Công việc học thuật thường được chia thành 3 phần chính: giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Nếu như hai vế đầu khá dễ hiểu thì phần phục vụ cộng đồng lại là câu chuyện không phải ai cũng biết. Với nghề học thuật, phục vụ cộng đồng có thể bao gồm nhiều hoạt động như: góp ý, phân tích chính sách; tham gia các hội đồng đánh giá chuyên môn; bình duyệt khoa học… Vì thế, việc hiểu thêm về công việc của các nhà nghiên cứu chính là bước đầu để xã hội nói chung và giới học thuật nói riêng có thể tìm thấy điểm giao thoa, tiến tới học hỏi, hỗ trợ hay hợp tác.
Bình duyệt khoa học với thương hiệu và uy tín học thuật của nhà khoa học
Trong công bố khoa học, một bản thảo sau khi được nộp thành công đến một tạp chí sẽ trải qua các giai giai đoạn chính sau đây: (i) Thẩm định sơ bộ của ban biên tập; (ii) Gửi bài cho các nhà khoa học có cùng chuyên môn để bình duyệt kín; (iii) Nhận kết quả bình duyệt và chỉnh sửa; (iiii) Công trình khoa học được công bố. Trong 4 bước nêu trên, trong nhiều trường hợp bước (ii) và (iii) phải lặp đi lặp lại 2-3 vòng trước khi người bình duyệt thông qua và chuyển sang bước (iv). Điều này khiến cho tổng thời gian của quá trình bình duyệt kéo dài vài tháng, cá biệt có thể lên đến 1-2 năm, trước khi được chấp nhận và công bố chính thức. Như vậy, ở đây, các nhà bình duyệt đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ chu trình xuất bản khoa học: chốt chặn kiểm tra chất lượng và nắm giữ số phận bản thảo. Và hẳn nhiên đây cũng là công việc mệt nhọc và tốn thời gian. Trong một bài phỏng vấn trên Nature, Malcolm Jobling - một nhà khảo cổ học đã chia sẻ rằng, mỗi năm ông có thể phải bình duyệt khoảng 100 bản thảo, với khoảng thời gian từ 3 đến 12 giờ cho mỗi bản thảo. Như vậy, trong một năm, Jobling có thể phải dành tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn giờ cho riêng việc này, chưa kể vẫn phải đảm bảo 2 công việc khác là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điều đáng nói nữa, việc bình duyệt này, về mặt truyền thống là hoàn toàn ẩn danh và thầm lặng, nó khác hoàn toàn công việc quản lý, ồn ào và hào nhoáng hơn nhiều.
Đối với thế giới khoa học, bình duyệt hiện tại vẫn được xem là cách hữu hiệu nhất để đảm bảo cho sự trong sạch của tri thức. Bên cạnh đó, bình duyệt cũng là quá trình giúp người làm bình duyệt rèn luyện, cọ xát, kiểm tra nền tảng kiến thức chuyên môn của chính bản thân họ. Tự rèn luyện, đào tạo bản thân và cống hiến chính là một trong những phẩm chất đáng quý mà người lao động nào cũng rất cần. Chính vì thế, việc tham gia bình duyệt là một cách để xây dựng được thương hiệu và uy tín học thuật cho nhà khoa học. Sau khi vượt qua các mức sàn về công bố khoa học, vinh dự được ban biên tập trao cho quyền đánh giá nghiên cứu mới của đồng nghiệp có giá trị xác nhận vị thế chuyên gia trong ngành của nhà khoa học.
Cuối cùng, sự kết nối rộng khắp thông qua bình duyệt chính là vẻ đẹp của khoa học hiện đại. Ví dụ, khi một nhà khoa học tại Việt Nam có thể bình duyệt một bản thảo của một tác giả Mỹ, công việc công ích đó hoàn toàn có thể là khởi đầu cho những hợp tác mới khác. Thông qua công nghệ, khoa học ngày một mở hơn, và toàn cầu hóa hơn. Vì thế, việc tham gia vào các công việc công ích khoa học và bình duyệt giúp nhà khoa học có thể hiểu thêm về các ngóc ngách của nghề nghiên cứu. Sự thấu hiểu nghề nghiệp đó sẽ giúp các nhà khoa học tự chủ hơn trong công việc của mình: biết thêm nhiều nhà khoa học mới, hiểu thêm về cách làm việc của hệ thống…
Cơ sở dữ liệu bình duyệt quốc tế và đóng góp của Việt Nam
Cũng như mọi ngành, lĩnh vực khác, khoa học hiện tại cũng đang có những bước chuyển mình hướng đến minh bạch hóa hơn và một trong những xu thế mới là bình duyệt “mở” (tức là người bình duyệt và tác giả biết danh tính của nhau). Sự ra đời của Tạp chí F1000 Research cách đây vài năm phản ánh xu hướng đó. Hoặc gần đây, Publons - cơ sở dữ liệu của các nhà phản biện cũng đã được ra đời. Xu hướng này mang đến những giá trị mới cho công ích khoa học và giúp việc đánh giá uy tín học thuật toàn diện hơn về mọi mặt. Hình 1 là danh sách 10 nhà bình duyệt Việt Nam có năng suất cao nhất theo cơ sở dữ liệu của Publons.
