Thứ năm, 03/10/2024 15:21

Mối liên quan giữa nước ngọt, nước trái cây và cà phê đến nguy cơ đột quỵ

Theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí Journal of Stroke và Tạp chí International Journal of Stroke, uống nhiều nước ngọt có ga, nước trái cây thương mại thường xuyên hay uống hơn 4 tách cà phê/ngày làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Nghiên cứu do Đại học Galway (Ireland) và Đại học McMaster (Canada) đồng thực hiện cùng mạng lưới nghiên cứu quốc tế về đột quỵ. Kết quả dựa trên 2 phân tích của Dự án nghiên cứu INTERSTROKE, trong đó một phân tích về tác động của nước ngọt có ga, nước trái cây thương mại và nước lọc được công bố trên Tạp chí Journal of Stroke và phân tích về cà phê, trà trên Tạp chí International Journal of Stroke.

Cần hạn chế tiêu thụ các sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Kết quả chính của nghiên cứu thứ nhất về nước ngọt và nước trái cây cho thấy: uống nước ngọt, bao gồm cả loại có đường và không đường (như diet hoặc zero), làm tăng 22% nguy cơ đột quỵ, đặc biệt khi uống từ 2 ly trở lên mỗi ngày; nguy cơ đột quỵ cao nhất khi uống nước ngọt xảy ra ở các khu vực Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ; nhiều loại nước trái cây thương mại được làm từ nước ép cô đặc, thêm đường và chất bảo quản, làm tăng nguy cơ đột quỵ thay vì mang lại lợi ích như trái cây tươi; uống nước trái cây làm tăng 37% nguy cơ đột quỵ do chảy máu não (xuất huyết nội sọ), uống 2 ly mỗi ngày, nguy cơ này tăng gấp 3 lần; phụ nữ có nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não cao hơn khi tiêu thụ nước trái cây thường xuyên; uống hơn 7 cốc nước lọc mỗi ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu.

Kết quả chính của nghiên cứu thứ hai về cà phê và trà cho thấy: uống hơn 4 tách cà phê/ngày làm tăng 37% nguy cơ đột quỵ, nhưng lượng ít hơn thì không có nguy cơ đáng kể; uống trà giúp giảm 18-20% nguy cơ đột quỵ; uống 3-4 tách trà đen mỗi ngày (như trà Breakfast, Earl Grey) giúp giảm 29% nguy cơ đột quỵ và trong khi trà xanh giảm 27%; thêm sữa vào trà có thể làm mất tác dụng có lợi của chất chống ôxy hóa, dẫn đến không giảm nguy cơ đột quỵ; có sự khác biệt về công dụng của trà theo khu vực: trà giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở Trung Quốc và Nam Mỹ, nhưng lại tăng nguy cơ ở Nam Á.

Từ những kết quả nghiên cứu, Giáo sư Andrew Smyth - trưởng nhóm nghiên cứu khuyến nghị, nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ nước ngọt và nước trái cây có đường, thay vào đó nên uống nước lọc để giảm nguy cơ đột quỵ. Thêm vào đó, những thói quen sống lành mạnh về ăn uống và vận động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ đột quỵ.

TXB (theo University of Galway)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)