Chủ nhật, 10/03/2019 01:24

Cần có chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo khởi nghiệp cấp quốc gia

Trần Thị Thu Hà

 

Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN

 

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã coi việc thúc đẩy khởi nghiệp là động lực để tăng trưởng kinh tế, trong đó nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo khởi nghiệp (GD&ĐTKN) cần được tích hợp vào hệ thống giáo dục, phải coi nó là “thực tiễn sáng tạo, giúp tìm tòi và hành động dựa trên những cơ hội để tạo ra giá trị”. Thông qua tìm hiểu về hoạt động GD&ĐTKN ở một số quốc gia, tác giả cho rằng, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển GD&ĐTKN cấp quốc gia, giúp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ, góp phần sớm đưa nước ta trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”.

GD&ĐTKN ở một số quốc gia trên thế giới

            Mỹ

            Kể từ khi khóa học khởi nghiệp đầu tiên được tổ chức bởi GS Myles Mace tại Trường Kinh doanh Harvard vào năm 1947, các chương trình GD&ĐTKN trong trường đại học của Mỹ đã phát triển nhanh chóng và lan rộng ra toàn cầu. Để duy trì vị thế dẫn đầu, Mỹ đã lấy “tinh thần khởi nghiệp” làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Theo thống kê năm 2014, 1/5 sinh viên tại Mỹ tốt nghiệp nộp hồ sơ vào các công ty công nghệ; những người trẻ ở quốc gia này luôn cảm thấy hào hứng với ảnh hưởng mà các công ty công nghệ tạo ra. Điều đó cho thấy, Mỹ đã thành công trong xây dựng văn hóa khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Đặc biệt, từ thập niên 1970 đến giữa thập niên 2000, mỗi năm có từ 500.000 đến 600.000 doanh nghiệp mới thành lập, một số trở thành những tập đoàn hùng mạnh, khiến nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc. Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự hưng thịnh của nước Mỹ, nhưng tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ và vai trò quan trọng của GD&ĐTKN trong trường đại học là một trong những yếu tố quyết định. Những người làm chính sách tại Mỹ cho rằng, đại học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực và thúc đẩy khởi nghiệp. Bằng chứng là hoạt động khởi nghiệp từ Học viện MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tại Boston và khu vực Silicon Valley. MIT đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thời đại kỹ thuật số, mở đường cho phát triển tính toán hiện đại và công nghệ mạng máy tính...

            Ở Mỹ, khởi nghiệp đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo riêng với hàng nghìn trường đại học cung cấp môn học này; ngoài ra còn có hơn 40 tờ báo và tạp chí chuyên ngành, hàng trăm trung tâm và hàng chục tổ chức chuyên nghiệp trong thúc đẩy GD&ĐTKN. Các trường đại học của Mỹ tổ chức GD&ĐTKN ở cấp độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ, tạo ra một loạt chương trình giảng dạy, với nhiều khóa học khác nhau. Trong quá trình GD&ĐTKN, việc gắn kết giữa trường đại học và ngành công nghiệp được coi là thế mạnh của các trường đại học ở Mỹ. Tại quốc gia này, ranh giới giữa giới học thuật và các doanh nghiệp gần như được xóa nhòa. Nhiều nhân sự thực hiện công việc trong các tập đoàn và tổ chức công có thể đến hoặc đi từ các trường đại học. Vì vậy những kiến thức về khởi nghiệp rất thực tế được giới doanh nghiệp truyền đạt lại cho sinh viên. Theo các nghiên cứu về phát triển kinh tế cũng như tạo ra các công ty công nghệ cao, các đại học ở Mỹ đóng vai trò quan trọng như là cỗ máy tạo ra sự tăng trưởng. Với lợi thế trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thông tin truyền thông, các trường đại học còn dẫn đầu sự phát triển của các sáng kiến kinh doanh tri thức. Chính tầm quan trọng của tri thức và lao động kỹ thuật cao đã thu hút các công ty trong khu vực đến gần hơn với nghiên cứu của các trường đại học, mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân mong muốn khởi nghiệp.

