Đặt vấn đề
GDĐH “xuyên biên giới” là một trong những kết quả trực tiếp của toàn cầu hóa trong GDĐH. Theo OECD (2007), GDĐH “xuyên biên giới” được hiểu là “sự di chuyển của con người, chương trình, nhà cung cấp, giáo trình, dự án, nghiên cứu và dịch vụ trong GDĐH (hoặc cao hơn) vượt qua biên giới quốc gia”[1]. Trong gần 4 thập kỷ vừa qua, loại hình GDĐH này ngày càng chiếm vị thế quan trọng. Các trường đại học luôn nỗ lực xây dựng các khóa học có chất lượng, đưa ra thị trường khá nhiều loại hình đào tạo mới phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút sinh viên các nước. Thêm vào đó, nhờ tăng trưởng kinh tế và thuận lợi trong di chuyển, số học sinh, sinh viên từ các nước đang phát triển sang du học tại các nước phát triển trở nên khá phổ biến. Trên thực tế, hầu hết số sinh viên sau khi tu nghiệp ở nước ngoài trở về đều có cuộc sống khá tốt, nhờ vậy vấn đề xuất khẩu GDĐH ngày càng được xã hội quan tâm.
Xét về tổng thế, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, muốn xuất khẩu GDĐH bắt buộc phải cạnh tranh về chất lượng nhằm thu hút được nhiều người học, từ đó gia tăng nguồn thu cho các trường đại học và giúp các quốc gia nâng tầm quốc tế, đạt được sự chuyển giao tri thức và đóng góp tăng trưởng kinh tế nói chung. Do đó, các quốc gia đặt mục tiêu tăng cường GDĐH “xuyên biên giới” đều phải bắt tay xây dựng các chính sách vĩ mô phù hợp với điều kiện nội lực và tham vọng của mình, và việc xây dựng một hệ thống chính sách phù hợp trong lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều lợi ích.
GDĐH “xuyên biên giới” ở một số quốc gia
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể đề cập tất cả các nền GDĐH trên thế giới có hoạt động GDĐH “xuyên biên giới” mà chỉ chọn giới thiệu một số nét chính về giáo dục “xuyên biên giới” của Australia và Singapore. Đây là 2 quốc gia có mục tiêu, chính sách rõ ràng và đạt nhiều thành tựu trong GDĐH “xuyên biên giới”, qua đó sẽ gợi mở cho Việt Nam trong thời gian tới.
Australia
Ở Australia, GDĐH “xuyên biên giới” là một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong tổng thu nhập quốc gia, vì thế Chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư vào hê ̣thống GDĐH cho mục tiêu thương mại, trực tiếp nhắm tới tạo ra một ngành xuất khẩu từ lĩnh vực GDĐH. Từ đó, các chính sách cụ thể đã được ban hành để thực thi triệt để sứ mệnh này, như: quy định đối với các chương trình đào tạo đại học hay chính sách tạo thuận lợi nhất trong cấp visa cho sinh viên cũng như áp dụng chính sách nhập cư đối với người tốt nghiệp bậc đại học. Từ 1985-1988, Australia đã thành lập các trung tâm phát triển giáo dục, trung tâm hỗ trợ sinh viên thuộc Đại sứ quán Australia tại 38 quốc gia và bắt đầu vào năm 1990, Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều chương trình giáo dục “đánh bắt xa bờ” rất thành công ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam... Thêm vào đó, nhằm đảm bảo cho sinh viên quốc tế luôn nhận được các chương trình đào tạo tốt hay những khóa học có chất lượng cao, Australia đã thiết lập các công cụ đo lường nhằm đánh giá và duy trì chất lượng đào tạo như