Thứ năm, 10/01/2019 01:02

Tinh thần đại học Đức và vài điều gợi mở cho Việt Nam qua mô hình Göttingen

PGS.TS Chu Hồng Thanh

Hội Luật gia Việt Nam

 

Sau gần 300 năm kiên trì đi theo con đường đã chọn, Đại học Göttingen thuộc bang Niedersachsen (Đức) là một mô hình đại học thành công trên thế giới với một triết lý phát triển rõ ràng. Đến nay, mô hình giáo dục đại học này đã có đóng góp to lớn không chỉ cho nước Đức mà còn cho cả thế giới. Trong điều kiện chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế, Việt Nam cần học tập để cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học và xây dựng một số trường đại học tiên tiến - nơi có thể thực hiện sứ mệnh tiên phong để đưa quốc gia phát triển ở một tầm cao và tiến lên những nấc thang quan trọng.

Đại học Göttingen[1] đã trải qua nhiều triều đại, thể chế chính trị và nhà nước với những thăng trầm khác nhau, thậm chí đã có thời kỳ các nhà khoa học Do Thái thuộc Göttingen đã từng bị nhà nước phát xít săn lùng, nhưng nhờ có tính độc lập cao nên ngôi trường này luôn giữ được tinh thần tự chủ, làm nên truyền thống và thành tích Göttingen lừng lẫy như hiện nay[2]. Ở Đức, không chỉ riêng Göttingen mà các trường đại học đều coi tự do học thuật là một truyền thống, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nền giáo dục đại học phát triển muộn hơn. Ngay cả Hoa Kỳ là quốc gia điển hình có nền giáo dục đại học tinh hoa đầy bản sắc nhưng vẫn đề cao giáo dục đại học Đức vì truyền thống tự do học thuật của nước này. Ít ai biết rằng, Đại học Johns Hopkins tại thời điểm thành lập có phần lớn các giáo sư được đào tạo từ Đức. Các đại học Hoa Kỳ dường như được Đại học Humboldt và các đại học Đức, trước đó là Đại học Göttingen trao bó đuốc về tự do học thuật để thắp sáng giáo dục đại học bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngay từ 1860-1914, đã có hàng vạn sinh viên của Anh và Hoa Kỳ ‘hành hương’ đến các đại học của Đức để được hưởng nền giáo dục đại học với không khí tự do học thuật, từ đó lan tỏa luồng sinh khí này đến toàn thế giới.

Nghiên cứu về Đại học Göttingen đặt bên cạnh hệ thống giáo dục đại học Đức, có thể đưa ra một số nhận xét sau:

1. Tự trị đại học: với tính tự chủ cao của các bộ môn khoa học và vai trò của các giáo sư, giảng viên trong từng bộ môn được coi trọng, Đại học Göttingen đề cao tinh thần đại học như một nền tảng quan trọng, tăng cường quá trình quốc tế hóa, thúc đẩy sự xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy, thông qua các cấu trúc bậc cử nhân và thạc sỹ, bảo đảm thực hiện quyền độc lập và tự chịu trách nhiệm trong giáo dục đại học. Ở Việt Nam chúng ta đang đặt nhiệm vụ “tự chủ đại học” (tự trị đại học) lên trên hết nhưng lại chưa coi trọng bảo đảm tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Để có “tự trị đại học” thì bộ máy quản trị cần hoạt động hữu hiệu, trong đó cơ cấu tổ chức bộ máy là vấn đề nội bộ của nhà trường, pháp luật không nên can thiệp quá sâu và chi tiết[3]. Nội hàm của tự chủ đại học phải là tính độc lập cao của đại học trong các hoạt động giáo dục đại học, độc lập trong xã hội và trong quan hệ với nhà nước, không lệ thuộc vào trình độ kinh tế hoặc sức mạnh thể chế chính trị. Tại Gottingen, “các khoa đang và sẽ duy trì trụ cột quan trọng nhất hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy; thể hiện ở sự cân bằng giữa việc tự ra quyết định và hành động có trách nhiệm trước xã hội trong định nghĩa toàn diện về trường đại học. Để cải thiện quản trị, các hoạt động của các văn phòng trong trường hướng vào các nghiên cứu toàn thời gian. Quản lý khoa, các phòng ban, các trung tâm của trường là đơn vị tổ chức liên ngành với cấu trúc phục vụ nghiên cứu, trong đó, trong tương tác với các khoa, tạo thành một ma trận hoàn hảo cho sự phát triển hơn nữa hoạt động nghiên cứu và giảng dạy”[4]. Đây là điều mà các trường đại học ở ta cần nghiêm túc học hỏi và hướng tới, không chỉ phục vụ mục tiêu đào tạo mà cần thực sự phát triển tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Tự trị đại học của Đại học Gottingen (và nói rộng ra là các đại học của Đức) có nghĩa là, bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào (kể cả nhà nước) đầu tư thành lập trường đại học thì cũng không có nghĩa là nhà trường phải phụ thuộc vào cá nhân hoặc tổ chức đó. Đây cũng là mô hình chuẩn mà hầu hết các đại học tiên tiến áp dụng với ý thức xây dựng một trường đại học vượt trội trong tầm nhìn dài hạn. Luật Giáo dục đại học sửa đổi sắp tới của chúng ta cũng đã có tinh thần đảm bảo sự độc lập cần thiết cho các trường đại học, tuy nhiên cần rõ nét hơn.

