trách nhiệm trước công chúng; thứ tư, thực hiện tiêu chuẩn đạo đức cũng giúp kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng cho nghiên cứu; thứ năm, nhiều tiêu chuẩn đạo đức khoa học thúc đẩy hình thành và phát triển một loạt các giá trị đạo đức xã hội quan trọng khác [2].

Điều tra khảo sát là một phương pháp thu thập thông tin quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội, nơi sản xuất tri thức thực nghiệm về hiện thực đời sống xã hội của con người. Từ góc độ phát triển tri thức khoa học, đây là nguồn thông tin hữu ích, nhiều ý nghĩa đối với công việc của các nhà khoa học trong đánh giá hiện thực xã hội để đi đến khái quát, xây dựng và phát triển các lý thuyết. Từ góc độ thực tiễn, điều tra khảo sát cung cấp nguồn thông tin về hiện thực xã hội nhằm phục vụ lợi ích trực tiếp của con người, cộng đồng và xã hội. Đây là nguồn thông tin không thể thiếu và không thể thay thế đối với công tác quản lý, hoạch định đường lối, chính sách và đề xuất giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với giới sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, điều chỉnh số lượng, chất lượng sản phẩm… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng…

Với ý nghĩa như vậy, nên yêu cầu quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và trong điều tra khảo sát nói riêng là phải đảm bảo tính khoa học của nghiên cứu hay độ tin cậy và tính đại diện của thông tin. Điều đó có nghĩa là kết quả từ điều tra khảo sát phải có tính khách quan, phản ánh trung thực hiện thực xã hội. Nếu vì lý do nào đó kết quả điều tra khảo sát không phản ánh đầy đủ hoặc sai lệch so với thực tế xã hội thì hậu quả sẽ rất lớn. Lý thuyết khoa học nếu được khái quát từ kết quả đó sẽ trở nên siêu hình, xa rời thực tế; những chiến lược, chính sách, kế hoạch được xây dựng từ những kết quả đó sẽ gây thiệt hại, tổn thất lớn cho xã hội, cho các tổ chức và doanh nghiệp, làm mất lòng tin của cộng đồng… Sự trung thực được xem là trụ cột cơ bản nhất trong các nguyên tắc về đạo đức của điều tra khảo sát nói riêng và của nghiên cứu khoa học nói chung. Hay tính toàn vẹn, độ tin cậy và tính hợp lệ của các kết quả nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức của người nghiên cứu [3]. Như vậy, để đảm bảo tính khách quan hay tính toàn vẹn khoa học trong điều tra khảo sát, yêu cầu nhà nghiên cứu khi tiến hành các công việc phải hành xử một cách có trách nhiệm hay thực hiện, tuân thủ hàng loạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn đạo đức cần thiết.

Yêu cầu và sự thể hiện của nguyên tắc đạo đức trong điều tra khảo sát

Điều tra khảo sát là phương pháp nghiên cứu nhằm thu thập thông tin sơ cấp, nó bao gồm hàng loạt nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế khảo sát, các công việc điều tra trên thực địa, xử lý dữ liệu, phân tích dữ liệu và cuối cùng có thể xác định các lỗi khảo sát. Các nghiên cứu liên quan đến thu thập dữ liệu sơ cấp, sẽ luôn cần đề cao các vấn đề đạo đức phải được giải quyết [4].

Trong thiết kế khảo sát, nhà nghiên cứu phải trực tiếp cân nhắc để đưa ra các quyết định đối với hàng loạt nhiệm vụ cùng những thách thức nhất định về phương pháp luận của đạo đức nghiên cứu. Các quyết định được cân nhắc kỹ sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra cho điều tra khảo sát. Công việc đầu tiên trong thiết kế liên quan nhiều đến khía cạnh đạo đức là xác định chủ đề và mục tiêu của điều tra khảo sát. Việc xác định và lựa chọn một chủ đề khảo sát cùng với các mục tiêu phù hợp với khả năng của tác giả và nguồn kinh phí cho phép, đồng thời làm rõ được tính mới, tính cần thiết, hữu ích của chủ đề khảo sát giúp tránh được những khảo sát mang tính “nửa vời” hoặc “vô tích sự”, giúp cho xã hội và thậm chí cả nhà nghiên cứu tránh được sự lãng phí cả về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác. Việc thực hiện một khảo sát hay một nghiên cứu nói chung mà không mang lại kết quả hữu ích nào, có thể còn được coi là phi đạo đức khi yêu cầu mọi người tham gia vào đó, nhất là khảo sát đó có nguy cơ gây hại hoặc gây lãng phí tài sản xã hội.