Trung tâm Đánh giá Chất lượng GDĐH Australia (AUQA), Quy định chất lượng đào tạo Australia 2007 (AQTF), Hê ̣thống tiêu chuẩn quốc gia 2007. Các công cụ được đưa ra nhằm giúp các trường đại học đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn và cơ sở vật chất… Nhờ vậy, không chỉ tăng nguồn thu nhờ số sinh viên quốc tế tăng mạnh mà trong các bảng xếp hạng trường đại học toàn cầu, nhiều trường của Australia đã lọt top 50, 100 trường hàng đầu thế giới. Như vậy, cùng với xuất khẩu GDĐH để tăng trưởng kinh tế, sự hội nhập của nền giáo dục Australia còn đảm bảo luôn phát triển đồng cấp với các quốc gia phát triển trên sân chơi GDĐH chung toàn cầu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Australia đã thành lập Hội đồng điều phối giáo dục quốc tế để triển khai Dự thảo chiến lược quốc gia về giáo dục quốc tế. Người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo nước này đã khẳng định, cả bộ trưởng và các bên liên quan (CEO của các trường đại học, CEO của Phòng Thương mại và công nghiệp Australia, Chủ tịch Hội đồng giáo dục của bang…) đều phải cùng nhau thúc đẩy chương trình nghị sự quan trọng này. Và để đảm bảo sự thành công của giáo dục quốc tế nói chung và sự liên tục của các chương trình nghiên cứu giáo dục quốc tế nói riêng, phương pháp triển khai được đề xuất là cách tiếp cận đa chiều. Như vậy, sự vào cuộc cùng lúc của các bên trong cả hệ thống quản lý nhà nước với vai trò chủ đạo của ngành giáo dục - đào tạo Australia được nhấn mạnh khi triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển GDĐH “xuyên biên giới” của quốc gia này.
Singapore
Đối với các sinh viên ở châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng, học tập tại Singapore vừa có chất lượng cao, học phí và chi phí thấp hơn so với các quốc gia như Hoa Kỳ, vừa ít bị sốc văn hóa. Ít ai biết rằng, để trở thành một trung tâm học thuật tiên tiến và thu hút được nhiều sinh viên đến từ các quốc gia, tính đến nay, Singapore đã phối hợp hiệu quả hai luồng quan điểm hiện đại về giáo dục là xây dựng nội lực quốc gia và phát huy khả năng sinh lời từ hê ̣thống, đặc biệt là GDĐH trình độ cao (ThS, TS, sau TS). Singapore đã nỗ lực thu hút ít nhất 10 trường đại học tiên tiến trên thế giới thành lập giảng đường của mình, nhiều nhất là các trường đại học của Hoa Kỳ như: Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Johns Hopkins, Viện Công nghệ Georgia… và hầu hết các trường này đều thành công tại Singapore. Từ năm 1965, Singapore sử dụng tiếng Anh trong toàn hê ̣thống giáo dục (từ khung chương trình đào tạo đến bài giảng); áp dụng hê ̣thống cấp-O và cấp-A của Đại học Cambridge và Đại học London (Anh) để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Cùng với đó, các trường hàng đầu (Đại học Quốc gia Singapore - NUS và Đại học Kỹ thuật Nangyang - NTU) còn áp dụng bài kiểm tra đầu vào dành cho sinh viên tại các trường đại học Hoa Kỳ (SAT) để tuyển sinh đầu vào. Đối với các khoa chuyên ngành của NUS và NTU, 80% số giảng viên đều tốt nghiệp tiến sỹ từ các đại học danh tiếng như: Oxford, Cambridge (Anh); Harvard, MIT, Yale (Hoa Kỳ); New South Wales (Australia)...