           2.  Tự do học thuật: tự do học thuật là tự do suy nghĩ, tham gia thảo luận và nghiên cứu, tự do bày tỏ ý kiến, tự do nhận thức tìm tòi chân lý khoa học, tự do trong giảng dạy và học tập của cả thầy và trò, tự do phát minh, sáng chế… Đây cũng là bí quyết, là chìa khóa thành công của Đại học Göttingen nói riêng, giáo dục đại học ở Đức, châu Âu hay của các trường đại học danh tiếng trên thế giới nói chung. Nhờ tự do học thuật mà ở Đại học Göttingen, sinh viên đang ở bậc học cử nhân cũng có thể phát huy trí tuệ sáng tạo và có công trình nghiên cứu xứng tầm đoạt giải Nobel[5]; nhiều công trình khoa học vĩ đại, nhiều trường phái, lý thuyết và nhiều tài năng lớn trên thế giới xuất hiện từ ngôi trường này[6]… Qua đó, có thể khẳng định rằng, tự do học thuật giúp đại học phát triển lành mạnh và đóng góp sức sáng tạo cho phát triển xã hội. Xét từ khía cạnh pháp lý, Hiến pháp 2013 có nguyên tắc hiến định “tự do ngôn luận” thì phải chăng trường đại học cũng cần có môi trường tự do học thuật thực sự để thu hút và phát huy tài năng, để xây dựng một “cơ thể” giáo dục đại học “khỏe mạnh”.

         3. Đại học nghiên cứu: qua mô hình của các đại học của Đức, đặc biệt là Đại học Göttingen cho thấy, cơ sở giáo dục đại học vừa là nơi đào tạo mọi trình độ của giáo dục đại học, vừa là nơi nghiên cứu khoa học, do đó vừa có tư cách là một trường đại học, đồng thời cũng là một viện nghiên cứu với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định. Vì thế, các đại học nghiên cứu ở Đức như Đại học Göttingen đều có thể gọi là “viện đại học”[7]. Không thể chỉ đóng khuôn trong một chương trình đào tạo để xác định đó là cơ sở đào tạo định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng mà điều quan trọng hơn là phải có những sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị cao, được xã hội thừa nhận như một cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên cung cấp sản phẩm khoa học và công nghệ cho xã hội.

       4. “Thành phố đại học” hay “đô thị đại học”. Ở nước ta, “đô thị đại học” được hiểu là nơi tập trung nhiều trường đại học hoặc quy hoạch để dồn các trường đại học vào một khu vực tập trung và xây dựng đô thị đại học trên cơ sở đó. Ở Đức, mỗi đô thị đại học thông thường chỉ có một trường đại học với đặc điểm là cả thành phố chăm lo phát triển trường đại học. Trường đại học trong đô thị đại học ở Đức không có tường rào bao quanh, không có cổng trường, nhiều đơn vị của nhà trường đóng xen kẽ với các cơ quan khác của thành phố; nhà trường chung một biểu tượng với thành phố, cùng hưởng các dịch vụ và tổ chức các sự kiện, cùng khai thác thư viện và các sinh hoạt văn hóa, cùng chăm lo phát triển giáo dục đại học và phát triển thành phố. “Đô thị Đại học Göttingen” là hình mẫu điển hình chú trọng vào các chỉ tiêu chất lượng chứ không phải là số lượng. Qua so sánh với mô hình này ở Đức, khái niệm “đô thị đại học” ở Việt Nam tính đến số lượng mà thiếu tính kết nối ở bề sâu[8]. Hiện nay, tổng số cán bộ, giáo viên và học viên ở Đại học Göttingen chiếm gần 50% dân cư thành phố, nhưng quản lý trường đại học và quản lý thành phố vẫn có sự phân biệt rõ ràng, minh bạch, không những không mâu thuẫn và xung đột mà ngược lại, là niềm tự hào của nhau, không có khái niệm “trực thuộc” nhau.