            Một số nước EU

            Làn sóng khởi nghiệp đang trở nên lớn mạnh ở châu Âu, tạo doanh thu hàng trăm tỷ Euro cho lục địa già. Theo dữ liệu thu thập từ 20 thành phố của 15 quốc gia thuộc EU vào cuối năm 2017 cho thấy, có khoảng 830.000 startup hoạt động tích cực trong hệ sinh thái. Các công ty khởi nghiệp này tạo ra việc làm cho hơn 4,5 triệu người, mang lại doanh thu 420 tỷ euro. Chỉ riêng 5 thành phố là London (Anh), Berlin, Munich (Đức), Rome (Italia) và Paris (Pháp) đã đóng góp đến 78% doanh thu trong cộng đồng khởi nghiệp. Hơn 4.000 startup nhận tổng cộng 36 tỷ euro từ các nhà đầu tư trong và ngoài châu lục, thu hút hơn 34.000 lao động.

            Văn hóa khởi nghiệp ở châu Âu đã có sự đổi mới mạnh mẽ, tuy nhiên còn thiếu hụt về nhân sự có kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Do vậy, EU đã rất nỗ lực đưa GD&ĐTKN trở thành một môn học riêng biệt được dạy ở tất cả các cấp giáo dục, từ cấp độ cơ bản (học sinh dưới 14 tuổi) đến đại học, đặc biệt là đưa thành một ngành đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, các tổ chức giáo dục đại học nên tích hợp khởi nghiệp vào trong các môn học và khóa học khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, coi đào tạo định hướng khởi nghiệp như là một phần quan trọng của chương trình giảng dạy, yêu cầu sinh viên tham gia.

            GD&ĐTKN được Ủy ban châu Âu coi như nền tảng quan trọng để đạt được Chiến lược châu Âu 2020. Trên tinh thần đó, hầu hết các nước EU đều có các chương trình hay chiến lược thúc đẩy GD&ĐTKN trong trường đại học. Điều quan trọng để GD&ĐTKN ở các nước EU là các trường đại học phải coi khởi nghiệp là môn học riêng biệt và là một yếu tố quan trọng của chương trình giảng dạy, từ đó khuyến khích sinh viên tham gia; sự kết hợp giữa văn hóa và kỹ năng khởi nghiệp với khoa học và công nghệ sẽ giúp sinh viên tự tin thương mại hóa ý tưởng của mình.

            Trung Quốc

            Trung Quốc coi GD&ĐTKN là một kênh quan trọng để nuôi dưỡng nhận thức của sinh viên đại học về tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng thực tế của họ trong quá trình đổi mới và phát triển kinh doanh. Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các chính sách mới để “thúc đẩy việc làm thông qua khởi nghiệp”, tạo nên tinh thần ủng hộ mạnh mẽ đối với GD&ĐTKN ở các địa phương. Mặc dù có lịch sử tương đối ngắn về GD&ĐTKN, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thử nghiệm với khái niệm giáo dục mới này, được đánh dấu bằng bốn mốc quan trọng:

            1) Năm 1998, Đại học Thanh Hoa đã phối hợp tổ chức “Cuộc thi Khởi nghiệp sinh viên” đầu tiên và đưa nó thành sự kiện thường niên của các trường đại học trong nước. Cuộc thi này được coi là sự ra đời của GD&ĐTKN tại Trung Quốc; 2) Năm 2002, Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai dự án thí điểm có tên Chương trình thí điểm GD&ĐTKN quốc gia tại 9 trường đại học, giúp hình thành và lan tỏa các chương trình GD&ĐTKN đa dạng tới toàn bộ hệ thống trường đại học trong cả nước; 3) Năm 2005, Chương trình “Biết về kinh doanh” được giới thiệu và có mặt tại 6 trường đại học danh giá của Trung Quốc, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học, giúp sinh viên hiểu rõ về cách bắt đầu một doanh nghiệp, thúc đẩy và trau dồi tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ; 4) Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi một số cơ quan, các trường đại học và doanh nghiệp thiết lập chương trình thí điểm để phát triển tài năng khởi nghiệp. Theo tinh thần đó, Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cùng khởi xướng các chương trình “Công viên khởi nghiệp” (Entrepreneurship Park), “Công viên Khoa học” (Science Park) tại một số trường đại học, thu hút sự tham gia tích cực, đông đảo của các doanh nghiệp, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới cho GD&ĐTKN tại quốc gia này.