Bên cạnh đó, các trường còn chủ động dành nguồn tài trợ cho các sinh viên quốc tế thông qua: miễn giảm học phí, tín dụng học tập, học bổng bán phần hay học bổng toàn phần. Ví dụ, chương trình miễn/giảm học phí được điều hành bởi Bộ Giáo dục (MOE) trợ cấp tới 80% học phí cho các sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng của Singapore. 20% còn lại và các chi phí khác sẽ được trợ cấp thông qua các chương trình học bổng nhà trường do chính trường đại học đó tài trợ. Đổi lại, sinh viên sẽ ký với Chính phủ một thỏa thuận sẽ làm việc cho một công ty của Singapore trong thời hạn 3 năm cho đến khi hoàn tất chương trình học của mình. Hơn nữa, tại NUS, sinh viên quốc tế bậc đại học được khuyến khích làm việc bán thời gian như: phụ đạo sinh viên bậc đại học hay các chương trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Gần đây, Chính phủ nước này áp dụng chính sách kéo dài thời hạn trả tín dụng vay học tập lên đến 12 năm đối với sinh viên quốc tế đang theo học tại 3 trường đại học công lập quốc gia. Thêm vào đó, những sinh viên này có thể xin định cư lâu dài tại Singapore từ năm cuối tại các trường đại học. Chính sách này nhằm khuyến khích đội ngũ sinh viên quốc tế có năng lực tìm kiếm việc làm và định cư tại Singapore sau khi tốt nghiệp. Với cách này, những sinh viên có năng lực nhưng hạn chế về tài chính được khuyến khích đến học tập và sau đó làm việc tại Singapore sẽ giúp nâng tầm quốc gia này lên cao hơn nữa. Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB), hiện có trên 150.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Singapore. Cùng với đó, năm 2001, Singapore đã chính thức khởi động xuất khẩu GDĐH sang các nước khác và nhiều trường đại học Singapore đã được thành lập tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia...
Các vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Qua mô hình Australia và Singapore cho thấy, với các lợi ích của GDĐH “xuyên biên giới”, Việt Nam cần sớm xây dựng các chính sách kinh tế liên quan tới lĩnh vực này, quan tâm thỏa đáng tới việc thay đổi nhận thức và thái độ của các nhà quản lý về GDĐH “xuyên biên giới” trên quan điểm hệ thống và đồng bộ. Kinh nghiệm của 2 quốc gia là, để thu hút các sinh viên tài năng, Chính phủ cần có các chính sách mạnh mẽ và các trường đại học cần quyết liệt trong thực hiện phương châm hội nhập là yêu cầu tất yếu, và thị trường GDĐH sẽ là của chung toàn cầu. Hiện nay, trong các chương trình liên kết và chương trình chuyển tiếp (sinh viên tích lũy tín chỉ tại Việt Nam và có thể chuyển tiếp sang học tại trường nước ngoài để hoàn thành chương trình học và được cấp bằng) đã được khá nhiều trường áp dụng, tuy nhiên chưa có nhiều sinh viên quốc tế theo học mà chủ yếu là sinh viên người Việt Nam. Ưu điểm của cách làm này là các trường đại học Việt Nam có thể thực hiện các chương trình GDĐH “xuyên biên giới” như là một phần trong chuỗi hoạt động giáo dục của mình, tiệm cận gần hơn các tiêu chuẩn về GDĐH của khu vực và toàn cầu, cuối cùng là mở rộng tầm nhìn quốc tế. Ngoài ra, lợi ích kinh tế mà các trường đại học Việt Nam có được từ các chương trình này là không nhỏ nhưng cần hiểu đây chưa thực sự là một mô hình GDĐH “xuyên biên giới” trọn vẹn. Và để chuẩn bị nền tảng cho GDĐH “xuyên biên giới”, cần bắt buộc sử dụng tiếng Anh trong quá trình giảng dạy, học tập và thi cử cũng như mở rộng thêm các chương trình có chất lượng tương đương với quốc tế. Muốn vậy, cần có các biện pháp nâng cao trình độ tiếng Anh của cán bộ, giảng viên, sinh viên và thúc đẩy nhập khẩu chương trình, thu hút giảng viên có trình độ cao từ nước ngoài tham gia giảng dạy, đào tạo.
