Thứ tư, 10/07/2019 16:24

Chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp KH&CN: Một số vấn đề cần quan tâm

TS Đào Quang Thủy
 

Bộ Khoa học và Công nghệ

Chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập sang mô hình doanh nghiệp KH&CN là một chủ trương lớn của Chính phủ đối với ngành KH&CN. Tuy nhiên cho đến nay, kết quả chuyển đổi còn khiêm tốn. Bài viết tổng hợp những kết quả đạt được, phân tích các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chính sách chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp KH&CN:
Đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công nói chung đã trở thành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây. Sau Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc nâng cao quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được coi là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế nước ta.
 Chính sách chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp là kết quả của một quá trình lâu dài cải cách cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu là trao quyền tự chủ cho cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức công việc, sử dụng lao động, tăng cường huy động và quản lý thống nhất các nguồn thu, hoạt động bắt nhịp theo cơ chế thị trường... Đồng thời, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài chính nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp đảm bảo trang trải kinh phí hoạt động và nâng cao thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động.

Máy đóng bao vật liệu siêu mịn của IMI

Đối với KH&CN - một trong những lĩnh vực quốc sách hàng đầu của nước ta cho thấy, sau Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ  quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 và Nghị định số 80, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập thay thế Nghị định số 115. Trong đó, Nghị định số 54 đã quy định điều kiện và trình tự, thủ tục chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập thành công ty cổ phần. Sau khi các tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang công ty cổ phần thì doanh nghiệp sẽ chủ động tiến hành đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 về doanh nghiệp KH&CN, đây chính là nét mới khi tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN.
Thực trạng chuyển đổi tổ chức KH&CN thành doanh nghiệp KH&CN trong thời gian vừa qua:
Một số kết quả:
Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp KH&CN đã được thực hiện từ năm 2007 theo Nghị định số 80, Nghị định số 96, đồng thời để hỗ trợ việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN được giao triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Chương trình 592)  song kết quả chuyển đổi hiện nay số lượng còn hạn chế, chưa tương xứng với kỳ vọng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2018, cả nước có 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, số lượng các tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp còn hạn chế, theo số liệu báo cáo thì cả nước mới có một số tổ chức ở TP. Hà Nội chuyển đổi thành công như: Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) và mô hình chuyển đổi thành công nhất là IMI.
Ngoài ra, qua báo cáo khảo sát tại một số địa phương thì cho thấy các tổ chức KH&CN đều trong giai đoạn đầu thực hiện cơ chế tự chủ, có một số tổ chức KH&CN đã thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên. Các địa phương đều có đề án tự chủ đối với các tổ chức KH&CN, bước đầu tự chủ một phần chi thường xuyên, sau đó là đảm bảo 100% chi thường xuyên. Như vậy, phần lớn các tổ chức KH&CN ở nhiều địa phương đều theo xu hướng tự chủ, đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang công ty cổ phần theo quy định của Nghị định số 54 và từ đó có thể tiến hành thực hiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 13.
Những thuận lợi khi chuyển đổi từ tổ chức KH&CN công lập thành doanh nghiệp KH&CN:
Từ thực tế chuyển đổi của một số đơn vị đã thành công, có thể thấy khi các tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang mô hình hoạt động theo doanh nghiệp KH&CN, sẽ mang lại một số thuận lợi như sau:
1) Được kế thừa, sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực, tài sản trí tuệ,… hiện có của tổ chức.
2) Thuận lợi trong việc mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường mới; mở rộng sang lĩnh vực, ngành nghề mới.
3) Kết hợp hài hòa các loại hình sở hữu và lợi ích trong hoạt động của các doanh nghiệp liên kết với nhau.
4) Tăng cường tự chủ, chủ động trong thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của tổ chức.
5) Cho phép đẩy nhanh tình hình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, liên kết, tập hợp các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng phát triển.
6) Được thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về thuế, đất đai, tín dụng, các hỗ trợ trong việc phát triển sản phẩm mới và thương mại hóa kết quả KH&CN.
Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi:
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, quá trình chuyển đổi cũng cho thấy nhiều vấn đề khó khăn cần được giải quyết. Trong đó, khó khăn lớn nhất là đơn vị thực hiện chuyển đổi phải đẩy mạnh một cách hiệu quả việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu (đây vốn là điểm yếu của các tổ chức KH&CN công lập). Ngoài ra, còn có những khó khăn cụ thể sau:
1) Tài sản cố định tại các tổ chức KH&CN công lập (đặc biệt là phòng thí nghiệm) khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp được xác định là phần vốn nhà nước để cổ phần hóa. Các tài sản này thường có giá trị lớn (cụ thể như phòng thí nghiệm tại IMI có giá trị lên đến 27 tỷ), do đó việc vừa phải khấu hao tài sản, vừa phải trả cổ tức cho phần vốn nhà nước sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
2) Nguồn vốn các doanh nghiệp KH&CN được giao khi chuyển đổi từ tổ chức KH&CN chủ yếu là dưới dạng tài sản cố định, máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trụ sở, nhà xưởng… nên hầu hết các đơn vị không có vốn lưu động cho công tác nghiên cứu, đào tạo và đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
3) Đối với hầu hết các viện nghiên cứu, các tài sản được đầu tư trước đây là tài sản dùng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, tuy có giá trị cao nhưng không phát huy được hiệu quả khi sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc đưa toàn bộ tài sản này vào khấu hao cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ là một gánh nặng và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp KH&CN.
4) Đối với các tổ chức KH&CN công lập, các kết quả KH&CN chủ yếu là kết quả của các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và tổng công ty với kinh phí do Nhà nước đầu tư. Nếu giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thì số tiền nộp lại ngân sách cũng rất lớn, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động chung và hiệu quả kinh tế của các đơn vị.
5) Khi là tổ chức KH&CN công lập thì các đơn vị này được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng, nhưng khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp thì bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp khi đặc thù hoạt động của họ là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
6) Tỷ lệ cổ phần của cổ đông là các nhà khoa học, cán bộ quản lý và người lao động khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp thấp khi vận dụng các quy định cổ phần hóa doanh nghiệp hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp thông thường, do đó không khuyến khích được các nhà khoa học tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Một số giải pháp đề xuất:
    Trong thời gian tới, để hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập thực hiện chuyển đổi, cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, cần ưu tiên thực hiện một số vấn đề sau:
- Thực hiện cổ phần hóa các tổ chức KH&CN trước khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Phân định và quy trách nhiệm rõ vai trò người đứng đầu chịu trách nhiệm chủ sở hữu phần tài sản nhà nước.
- Xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là các định mức mang tính chất chuyên ngành để các tổ chức KH&CN chủ động hơn khi thực hiện cơ chế khoán kinh phí trong thực hiện các đề tài, đề án, dự án. Trên cơ sở đó, các tổ chức KH&CN được tính đầy đủ chi phí trực tiếp và gián tiếp, bao gồm cả chi phí tiền lương, tiền công trong giá thành sản phẩm nghiên cứu. Điều này, một mặt tạo cơ chế bình đẳng giữa các tổ chức KH&CN chưa tự trang trải kinh phí và các tổ chức KH&CN đã tự trang trải kinh phí, các doanh nghiệp KH&CN, đồng thời mặt khác, buộc các tổ chức chưa tự trang trải kinh phí phải tự chủ dần, giảm sự trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

