Osteosarcoma là dạng ung thư xương phổ biến nhất và phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật để loại bỏ khối u, sau đó là hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại. Tuy nhiên, ung thư thường tái phát tại vị trí cũ và khi tái phát, tiên lượng thường không khả quan.
Các nhà khoa học tại Đại học Aston (Anh) đã phát triển một phương pháp điều trị osteosarcoma mới dựa trên vật liệu thủy tinh hoạt tính sinh học (gồm các hạt nano thủy tinh kết hợp với kim loại) cho thấy tiềm năng lớn trong việc cấy ghép xương. Trong nghiên cứu này, kim loại được sử dụng là gali - một kim loại độc hại cho tế bào. Việc đưa gali vào xương nghe có vẻ không hay, nhưng ion gali có thể xâm nhập vào tế bào qua một loại thụ thể, thụ thể này tăng cao đáng kể trong tế bào ung thư. Điều này có nghĩa là các tế bào ung thư “háu đói” sẽ hấp thụ gali trước khi các tế bào xương khỏe mạnh có thể tiếp cận nó.
Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy các tế bào xương khỏe mạnh cùng với các tế bào ung thư xương, sau đó điều trị bằng thủy tinh hoạt tính sinh học chứa gali. Kết quả là, ở nồng độ 5% gali oxit, loại thủy tinh này đã tiêu diệt 99% tế bào ung thư xương sau 10 ngày, mà không gây hại cho tế bào xương khỏe mạnh. Thủy tinh hoạt tính sinh học này cũng cho thấy tiềm năng trong việc tái tạo xương. Khi ủ trong dung dịch mô phỏng dịch cơ thể, xương mới bắt đầu hình thành sau 1 tuần.
Giáo sư Richard Martin - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, khi quan sát các hạt thủy tinh, nhóm nghiên cứu phát hiện sự hình thành một lớp canxi photphat vô định hình và hydroxy apatite trên bề mặt các hạt thủy tinh hoạt tính sinh học dẫn đến sự phát triển của xương. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, có vẻ như việc thêm gali oxit ở nồng độ cần thiết để tiêu diệt tế bào ung thư cũng ức chế sự tái tạo của tế bào xương khỏe mạnh. Nhưng theo nhóm tác giả, thách thức này có thể được khắc phục bằng các nghiên cứu tiếp theo trên động vật.
Tiến sỹ Lucas Souza - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, sự an toàn và hiệu quả của các vật liệu sinh học này còn cần được kiểm tra thêm, nhưng những kết quả ban đầu thực sự rất hứa hẹn. Bước tiếp theo, công việc của nhóm nghiên cứu sẽ tập trung theo 2 hướng: Thử nghiệm khả năng chống ung thư của vật liệu này trên các tế bào ung thư di căn đến xương và phát triển một loại bột nhão tiêm ít xâm lấn để điều trị ung thư xương.
Xuân Bình (theo Newatlas)