        5. Giáo dục đại học không có mục tiêu vì lợi nhuận. Đại học Gottingen sử dụng và quản lý trên 250 tòa nhà cùng khoảng vài chục tòa nhà cho thuê, sở hữu một mạng lưới viện nghiên cứu chuyên ngành dày đặc và hợp tác với nhiều viện nghiên cứu tốt nhất ở châu Âu và thế giới. Hàng năm, mặc dù Trường đem lại nguồn thu dồi dào thông qua các nghiên cứu chuyển giao mà nếu tính về giá trị và quy mô có khi lớn gấp nhiều lần một doanh nghiệp lớn, nhưng chưa từng được coi là một doanh nghiệp hay một đơn vị hoạt động vì lợi nhuận. Cùng với đó, nguồn tài chính thu được từ giáo dục đại học, mặc dù rất lớn cũng không thể được chia “cổ tức” như các doanh nghiệp cổ phần, cũng không có khái niệm “lợi nhuận” trong giáo dục đại học. Ở nước ta, vấn đề này chưa được làm rõ và có lúc, có nơi coi giáo dục là một lãnh địa để thu lợi nhuận do chưa có chế tài bắt buộc lợi nhuận thu được tái đầu tư phát triển giáo dục đại học như mô hình Gottingen đang áp dụng. Quan điểm “không thương mại hóa giáo dục” cũng khá phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều này cần được cụ thể hóa khi đề cập tới vấn đề lợi nhuận của các cơ sở giáo dục đại học trong các văn bản pháp luật có liên quan.

X

X       x

Trên thực tế, mỗi cơ sở giáo dục và mỗi hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia có lịch sử và truyền thống riêng biệt, sẽ là không phù hợp nếu bê nguyên xi một mô hình bất kỳ của trường đại học tại nước nào đó để áp dụng tại một quốc gia khác. Tuy nhiên, giáo dục đại học toàn cầu, trong đó có giáo dục đại học của Đức cũng như của Việt Nam đều mang một sứ mệnh chung là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao và xây dựng đội ngũ trí thức, có nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, có ngôn ngữ chung về khoa học và đào tạo, có những quy luật phát triển chung. So với lịch sử và truyền thống tự chủ đại học, tự do học thuật của giáo dục đại học Đức và các quốc gia tiên tiến thì giáo dục đại học của chúng ta còn thiếu tính gắn kết hệ thống và dường như chưa xác lập được một con đường rõ ràng về tự chủ và tự do học thuật cho các trường đại học tiến lên phía trước.

 



[1]Đại học Göttingen được Vua George II của Anh thành lập năm 1737. Ngay sau khi được thành lập, Đại học Göttingen nhanh chóng trở thành một trong những đại học dẫn đầu tại Đức và châu Âu. Hiện nay, tổng số sinh viên là 23.953, trong đó có 2.865 sinh viên nước ngoài.

[2]Năm 2007, Đại học Göttingen được lựa chọn là trường "đại học ưu tú của Đức" và cho đến nay tiếp tục nhận được các chương trình tài trợ nghiên cứu lớn từ Bộ Giáo dục và Nghiên cứu cùng Quỹ Nghiên cứu liên bang. Năm 2010, Trường được Tạp chí The Times Higher Education xếp ở vị trí thứ 43 trong 200 trường đại học tốt nhất thế giới và là 1 trong 8 trường đại học tốt nhất châu Âu.

[3]Trường hợp GS Norbert Lossau, cựu Thống đốc bang Göttingen và Giám đốc Thư viện Đại học (SUB), hiện được bầu là Phó Chủ tịch toàn thời gian của Đại học Göttingen đến năm 2027 (tức là 9 năm nữa). Trong khi đó ở Việt Nam, một nhà quản lý được giữ vị trí tương tự chỉ trong nhiệm kỳ từng 5 năm một.

[4] http://www.uni-goettingen.de/en/institutions/4.html

[5]Tính đến nay, 45 cá nhân giành Giải thưởng Nobel ở Đức đã từng là sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo sư hay có đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp khoa học của Đại học Göttingen. 

[6]Göttingen cũng là nơi làm việc của nhà toán học nữ nổi tiếng Emmy Noether, người khai sinh và đặt nền móng cho đại số học hiện đại, cùng nhiều học trò xuất sắc của bà như: Carl Friedrich Gauß, Bernhard Riemann, Johann Peter, Gustav, Lejeune Dirichlet và nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới… Đây cũng là địa chỉ được nhiều tên tuổi lớn lựa chọn theo học như: Jürgen Habermas (nhà triết học và xã hội học hàng đầu của Đức), Richard von Weizsäcker (ngành lịch sử và luật học, sau này trở thành Tổng thống Đức), Gerhard Schröder (ngành luật học, sau này trở thành Thủ tướng Đức)…

[7]Đại học Göttingen là thành viên quan trọng trong mạng lưới các trường đại học và các viện nghiên cứu của châu Âu, vì thế nó còn được gọi là “Viện Đại học Göttingen”.

[8]Đô thị đại học Phố Hiến là một mô hình theo dạng này.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)