Thứ hai, 10/09/2018 23:28

Cần những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy khai thác, thương mại hóa sáng chế

TS Nguyễn Hữu Xuyên

 

Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

 

Sáng chế được khai thác và thương mại hiệu quả sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp, đồng thời kích thích và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Hiện nay, sáng chế đã trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị kinh tế cao, là công cụ để doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế của Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), các doanh nghiệp, nhà sáng chế và nhà đầu tư. Kết quả phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc khai thác, thương mại hóa sáng chế ở nước ta cho thấy, để thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới cần phải có những giải pháp đồng bộ.

 

Những “nút thắt” trong khai thác, thương mại hóa sáng chế

Trong thời gian qua, hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các ưu đãi để thúc đẩy hoạt động này đã được luật hóa dưới dạng văn bản pháp luật, được thể hiện dưới hình thức tài trợ, hỗ trợ, ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ đào tạo, đánh giá, định giá sáng chế, hợp tác công tư... Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thị trường KH&CN phát triển, trong đó có thị trường sáng chế đã dần được hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo... Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KH&CN công lập (các viện nghiên cứu, trường đại học...) trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu; đồng thời bước đầu đã hình thành được cơ sở dữ liệu về sáng chế, giải pháp hữu ích, đã làm rõ phạm vi, thủ tục, quy trình về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền chuyển giao sáng chế... Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế ở nước ta. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế ở nước ta vẫn còn không ít khó khăn và hạn chế.

            Thứ nhất, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách riêng biệt về khai thác và thương mại hóa sáng chế. Các chính sách mới chỉ được lồng ghép trong các văn bản pháp luật và trong các chương trình, dự án, đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các ưu đãi cho khai thác, thương mại hóa sáng chế chưa nhận được sự quan tâm cao của doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà đầu tư; đồng thời Nhà nước chưa thực sự khẳng định được vai trò của mình trong việc thúc đẩy khai thác, thương mại hóa sáng chế. Các thủ tục, quy trình để nhận ưu đãi trong quá trình khai thác, thương mại hóa được doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sáng chế đánh giá còn rườm rà, độ trễ của chính sách còn lớn, mức được hưởng ưu đãi chưa cao, quá trình hoạch định, tổ chức thực thi và kiểm soát chính sách ưu đãi còn có hạn chế nhất định, chưa đồng bộ nên chưa tạo được động lực tốt cho hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế. Việc hỗ trợ, kết nối, hợp tác và liên kết giữa nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà đầu tư để đưa sáng chế vào sản xuất, kinh doanh chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

            Thứ hai, mặc dù hoạt động đăng ký, khai thác và thương mại hóa sáng chế, giải pháp hữu ích có xu hướng tăng trong những năm vừa qua, nhưng chất lượng, số lượng các sáng chế của người Việt còn khiêm tốn, phần lớn các sáng chế mới chỉ giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất đơn lẻ, nhiều sáng chế được bảo hộ không phục vụ cho mục đích khai thác, thương mại mà để ngăn ngừa các đối thủ cạnh tranh trong ngành nên hiệu quả mang lại chưa cao. Cụ thể, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 5.382 đơn sáng chế, tăng 1,1% so với năm 2016 (chủ đơn là người Việt Nam và nước ngoài), trong đó số bằng sáng chế được cấp cho người Việt tăng khoảng 30,3% so với năm 2016 (năm 2016, có 76 bằng được cấp). Tuy nhiên, so với một số quốc gia, số bằng sáng chế của người Việt được cấp còn rất khiêm tốn, chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/30 Singapore, 1/1.240 của Hàn Quốc và 1/3.170 của Trung Quốc. Hơn nữa, số lượng bằng sáng chế được đăng ký bởi các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không đáng kể, bởi việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ còn rất hạn chế, trung bình khoảng 0,5-1,5%/doanh thu (ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn như Viettel). Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài thường có nhiều đăng ký sáng chế, bởi họ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ rất lớn. Ví dụ năm 2017, Sony dành khoảng 4 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ và được cấp khoảng 2.000 bằng sáng chế; IBM được cấp hơn 9.000 bằng sáng chế; Canon có hơn 3.200 bằng sáng chế được cấp; Intel được cấp hơn 3.000 bằng sáng chế; Samsung Electronics được cấp hơn 5.000 bằng và Samsung Display được cấp hơn 2.200 bằng sáng chế. Đặc biệt, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã nộp tới 64.091 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc và 48.758 hồ sơ ở bên ngoài Trung Quốc, trong đó có tổng cộng 74.307 bằng sáng chế đã được cấp cho Tập đoàn này năm 2017.