            Israel

            Khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong kỳ tích phát triển kinh tế của Israel (tăng gấp 50 lần sau 60 năm). Năm 2016, dân số Israel chưa đạt tới 8,5 triệu người, nhưng có tới 6.500 công ty công nghệ, 24 vườn ươm công nghệ của chính phủ, hơn 50 chương trình tăng tốc khởi nghiệp; đứng số 1 thế giới về thu hút đầu tư mạo hiểm…

            Israel đã thành công trong việc GD&ĐTKN, tạo nên văn hóa và kỹ năng khởi nghiệp trong toàn xã hội. Tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo quy định ở Israel, hầu hết mọi người dân đều phải gia nhập quân đội trước khi vào đại học. Trong quân đội, mọi người có cơ hội học hỏi, tiếp xúc với những công nghệ mới nhiều hơn; môi trường và văn hóa quân đội khuyến khích dấn thân lập nghiệp và hình thành tư duy lãnh đạo, giúp thấm nhuần những giá trị cần có để xây dựng và phát triển các công ty khởi nghiệp. Đến khi vào đại học, ngay từ khi ngồi trong giảng đường, sinh viên đã được rèn luyện và truyền đạt kiến thức về khởi nghiệp. Các sinh viên năm thứ hai trở đi bắt buộc phải có ý tưởng về dự án kinh doanh riêng, có khát vọng thành lập doanh nghiệp… Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nhân, hay phong trào khởi nghiệp sau này. Điểm đặc biệt trong văn hóa khởi nghiệp của Israel là: tôn trọng ý tưởng, hình thành văn hóa chấp nhận thất bại, dám đương đầu tìm kiếm những điều mới và lạ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

            Singapore

            Singapore được xếp trong danh sách những quốc gia sáng tạo nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới. Các giải pháp mang tính chất đồng bộ từ chính phủ, đến địa phương, nhà trường và doanh nghiệp chính là yếu tố thúc đẩy khởi nghiệp thành công tại quốc đảo này. Ngoài chính sách của nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học tại Singapore cũng xem việc GD&ĐTKN là nhiệm vụ quan trọng trong sứ mệnh của mình.

            Các chương trình GD&ĐTKN tại Singapore được tích hợp trong giáo trình đào tạo của hơn 130 trường học phổ thông, với hơn 100 nghìn học sinh theo học. Ở cấp độ cao hơn, các khóa GD&ĐTKN đang được Học viện Quản lý Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang triển khai và cấp bằng cấp chính thức về khởi nghiệp cho học viên. Tại quốc đảo này, có một sự hợp tác mạnh mẽ giữa khu vực tư nhân và các trường đại học để thúc đẩy khởi nghiệp thông qua các cuộc thi kế hoạch kinh doanh và giải thưởng cho sinh viên. Một số trường đại học còn hợp tác với tổ chức nước ngoài, các startup, phòng thí nghiệm để cho sinh viên thực tập về khởi nghiệp, tham gia vào quá trình phát triển dự án. Chẳng hạn như, Chương trình tư vấn SME của Ngân hàng nước ngoài (UOB) phối hợp với Đại học Quản lý Singapore (SMU), Viện Doanh nghiệp châu Á tạo cơ hội cho học sinh làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về các dự án khởi nghiệp dưới sự hướng dẫn của các giảng viên từ trường đại học. Nhờ đó, trong giai đoạn 2005-2014, số công ty khởi nghiệp tại Singapore đã tăng mạnh (từ 24.000 lên 50.000). Theo số liệu từ Asia Venture Capital Journal Research cho thấy, những startup công nghệ đã thu hút được khoảng 1,7 tỷ USD tiền đầu tư trong năm 2013, đưa Singapore vượt qua Nhật bản, Hàn Quốc và Hong Kong về lĩnh vực startup.

            Thành công trong đào tạo khởi nghiệp ở Singapore có được là nhờ sự hỗ trợ lớn của Chính phủ trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Khung quốc gia về sáng tạo và khởi nghiệp (NFIE) là một chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ở Singapore. Mục tiêu của NFIE là khuyến khích các trường đại học và trường đào tạo nghề kỹ thuật đưa nghiên cứu của họ trở thành các sản phẩm thương mại phục vụ thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nhân thành lập các công ty công nghệ. Quỹ nghiên cứu quốc gia của Singapore (NRF) đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện để xác định những điểm yếu và lỗ hổng trong bối cảnh khởi nghiệp trong nước và đưa ra các chương trình để giải quyết những điểm thất bại. Các chương trình như Quỹ đổi mới đại học (UIF), Quỹ tài trợ các dự án thực nghiệm (POC), Vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (ESVF) và Chương trình ươm mầm công nghệ (TIS) đã giúp tạo ra một chu trình xuyên suốt trong hoạt động khởi nghiệp qua nhiều năm. Quỹ đổi mới đại học cung cấp cho các trường đại học nguồn tài chính đáng kể để đẩy mạnh GD&ĐTKN và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng động sinh viên.

