Chủ nhật, 10/03/2019 01:25

Năng suất lao động Việt Nam và những tác động của đổi mới sáng tạo*

Vũ Văn Thành

 

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế của Việt Nam năm 2017 (theo giá hiện hành) đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6,05% so với năm 2016; sau 17 năm (2000-2017), NSLĐ của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần; khoảng cách với các nước có NSLĐ cao trong khu vực và thế giới được thu hẹp dần; năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) tăng 2,63% so với năm 2016… Đó là những dấu hiệu chuyển biến tích cực của NSLĐ Việt Nam trong thời gian qua. Đổi mới sáng tạo và môi trường thể chế là những yếu tố mang tính quyết định cho những chuyển biến tích cực này.

Những chuyển biến tích cực

Năm 2017, NSLĐ toàn nền kinh tế (theo giá hiện hành) đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.118 USD/lao động, tăng 6,05% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,72%/năm, riêng giai đoạn 2016-2017 đạt 5,66%/năm. NSLĐ theo giá hiện hành năm 2011-2017 lần lượt là: 55,2; 63,1; 68,7; 74,7; 79,4; 84,5 và 93,2 triệu đồng/lao động.

Theo khu vực kinh tế, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt cao nhất với 133,7 triệu đồng/lao động, khu vực dịch vụ đạt 125,7 triệu đồng/lao động và thấp nhất là khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 39,7 triệu đồng/lao động. Mặc dù có NSLĐ thấp nhất, nhưng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2017 cao nhất so với 2 khu vực còn lại là công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (4,8%/năm so với 1,8% và 3,7%).

Sau 17 năm (2000-2017), NSLĐ của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, khoảng cách với các nước đã được thu hẹp dần (năm 1990 NSLĐ của Singapore gấp 21 lần Việt Nam, đến năm 2016 còn 12 lần). Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn này từ 3,6 đến 4,3%/năm và là mức tăng khá ở châu Á.

NSLĐ giữa các ngành kinh tế có sự khác biệt đáng kể, các ngành có NSLĐ cao và khá là khai khoáng, sản xuất phân phối điện, khí đốt, thông tin truyền thông. Các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, kho bãi, thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống nói chung có NSLĐ thấp. Ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tuy có NSLĐ thấp nhưng đã có sự cải thiện nhiều so với trước đó.

Tăng trưởng đang dựa nhiều vào tăng chất lượng

Chỉ tiêu TFP được sử dụng để phân tích đầy đủ hơn về các yếu tố tác động tới tăng trưởng và cho thấy rõ hơn hiệu quả tổng hợp của nền kinh tế. Tăng TFP đồng nghĩa với việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; cải tiến phương thức quản lý; nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động… Tăng vốn và lao động có thể mang lại tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, phù hợp với giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, nhưng tăng TFP mới là nguồn gốc của tăng trưởng dài hạn, hướng vào chất lượng của tăng trưởng và phát triển bền vững.

Năm 2017, GDP của Việt Nam tăng 6,81%, vốn tăng 7,7%, lao động tăng 0,75%, TFP tăng 2,63% và đóng góp của TFP vào tăng GDP khoảng 39,5%. Chung cho giai đoạn 2011-2017, tăng TFP là 1,95%/năm, đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP khoảng 32,2% (bảng 1). Tính riêng năm 2016-2017, TFP tăng 2,4%, đóng góp khoảng 37,5% vào tăng trưởng kinh tế, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế (mục tiêu là TFP đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35% GDP).

Bảng 1. Tốc độ tăng GDP, vốn, lao động, TFP và đóng góp của các yếu tố vào tăng GDP của Việt Nam (2011-2017).

Năm

Tốc độ tăng GDP (%)

Tốc độ tăng vốn (%)

Tốc độ tăng lao động (%)

Tốc độ tăng TFP (%)

Đóng góp của các yếu tố vào tăng GDP (%)

Tăng vốn

Tăng lao động

Tăng TFP

2011

6,24

9,26

2,66

0,85

60,6

25,4

14,0

2012

5,25

7,24

2,13

1,06

54,7

24,7

20,7

2013

5,42

6,77

1,53

1,71

50,9

16,9

32,2

2014

5,98

6,84

1,03

2,15

54,2

9,2

36,6

2015

6,68

7,15

0,18

3,10

51,3

1,5

47,3

2016

6,21

7,45

0,84

2,16

57,3

7,3

35,5

2017

6,81

7,70

0,75

2,63

54,7

5,8

39,5

Bình quân 2011-2015

5,91

7,45

1,50

1,78

54,3

15,5

30,1

Bình quân 2011-2016

5,96

7,44

1,39

1,84

54,8

14,2

31,0

Bình quân 2011-2017

6,08

7,48

1,30

1,95

54,8

13,0

32,2

Bình quân 2016-2017

6,51

7,58

0,80

2,40

56,0

6,5

37,5

 