Bên cạnh thiết kế công cụ khảo sát thì thiết kế mẫu là công việc quan trọng trong mỗi cuộc điều tra khảo sát. Xác định và lựa chọn mẫu không những liên quan đến tính đại diện hay tính toàn vẹn của kết quả khảo sát, mà còn liên quan trực tiếp đến nhóm người tham gia khảo sát, nghiên cứu. Một trong những nguyên tắc đạo đức cốt lõi, quan trọng của nghiên cứu khảo sát về mặt tư pháp là người tham gia nên được lựa chọn từ các nhóm người mà họ có thể được hưởng lợi từ nghiên cứu [3]. Sự thực, nguyên tắc này đã được thiết lập tại Tuyên bố Helsinki năm 1964 chủ yếu gắn với lĩnh vực y sinh. Song hiện nay nó đã được mở rộng ra để bao gồm đối với cả lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nghĩa là cần ưu tiên lựa chọn các đối tượng là cá nhân có lợi ích dự kiến ​​của nghiên cứu đối với khoa học và xã hội [5].

Tổ chức, thực hiện việc thu thập thông tin sơ cấp từ những người tham gia là nhiệm vụ trọng tâm của điều tra khảo sát trong khoa học xã hội. Đảm bảo việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa điều tra viên và người được điều tra luôn là vấn đề trung tâm của công việc tổ chức; nó quyết định sự thành bại của điều tra và cũng đặt ra những yêu cầu và nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất. Các yêu cầu và nguyên tắc đạo đức quan trọng và cơ bản nhất trong các công việc này thường liên quan đến việc bảo vệ người tham gia.

 Trước hết, người tham gia phải được thông báo đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, phương pháp của điều tra cũng như mục đích dự kiến sử dụng của nghiên cứu, những vấn đề yêu cầu họ tham gia vào nghiên cứu và những rủi ro có thể họ sẽ gặp phải... Đây là nguyên tắc của sự cho phép, sự tự nguyện, nghĩa là chỉ khi người tham gia đồng ý, cho phép người đi khảo sát tiếp cận, thực hiện điều tra thì cuộc tiếp xúc mới nên được triển khai [6]. Sự cho phép còn hàm ý đến sự đồng ý của người tham gia với cách thức sử dụng các phương tiện cho ghi chép thông tin như máy ghi âm, ghi hình, bút viết… trong quá trình điều tra. Ở một góc độ khác, nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc cũng chính là thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền cá nhân, quyền tự quyết, nhân phẩm của người tham gia mà một số tác giả nhắc đến như một nguyên tắc cơ bản [3, 7] và đã được thừa nhận bởi luật pháp của hầu hết các nước trên thế giới.

Thứ hai, thông tin mà người tham gia cung cấp trong điều tra khảo sát phải được giữ kín hay nói cách khác là việc bảo mật thông tin của người tham gia và sự ẩn danh của những người được hỏi phải được tôn trọng. Điều này cũng có nghĩa, yêu cầu của cuộc khảo sát là phải tôn trọng quyền riêng tư, cá nhân của người tham gia đã được pháp luật thừa nhận. Nguyên tắc đạo đức ứng xử không thể thiếu này cũng chính là nguyên tắc khuyết danh trong phương pháp điều tra xã hội học [6].

Thứ ba, ở mọi nơi, mọi lúc trong điều tra khảo sát đều cần hướng đến bảo vệ lợi ích của người tham gia cả về mặt thể chất, vật chất, tinh thần và xã hội; hay nói cách khác cần giảm thiểu tác hại, rủi ro, tối ưu hóa lợi ích của người tham gia [7]. Bảo vệ người tham gia thể hiện ở chỗ, trong điều tra họ không bị gây ra những rủi ro, sự đe dọa hay những tổn thất về tâm lý; tuyệt đối không cho phép các cá nhân, các tổ chức xã hội sử dụng thông tin mà người tham gia cung cấp để chống lại họ trong mọi trường hợp, hay để đưa ra những kết luận đánh giá về ý thức tổ chức, quan điểm chính trị, công việc hay đặc điểm cá nhân của họ [6].