            Thứ ba, hoạt động phân tích thị trường để từ đó xác định được số lượng, phân khúc thị trường mục tiêu đối với sản phẩm do sáng chế, công nghệ tạo ra (để trả lời câu hỏi bán cho ai, bán như thế nào, bán ở đâu, giá bán như thế nào là hợp lý?); đồng thời hoạt động phân tích, xác định sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới, tiềm năng, sự đe dọa từ các sản phẩm, dịch vụ thay thế, vị thế của người mua, vị thế của các nhà cung cấp các yếu tố đầu vào và các đối thủ cạnh tranh hiện có trong ngành còn hạn chế. Đặc biệt, trong quá trình khai thác, thương mại hóa sáng chế, các nhà sáng chế, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khó khăn về vốn, nhân lực có trình độ cao, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin để đánh giá, định giá sáng chế, khó khăn trọng việc lựa chọn hình thức phân chia lợi ích và trong việc giải mã, đưa sáng chế thành công nghệ, sản phẩm cụ thể. Thực tế cho thấy, để khai thác, thương mại hóa sáng chế thì thị trường sáng chế cần phải phát triển. Tuy nhiên trong thời gian qua, thị trường sáng chế của Việt Nam chưa thực sự phát triển, nguồn cung sáng chế còn ít, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào hoạt động đầu tư, khai thác, thương mại hóa sáng chế còn chưa đáng kể; các tổ chức trung gian như các sàn giao dịch sáng chế, các tổ chức tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao sáng chế, đánh giá, định giá sáng chế còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng nên chưa thực sự thể hiện được vai trò cốt lõi của mình.

Giải pháp tháo gỡ

Từ những kết phân tích ở trên, để thúc đẩy hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế ở nước ta trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tạo lập hàng lang pháp lý thuận lợi hơn nữa, hướng tới doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà đầu tư trong hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế. Đơn giản hóa các thủ tục, quy trình để nhận được các tài trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo cho doanh nghiệp, nhà sáng chế; tạo điều kiện và hỗ trợ nhà sáng chế, doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chương trình có liên quan tới khai thác sáng chế như Chương trình phát triển tài sản sản trí tuệ (Chương trình 68), Chương trình phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075), Chương trình phát triển công nghệ cao (Chương trình 2457), Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng (Chương trình 712). Ban hành và tổ chức thực thi có hiệu quả Chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó nhấn mạnh khai thác thông tin sáng chế, thương mại hóa sáng chế là công cụ quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm mới, quy trình mới theo từng giai đoạn cụ thể để góp phần nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, trong quá trình khai thác và thương mại hóa sáng chế, Nhà nước cần nâng cao, khẳng định vai trò của mình trong hoạt động hỗ trợ, điều phối, kích thích, tạo động lực thông qua hệ thống pháp luật, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, hướng tới doanh nghiệp, nhà sáng chế và nhà đầu tư. Đặc biệt, cần hình thành các cụm liên kết thông qua các chính sách khuyến khích, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN, góp phần hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm sáng tạo.