 

Xét trong khoảng 15 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, trong khi đó TFP lại có tốc độ tăng nhanh hơn. Điều này cho thấy, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng của vốn và lao động. Sau giai đoạn tăng vốn nhanh (2002-2010) với tốc độ bình quân 12%/năm, từ năm 2011, tốc độ tăng vốn đã chậm lại (bình quân khoảng 7,4%/năm), lao động cũng tăng chậm dần. Trong giai đoạn 2002-2010, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, mặc dù GDP vẫn có tốc độ tăng cao. Đặc biệt, 2008-2009, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn dựa vào tăng đầu vào là vốn và lao động mà không có sự đóng góp của tăng TFP. Từ 2010, khi tốc độ tăng vốn và lao động chậm lại thì tăng TFP càng có vai trò lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đang dần cao lên trong giai đoạn vừa qua cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng như nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ… Đóng góp TFP vào tăng GDP của Việt Nam khoảng 31%/năm trong giai đoạn 2011-2016 là mức tăng tương đối cao so với các nước ở châu Á.

Đổi mới sáng tạo - yếu tố quyết định chất lượng của tăng trưởng

NSLĐ của nền kinh tế chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố như môi trường kinh tế - xã hội - chính trị, chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường, phát triển công nghệ, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, mối quan hệ lao động - quản lý, khả năng về vốn, phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, những yếu tố mang tính quyết định chất lượng của tăng trưởng chính là đổi mới sáng tạo (trong đó có việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp) và môi trường thể chế.

Chỉ báo về đổi mới sáng tạo và môi trường thể chế của Việt Nam trong những năm gần đây đã tác động không nhỏ đến những chuyển biến tích cực của NSLĐ. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 đánh giá sự sẵn sàng về công nghệ của Việt Nam là 4,0 điểm, đứng thứ 79, tăng 13 bậc so với xếp hạng năm 2016-2017. Về chỉ số đổi mới, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (VEF), năm 2016-2017, Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 71.

Theo công bố của Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng thứ hạng đáng kể trong 2 năm qua (năm 2017, xếp thứ 47/127 quốc gia/nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016; năm 2018, xếp thứ 45/126, tăng 2 bậc so với năm 2017). Năm 2017, nhóm chỉ số đầu vào “Nghiên cứu và phát triển” tăng 19 bậc; nhóm chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc, chủ yếu ở trụ cột “Sản phẩm kiến thức và công nghệ” (tăng hạng từ 39 lên 28). Trong đó, nhóm chỉ số “Sáng tạo tri thức” tăng 7 bậc, nhóm chỉ số “Tác động của tri thức” tăng 20 bậc (xếp thứ 5 trong số 127 nước được xếp hạng). Năm 2018, Việt Nam có sự tăng hạng ở trụ cột “Sản phẩm sáng tạo” (tăng 6 bậc, từ 52 lên 46). Nhóm chỉ số “Sáng tạo trực tuyến” tăng mạnh nhất (10 bậc, từ vị trí 64 lên 54); nhóm chỉ số “Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo” tăng 7 bậc (từ 36 lên 29); nhóm chỉ số “Tài sản vô hình” tăng 3 bậc (từ 52 lên 49).

Về môi trường kinh doanh, thể chế, những năm vừa qua, Việt Nam luôn có sự cải thiện tốt về thứ hạng trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới về môi trường kinh doanh. Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với khu vực kinh tế tư nhân. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 68 với số điểm là 67,93/100 (tăng 14 bậc so với xếp hạng của năm trước). Mặc dù đã có nhiều bước cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được mức trung bình của các nước ASEAN 4. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, trụ cột “Thể chế” của Việt Nam được cải thiện đáng kể (tăng 9 bậc, từ 87 lên 78), trong đó nhóm chỉ số “Môi trường pháp lý” tăng 14 bậc (từ 103 lên 89), đặc biệt tiểu chỉ số “Nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật” tăng 17 bậc (từ vị trí 74 lên 57); nhóm chỉ số “Môi trường kinh doanh” tăng 10 bậc (từ 113 lên 103).

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm thay đổi cấu trúc việc làm. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới mang đến cơ hội tạo ra kỳ tích trong sản xuất và tăng NSLĐ. Để nắm bắt cơ hội này, Nhà nước cần tiếp tục có chiến lược thúc đẩy hệ thống kinh tế có tính đổi mới sáng tạo; cải cách hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)