Đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ
Trên tinh thần chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN có tính khả thi cao; không chồng chéo; giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa việc hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, Nghị định 13/2019/NĐ-CP đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện, thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN... Trong đó tại Điều 3 của Nghị định, các yếu tố xác định kết quả KH&CN được mở rộng hơn so với trước, bao gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chương trình máy tính đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; giống mới về vật nuôi, cây trồng, thủy sản... đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt các giải thưởng về KH&CN; các kết quả KH&CN hoặc công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Hồ sơ đề nghị chứng nhận chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được cụ thể hóa theo chiều hướng thuận lợi hơn. Hồ sơ có thể nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu điện. Đặc biệt, thời gian cấp giấy chứng nhận từ 30 ngày giảm xuống còn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp. Trường hợp kết quả KH&CN có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cũng không quá 15 ngày làm việc.
Các nội dung khác như cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, thu hồi hay hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN... cũng được quy định cụ thể đối với từng trường hợp.
Nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN
Miễn, giảm nhiều loại thuế
Điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN dễ dàng hơn. Trước kia, để được hưởng ưu đãi loại thuế này, doanh nghiệp KH&CN cần phải có doanh thu của các sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả KH&CN trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên và năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu. Theo Nghị định mới, doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo với điều kiện doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Điều 13 của Nghị định cũng quy định: doanh nghiệp KH&CN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Sở KH&CN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ khi xác định diện tích đất được miễn, giảm cho mục đích KH&CN. Thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất và quản lý thuế.
Ưu đãi về tín dụng
Nếu trước kia, chính sách ưu đãi về tín dụng và một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác (chính sách hỗ trợ thương mại hóa, ưu đãi sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm...) đối với doanh nghiệp KH&CN bị đánh giá là còn chung chung, chưa có tiêu chí và mức hỗ trợ rõ ràng nên khó khăn khi triển khai, áp dụng trong thực tiễn, thì tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP, các vấn đề này được thể hiện rõ ràng, cụ thể và thuận lợi hơn.
Đối với ưu đãi tín dụng, Điều 14 của Nghị định nêu rõ: các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Doanh nghiệp KH&CN thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng kết quả KH&CN, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn. Đối với doanh nghiệp KH&CN có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay. Đối với doanh nghiệp KH&CN có dự án KH&CN khả thi được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc bảo lãnh để vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quy định quy chế cho vay, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp KH&CN tiếp cận. Doanh nghiệp KH&CN đáp ứng tiêu chí hỗ trợ của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quỹ xem xét, cấp bảo lãnh tín dụng để vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định của pháp luật.
Hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN
Vấn đề này được quy định chi tiết tại Điều 16 của Nghị định: Doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp KH&CN được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Trong trường hợp phát sinh chi phí mua nguyên vật liệu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, doanh nghiệp chi trả các khoản chi phí phát sinh cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu KH&CN của Nhà nước. Doanh nghiệp KH&CN được sử dụng Quỹ phát KH&CN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của Nhà nước. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định của Nhà nước về dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ.
Doanh nghiệp KH&CN được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ. Các bộ, cơ quan ngang bộ ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN trong trường hợp sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nhóm 2 khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp KH&CN ứng dụng và đổi mới công nghệ: doanh nghiệp KH&CN đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại cho vay. Doanh nghiệp KH&CN tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó. Doanh nghiệp KH&CN có thành tích trong hoạt động KH&CN, thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được vinh danh, khen thưởng...
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, khi các chính sách mới này được thực hiện sẽ tạo tác động tích cực và lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng, từ đó góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam mạnh lên cả về số lượng và chất lượng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2019), Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN.
2. Trần Xuân Đích, Đào Quang Thủy, Trương Thị Hoài, Dương Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Thơ (2017), “Những điểm mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về doanh nghiệp KH&CN”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 7, tr.15-18.