Về vấn đề đảm bảo chất lượng GDĐH
Ở Australia, các trường đại học đã sớm áp dụng kiểm định chất lượng. Đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo đại học là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của GDĐH “xuyên biên giới” của Australia. Còn tại Singapore, Giấy chứng nhận tín nhiệm CASE được Hiệp hội tiêu dùng Singapore (CASE) nghiên cứu và áp dụng vào lĩnh vực GDĐH từ 1/9/2005 đã thực sự mang lại hiệu quả cho xuất/nhập khẩu GDĐH. Trong khi đó, tính đến nay, toàn hệ thống các trường đại học của chúng ta chưa xong kiểm định nên gặp khó khăn khi hợp tác với các trường đại học nước ngoài (nếu hợp tác sẽ chủ yếu chỉ dừng ở nhập khẩu chương trình, bỏ lỡ nhiều cơ hội để thực hiện GDĐH “xuyên biên giới”). Do vậy, khi được trao quyền tự chủ, các trường đại học nên ngay lập tức quan tâm tới việc áp dụng các tiêu chí quốc tế trong khảo sát và đánh giá việc học tập của sinh viên, cán bộ, giảng viên và quy trình tổ chức đào tạo ở một số chương trình mũi nhọn (bằng tiếng Anh, tiếng Pháp) của trường, đưa vào áp dụng chuẩn quốc tế, tiến thêm một bước trong xuất khẩu GDĐH đối với các chương trình có chất lượng đã được nhập khẩu. Về phía quản lý nhà nước, cần tạo điều kiện hình thành hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH thông suốt, tiệm cận và áp dụng tiêu chí quốc tế trong các chương trình giáo dục nhập khẩu để thúc đẩy nền GDĐH nước nhà phát triển ở mức cao nhất, hướng mạnh vào xuất khẩu các sản phẩm giáo dục đào tạo đại học, sau đại học có chất lượng.
Về các chính sách sinh lời
Australia và Singapore là các quốc gia rất thành công khi định hướng theo quan điểm sinh lời của GDĐH “xuyên biên giới”. Qua kinh nghiệm của họ, với trường hợp Việt Nam, GDĐH “xuyên biên giới” sẽ có nhiều cơ hội thành công nếu khai thác được thế mạnh là nước ta đã từng là trung tâm của khu vực Đông Dương và hiện nay là một nền kinh tế năng động. Nếu chúng ta tập trung nguồn lực đầu tư vào chuyên ngành nghiên cứu châu Á học, Đông Dương học để đưa 2 lĩnh vực này phát triển mạnh trong nghiên cứu và đào tạo thì sẽ hiện thực hóa việc xuất khẩu giáo dục. Với quan điểm giáo dục mang tính sinh lời thông qua GDĐH “xuyên biên giới”, chương trình tiếp theo mà các trường đại học nước ta có thể lựa chọn là dạy ngôn ngữ châu Á, kinh nghiệm châu Á và nghiên cứu khu vực Đông Nam Á với các khóa đào tạo các thứ tiếng Nhật, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng với các hướng nghiên cứu về văn hóa của các quốc gia này.
Từ chính sách của hai quốc gia nêu trên cũng như xem xét các điều kiện thực tiễn hiện nay, chúng tôi xin đúc rút một cách ngắn gọn về mô hình GDĐH “xuyên biên giới”. Theo đó, mô hình này sẽ bao gồm 4 giai đoạn: 1- Gửi một số lượng lớn giảng viên, sinh viên ra nước ngoài học tập; 2- Xây dựng các điều kiện làm việc và điều kiện sống thuận lợi cho họ khi trở về; 3- Trở thành một trung tâm của khu vực (trước hết gồm các nước Đông Dương (cũ) và sau đó là các nước Đông Nam Á hiện nay) trong các lĩnh vực thế mạnh; 4- Các trường đại học là các trung tâm nghiên cứu - đào tạo đại học/sau đại học mạnh và thu hút được nhiều sinh viên trên thế giới, kể cả từ các quốc gia phát triển. Hiện nay, chúng ta đang nằm ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, nếu sớm triển khai thực hiện, một chặng đường mới rất dài đang chờ phía trước.
[1]http://www.oecd.org/education/innovation-education/cross-bordertertiaryeducationawaytowardscapacitydevelopment.htm