Hoạt động nghiên cứu KH&CN ở Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá

- Thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH&CN thành công ty cổ phần và cần phải thực hiện xong cổ phần hóa trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, đơn giản hóa việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc đối với các doanh nghiệp KH&CN sau khi chuyển đổi như vấn đề khấu hao tài sản, xác nhận quyền sử dụng và sở hữu kết quả KH&CN thuộc ngân sách nhà nước…
- Tiến hành khảo sát và xác định rõ những vướng mắc của từng doanh nghiệp cụ thể để có hướng dẫn phù hợp. Cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nghiên cứu và sản xuất, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp. Có cơ chế minh bạch, bình đẳng trong việc tuyển chọn, đấu thầu các dự án KH&CN để việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp không gây thiệt hại hoặc bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ cho nghiên cứu của doanh nghiệp  KH&CN.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song chủ trương chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang doanh nghiệp KH&CN là một chủ trương đúng đắn. Mong rằng trong thời gian tới các chính sách liên quan tới quá trình chuyển đổi này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đưa ra được những giải pháp đột phá, hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.  Nguyễn Thị Lê Thu (2014), “Chính sách chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính,  http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/chinh-sach-chuyen -doi-to-chuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-cong-lap-sang-mo-hinh-doanh-nghiep-45925. html
2. Viện Chiến lược chính sách tài chính (2018), Báo cáo Nghiên cứu khảo sát thực trạng chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang mô hình doanh nghiệp.
3. Nguyễn Quân (2006), “Doanh nghiệp khoa học công nghệ: Một lực lượng sản xuất mới?”, Tạp chí Hoạt động Khoa học, 10, tr.18-20.
4. Bộ Công Thương (2012), Tài liệu hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115 và Nghị định số 80”.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)