Hình 1. Danh sách 10 nhà bình duyệt Việt Nam có năng suất cao nhất theo Publons. (Nguồn: Publons.com)
Trước khi Publons ra mắt vào năm 2013, thói quen chung của giới khoa học đều là bình duyệt ẩn danh. Công sức của các nhà bình duyệt thường được ghi nhận qua vài dòng cảm ơn trong bài được đăng, hoặc trong lời cảm ơn từ ban biên tập, hoặc đối với các nhà bình duyệt năng suất cao, phần thưởng có thể là vị trí trong ban biên tập của tạp chí. Vấn đề trả công hiếm khi được đề cập đến trong phản biện vì tính chất nhạy cảm đạo đức khoa học của nó. Vì vậy, bình duyệt vẫn thường nằm bên lề khoa học. Sự ra đời của hệ thống Publons mang đến một làn gió mới ghi nhận đóng góp của các phản biện một cách hệ thống và chính thống hơn.
Publons được sáng lập bởi Preston và Johnston với mục đích kết nối 4 nhóm quan trọng trong giới khoa học: nhà xuất bản - tác giả - người bình duyệt - các tổ chức khoa học. Hệ thống tạo lập một cơ sở dữ liệu xuyên suốt từ hồ sơ người bình duyệt, dữ liệu bài vở để xử lý và thống kê về năng suất lao động và mức đóng góp trung bình của các người bình duyệt. Hệ thống Publons hiện nay kết nối với hơn 400.000 người bình duyệt, khoảng 2 triệu bản ghi đã xác minh và hơn 25.000 tạp chí đã đăng ký với hệ thống. Các nhà bình duyệt đăng ký và lưu trữ hồ sơ của mình trên Publons sẽ được tính điểm dựa trên hồ sơ và hàng năm kể từ 2016, Giải thưởng Publons Peer Review Awards được trao cho những nhà bình duyệt xuất sắc nhất.
Theo cơ sở dữ liệu Publons, nhà bình duyệt năng suất nhất của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với 77 báo cáo phản biện/năm. Trong khi đó, của Indonesia là 369 bài, Singapore là 196 bài và Thái Lan 178 bài. Bảng 1 liệt kê số nhà bình duyệt khoa học người Việt Nam, trong đó có 5 người đến từ các trường đại học trong nước.
Bảng 1. Trong số 25 nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc top 1% của 23 ngành được trao giải Publons Peer Review Awards 2018, có 5 người đang làm việc trong nước[1].
Theo bảng 1, ngành kỹ thuật và khoa học máy tính của chúng ta có số nhà khoa học tham gia bình duyệt nhiều hơn cả. Một số gương mặt tiêu biểu có thể kể đến như nhà nghiên cứu trẻ Dương Minh Quân (Politecnico Di Milano và Đại học Đà Nẵng) và Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đạt Top Reviewers 2 năm liên tiếp (2017, 2018).
Cần thêm thời gian để trở nên quen thuộc với đại chúng
Đối với giới khoa học quốc tế, sự ra đời của Publons và giải thưởng như Publons Peer Review Awards, cùng với lời kêu gọi open-access trong xuất bản học thuật dự báo sẽ mở ra một thời kỳ mới trong khoa học. Trong khi đó, tại Việt Nam, công bố quốc tế và nghiên cứu khoa học vẫn còn là các khái niệm đang được cập nhật với các tiêu chuẩn toàn cầu. Vì thế, bình duyệt khoa học, và ngay cả nghiên cứu khoa học, chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để trở nên quen thuộc với đại chúng. Việc hiểu thêm về công việc của các nhà nghiên cứu chính là bước đầu để xã hội nói chung và giới học thuật có thể tìm thấy điểm giao thoa, tiến tới học hỏi, hỗ trợ hay hợp tác.
[1]https://sc.sshpa.com/post/4291