Hai là, đẩy nhanh việc hỗ trợ về thủ tục, quy trình cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, các trường đại học, viện nghiên cứu, đặc biệt là các nhà sáng chế không chuyên đăng ký và xác lập quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để hình thành nguồn cung sáng chế, như hỗ trợ tra cứu tài liệu kỹ thuật có liên quan, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế, hỗ trợ lập bản mô tả sáng chế, tờ khai và hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế. Để làm tốt điều này, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp hoặc giúp các trường đại học, viện nghiên cứu thành lập mạng lưới sở hữu trí tuệ để tư vấn cho các nhà khoa học xác định kết quả nghiên cứu của mình có thể đăng ký và thương mại hóa hay không? Đối với các đề tài, dự án trong lĩnh vực tự nhiên và kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, ngoài các sản phẩm như bài báo, sản phẩm thử nghiệm thì cần thiết phải bổ sung sản phẩm đầu ra là các đăng ký để xin cấp bằng bảo hộ sáng chế. Hơn nữa, hàng năm các tổ chức KH&CN sử dụng vốn ngân sách để thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu cần phải có trách nhiệm báo cáo về kết quả của đề tài, dự án sau nghiệm thu. Từ đó sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về triển vọng đăng ký sáng chế, về tình trạng kỹ thuật và khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đây là nguồn thông tin quan trọng để có thể gia tăng được nguồn sáng chế trong tương lai.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin KH&CN tiên tiến, thông tin thị trường, thúc đẩy hình thành bộ phận nghiên cứu và triển khai công nghệ trong doanh nghiệp, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình dựa vào khai thác tài sản trí tuệ, giúp doanh nghiệp giải quyết, ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, tiếp thu và làm chủ công nghệ; đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội và điều kiện để tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn sáng chế phù hợp phục vụ cho hoạt động khai thác và thương mại hóa.

Bốn là, hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức trung gian như các sàn giao dịch sáng chế, công nghệ, các tổ chức tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ để thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu về sáng chế. Đến nay, Việt Nam đang rất thiếu các tổ chức trung gian này để có thể hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp và ngược lại các tổ chức nghiên cứu có thể nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp trong việc khai thác, thương mại hóa sáng chế để có định hướng nghiên cứu phù hợp. Do vậy, cần thiết phải xây dựng tiêu chí phù hợp để hỗ trợ thành lập và phát triển các tổ chức trung gian về sáng chế, đồng thời cần hỗ trợ các tổ chức trung gian mở rộng, tăng cường và nâng cao năng lực tổ chức các hội chợ công nghệ, các hoạt động kết nối cung - cầu về sáng chế trên nhiều địa bàn trong phạm vi cả nước một cách hiệu quả; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch, mua bán sáng chế, công nghệ. Ngoài ra, nên mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia đối với hoạt động nghiên cứu, khai thác, giải mã, tái lập, mô phỏng và thương mại hóa sáng chế thông qua các tổ chức trung gian về sáng chế.

Năm là, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sáng chế, xây dựng bản đồ sáng chế, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu sáng chế, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ năng tra cứu và khai thác sáng chế cho doanh nghiệp. Hơn nữa, cần rà soát lại quy định về chính sách sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa cơ chế, phương thức phân chia lợi ích theo hướng lấy hoạt động khai thác và đưa sáng chế vào sản xuất, kinh doanh làm trọng tâm. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng công nghệ, xây dựng quy chế liên kết, hợp tác đối với việc sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm, qua đó góp phần hỗ trợ hoạt động mô phỏng, tái lập sáng chế phục vụ cho hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ KH&CN (2016), KH&CN Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

2. Cục Sở hữu trí tuệ (2017), Báo cáo hoạt động sở hữu trí tuệ.

3. Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2017), KH&CN thế giới - Kỹ năng cho đổi mới sáng tạo, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

4. Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh (2017), Năng lực sáng tạo trên thế giới năm 2016.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Số lượng bằng sáng chế của Việt Nam bằng một phần nghìn của Hàn Quốc, Trung Quốc, http://vcci.com.vn/so-luong-bang-sang-che-cua-viet-nam-chi-bang-mot-phan-nghin-cua-han-quoc-trung-quoc.

6. Nguyen Thi Lan Huong, Nguyen Huu Xuyen (2018), “Renewing the Model of Vietnam's Economic Growth Based on Science, Technology and Innovation in the Context of the Fourth Industrial Revolution”, Journal of Business and Management, 20(3), pp.59-64.

7. Nguyễn Hữu Xuyên, Trịnh Minh Tâm (2017), Khai thác sáng chế và Đổi mới sáng tạo, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

8. IFI Claims Patent Service (2017), Patent Rankings and Trends, https://www.ificlaims.com/rankings.htm.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)