Từ góc độ nhà nghiên cứu và điều tra viên, khía cạnh đạo đức khoa học trong điều tra khảo sát cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu không thể bỏ qua. Ngoài yêu cầu về hành xử có trách nhiệm, tuân thủ các chuẩn mực khoa học, các đòi hỏi và nguyên tắc đạo đức của khảo sát đối với người tham gia, không để tình cảm, cảm xúc, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lấn át, luôn có thái độ đúng mực, tôn trọng người tham gia, đồng nghiệp, tôn trọng sự thật, điều tra khảo sát còn nhấn mạnh thêm một số yêu cầu quan trọng mà nhà nghiên cứu, điều tra viên cần tuân thủ trong tiếp xúc thu thập thông tin. Thiết lập và luôn duy trì vị trí trung lập, không thiên vị đối với nội dung khảo sát và đối với người tham gia trong suốt quá trình thu thập thông tin, từ khâu chào hỏi ban đầu, giới thiệu đến việc chào hỏi để kết thúc cuộc tiếp xúc với đối tượng được điều tra khảo sát. Ngay cách đặt các câu hỏi nhằm thu thập câu trả lời cũng cần chú ý để đảm bảo câu hỏi không thiên vị, không gợi ý, không xúc phạm và không gây bất kỳ sức ép nào với người trả lời. Tính trung lập của điều tra viên còn thể hiện ở việc biết lắng nghe, biết im lặng, biết nhẫn nhịn, không thể hiện quan điểm, thái độ, không tranh cãi…  

Xử lý, phân tích thông tin, công bố và quản lý dữ liệu khảo sát là những công việc được thực hiện chủ yếu bởi nhà nghiên cứu. Vì vậy, những yêu cầu từ khía cạnh đạo đức của điều tra khảo sát trong giai đoạn này gắn liền với trách nhiệm và cách hành xử của nhà khoa học đối với kết quả khảo sát trước cộng đồng và xã hội. Cũng như trong các nghiên cứu khoa học nói chung, điều tra khảo sát cũng đưa ra các yêu cầu về việc kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tính trung thực, không gian lận, không ngụy tạo dữ liệu... Với các điều tra khảo sát thường sử dụng số đông điều tra viên với trình độ khác nhau, mẫu thiết kế được thể hiện trong thực tế cũng rất đa dạng, vì vậy việc kiểm tra, tạo sự nhất quán, hiệu đính, loại bỏ những bất thường, khắc phục các sai số là rất cần thiết.

Cũng như hầu hết các nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực khác, việc quản lý dữ liệu và công bố kết quả điều tra là công việc cần thiết và thể hiện đậm nét dấu ấn của đạo đức nghiên cứu. Yêu cầu về việc công bố kết quả trong nghiên cứu phải tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các bên liên quan hay bảo vệ bản quyền, quyền tác giả đối với dữ liệu. Điều tra khảo sát thường liên quan đến các chủ đề về con người, cộng đồng, xã hội; công việc tổ chức thực hiện cũng thường phải huy động số lượng lớn người tham gia, điều tra viên cùng sự giúp sức của nhiều thành phần như nhà tài trợ, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các cấp chính quyền, nên việc ghi nhận bản quyền, xác định công lao của các bên liên quan đều phải rất thận trọng, chi tiết. Mọi sự sơ xuất, bất cẩn ở khâu này đều có thể dẫn đến những tranh cãi, tranh chấp đáng tiếc hoặc gây mất lòng tin của mọi người đối với các cuộc điều tra khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Thị Ly (2015), “Một số vấn đề cơ bản về đạo đức khoa học và văn hóa nghiên cứu”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Số 6, tr.62-64.

[2] David B. Resnik (2015), What is Ethics in research & why is it important?, https://www.niehs.nih.gov/research/resources/bioethics/whatis/index.cfm.

[3] CIRT (Center for Innovation in Research and Teaching - Grand Canyon Univercity) (2018), Ethical Concerns in Research. Modul: Ethical considerations for survey research, https://cirt.gcu.edu/research/developmentresources/tutorials/ethics.

[4] Bill Dutton (2010), Six principles to guide research ethics in the Social Sciences, https://billdutton.me/2010/02/05/principles-to-guide-research-ethics-in-the-social-sciences.

 [5] Julie de Jong, Kristen Cibelli Hibben, and Steve Pennell (2016), Ethical Considerations, http://ccsg.isr.umich.edu/index.php/chapters/ethical-considerations-in-surveys-chapter.

[6] Phạm Văn Quyết và Nguyễn Quý Thanh (2011), Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

[7] ASS (Academy of Social Sciences) (2015), Ethical Principles for Social Science Research, https://www.acss.org.uk/developing-generic-ethics-principles-social-science/academy-adopts-five-ethical-principles-for-social-science-research.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)