Một số khuyến nghị

            Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, chúng ta đang thiếu những giải pháp căn bản về cải cách giáo dục, hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, xin đưa ra một số khuyến nghị cho việc thúc đẩy phát triển GD&ĐTKN như sau:

            Một là, GD&ĐTKN đòi hỏi cải cách triệt để phương pháp giáo dục và đào tạo mang tính áp đặt. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khó khăn lớn nhất để phát triển GD&ĐTKN là thiếu cán bộ, giảng viên thực hiện công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Sự thiếu hụt các giáo viên có trình độ về GD&ĐTKN đã trở thành nút cổ chai hạn chế sự phát triển nhanh của GD&ĐTKN ở nước ta. Bên cạnh đó, còn thiếu các kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; còn yếu trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thiếu nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên…

            Hai là, Chính phủ đóng một vai trò trong thúc đẩy GD&ĐTKN, từ việc xây dựng kế hoạch và chương trình chuyên biệt cấp quốc gia, thiết lập các chính sách đưa GD&ĐTKN vào trong hệ thống giáo dục, đến trực tiếp tài trợ cho các chương trình GD&ĐTKN, hay thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư để thu hút các doanh nghiệp tham gia, nhằm cung cấp những phương thức GD&ĐTKN hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần coi GD&ĐTKN như một bộ phận hợp thành của chiến lược chỉnh thể quốc gia, triển khai từ giai đoạn giáo dục tiểu học và trung học, từ đó đưa giáo dục khởi nghiệp trở thành mục tiêu cơ bản trong việc xây dựng động lực phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh lâu dài.

            Ba là, về các cách tiếp cận chính sách cho GD&ĐTKN trong trường đại học, cần có chiến lược quốc gia, xác định mối liên kết giữa đào tạo khởi nghiệp với các mục tiêu chính sách khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của GD&ĐTKN trong các chiến lược quốc gia, đặc biệt là các chiến lược về phát triển nhân lực, tăng trưởng kinh tế, đổi mới khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp quốc gia…

            Bốn là, GD&ĐTKN phải được tiến hành từ cấp vi mô (trong từng trường đại học) đến cấp vĩ mô (cấp quốc gia và xuyên quốc gia). Các chính sách quốc gia cần đảm bảo sự cam kết của chính phủ cho GD&ĐTKN, tạo thuận lợi trong việc điều phối hoạt động này ở cấp Bộ, phối hợp liên Bộ, trong đó chú ý xây dựng chính sách GD&ĐTKN cho các nhóm yếu thế hơn (nữ giới, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên dân tộc thiểu số…). Ở cấp vùng, địa phương, cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, coi GD&ĐTKN là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển của địa phương, khu vực; trong đó cần lưu ý, không chỉ hướng vào những sinh viên có khuynh hướng khởi nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc lĩnh vực kinh doanh và kỹ thuật, mà còn yêu cầu bồi dưỡng tinh thần đổi mới và năng lực đổi mới cho mọi sinh viên và thế hệ trẻ.

            Năm là, một trong những thước đo thành công của trường đại học là bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh. Do vậy các trường cần tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để sinh viên có kiến thức để khởi nghiệp thông qua các chương trình GD&ĐTKN phù hợp với điều kiện đặc thù của từng trường. Sứ mệnh của trường đại học bên cạnh đào tạo, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khởi nghiệp, sáng tạo cho sinh viên. Để khởi nghiệp thành công, ngoài vấn đề về vốn, trước hết sinh viên cần được trang bị đầy đủ tri thức, đặc biệt là tri thức tiên tiến. Khởi nghiệp sáng tạo phải gắn liền với khả năng nghiên cứu khoa học, những sinh viên chọn con đường khởi nghiệp sáng tạo cần được đào tạo, rèn luyện, trau dồi khả năng nghiên cứu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

            Nhìn chung, để đẩy mạnh hơn nữa GD&ĐTKN tại Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của Chính phủ và của các nhà trường, góp phần đưa Việt Nam trở thành “Quốc gia khởi nghiệp”, khi đó ai cũng am hiểu kinh doanh, luôn sẵn sàng trở thành những doanh nhân, biết tận dụng và nắm bắt cơ hội để tạo lập các doanh nghiệp của riêng mình.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)