Thứ tư, 13/11/2024 16:23

Phương pháp mới khiến tế bào ung thư dễ tổn thương hơn với hệ miễn dịch

Các nhà khoa học đến từ Trường Y, Đại học Washington ở St. Louis (Hoa Kỳ) đã phát triển một phương pháp có thể khiến các tế bào glioblastoma (u nguyên bào thần kinh đệm - loại u não nguyên phát phổ biến và nguy hiểm nhất ở người lớn) trở nên dễ bị tổn thương hơn với hệ miễn dịch. Kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Nature Genetics mới đây.

Ngay cả khi được điều trị bằng các liệu pháp tiên tiến nhất, bệnh nhân mắc glioblastoma thường chỉ sống được dưới 2 năm sau khi được chẩn đoán. Những nỗ lực điều trị căn bệnh này bằng các liệu pháp miễn dịch tiên tiến nhất đã không thành công, nguyên nhân có thể là do các tế bào glioblastoma không phải là mục tiêu tự nhiên mà hệ miễn dịch tấn công.

Glioblastoma - loại u não nguyên phát phổ biến và nguy hiểm nhất ở người lớn (nguồn: internet).

Trong một nghiên cứu dựa trên tế bào, các nhà khoa học tại Trường Y, Đại học Washington đã buộc các tế bào glioblastoma “hiển thị” để trở thành mục tiêu của hệ miễn dịch. TS Ting Wang - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, đối với những bệnh nhân có khối u không tự nhiên sản sinh ra các mục tiêu cho liệu pháp miễn dịch, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra cách để tạo ra chúng. Nói cách khác, khi hệ miễn dịch không có mục tiêu, thì các nhà khoa học có thể tạo ra một mục tiêu cho chúng. Đây là một cách thiết kế liệu pháp nhắm mục tiêu và chính xác cho ung thư hoàn toàn mới. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong tương lai gần sẽ có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, nơi liệu pháp miễn dịch có thể được kết hợp với phương pháp mới để cung cấp các phương hướng điều trị mới cho những bệnh nhân mắc các loại ung thư khó điều trị.

Theo TS Ting Wang, trong những năm gần đây, các yếu tố chuyển vị nổi lên như một con dao hai lưỡi trong ung thư. Nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tận dụng thực tế các yếu tố chuyển vị có thể tự nhiên khiến khối u sản xuất ra các protein ngẫu nhiên độc nhất đối với khối u và không có trong các tế bào bình thường - gọi là kháng nguyên khối u hoặc neoantigen. Các protein bất thường này có thể là mục tiêu cho các liệu pháp miễn dịch, chẳng hạn như các chất ức chế điểm kiểm soát kháng thể, vắc-xin và các liệu pháp tế bào T được thiết kế. Tuy nhiên, một số khối u (bao gồm cả glioblastoma), có rất ít mục tiêu miễn dịch được sản sinh tự nhiên bởi các yếu tố chuyển vị. Để giải quyết vấn đề này, TS Ting Wang và các cộng sự đã “cố tình” buộc các yếu tố chuyển vị sản sinh ra các mục tiêu của hệ miễn dịch trên các tế bào glioblastoma vốn không có chúng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng sự kết hợp của 2 loại thuốc ảnh hưởng đến bộ gen biểu sinh (epigenome) để kiểm soát gen nào được kích hoạt trong một tế bào và ở mức độ nào. Khi được điều trị bằng 2 loại thuốc liệu pháp epigenetic, các phân tử DNA bị nén chặt của các tế bào glioblastoma được mở ra, kích hoạt các yếu tố chuyển vị bắt đầu sản xuất các protein bất thường (2 loại thuốc này là decitabine và panobinostat).

Trước khi nghiên cứu chiến lược này được thực hiện trên người, các nhà nghiên cứu đang tìm cách nhắm mục tiêu liệu pháp epigenetic để chỉ các tế bào khối u được kích thích tạo neoantigen. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học cảnh báo rằng, các tế bào bình thường cũng tạo ra các mục tiêu khi tiếp xúc với 2 loại thuốc này. Mặc dù các tế bào bình thường không tạo ra nhiều neoantigen như các tế bào glioblastoma, nhóm nghiên cứu cho biết vẫn có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ không mong muốn nếu các tế bào bình thường cũng trở thành các mục tiêu.

TS Albert H. Kim - Giám đốc Trung tâm U não Đại học Washington ở St. Louis cho biết, liệu pháp miễn dịch này đã cách mạng hóa việc điều trị một số loại ung thư cụ thể, chẳng hạn như ung thư hắc tố. Với những tiến bộ gần đây trong các liệu pháp miễn dịch và liệu pháp epigenetic có thể được sử dụng kết hợp, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng họ đang đi đúng hướng để mang tới sự thay đổi mang tính cách mạng trong điều trị glioblastoma nói riêng và ung thư nói chung.

Xuân Bình (theo Science Daily)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)