Thứ hai, 23/09/2024 16:40

Tăng cường sức mạnh cho tế bào chống chọi với ung thư

Tế bào T là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại ung thư, nhưng cuộc chiến này thường khiến chúng “kiệt sức”. Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra cách để cung cấp thêm “năng lượng” cho tế bào này giúp chúng “chiến đấu” lâu hơn. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Cell.

Cung cấp thêm “pin” cho tế bào miễn dịch giúp chúng chống ung thư hiệu quả hơn.

Trong một cuộc chiến công bằng, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt tế bào ung thư mỗi khi chúng xuất hiện - nhưng căn bệnh này không “chơi” công bằng. Ngoài việc có nhiều cách để tránh bị phát hiện, các khối u còn tạo ra môi trường vi mô độc hại xung quanh chúng, khiến các tế bào miễn dịch mất năng lượng. Việc phản ứng miễn dịch kéo dài với tác nhân gây bệnh có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức của tế bào T. Chính vì vậy, việc tìm cách “siêu nạp” để hệ miễn dịch tiếp tục "chiến đấu" là mục tiêu chính của liệu pháp miễn dịch. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Brigham and Women’s (Hoa Kỳ) đã tìm ra cách để làm mới tế bào T bằng cách thay thế “pin” của chúng.

Ty thể là các bào quan có nhiệm vụ sản xuất năng lượng cho tế bào, nhưng trong quá trình tế bào T kiệt sức, các “pin nhỏ” này có thể bị mất hoặc hỏng. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các tế bào ung thư có thể sử dụng các “ống nano” như những chiếc xúc tu nhỏ để hút ty thể từ tế bào miễn dịch. Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, họ có thể sử dụng cơ chế tương tự để làm điều ngược lại là truyền ty thể mới vào tế bào T từ tế bào mô đệm tủy xương (BMSCs).

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi cấy tế bào BMSCs và tế bào T cùng nhau. Sau 48 giờ, họ phát hiện ra rằng, có đến 1/4 tế bào T đã nhận được thêm ty thể. Các nhà khoa học gọi những tế bào miễn dịch được tăng cường này là Mito+.

Trong các thử nghiệm trên chuột, tế bào Mito+ dễ dàng thâm nhập vào khối u và tấn công mạnh mẽ hơn. Các khối u co lại đáng kể và 75% số chuột được điều trị sống sót qua toàn bộ giai đoạn nghiên cứu 60 ngày. Ngược lại, những con chuột trong nhóm đối chứng có khối u tiếp tục phát triển và tất cả đều không thể sống sót sau 20 ngày. Điều thú vị là các tế bào Mito+ có khả năng nhân đôi nhanh chóng và truyền ty thể thêm cho các tế bào mới. Các loại tế bào miễn dịch khác như tế bào lympho và CAR-T cũng cho thấy khả năng tiêu diệt ung thư được cải thiện sau khi nhận thêm ty thể.

Shiladitya Sengupta - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, những tế bào T siêu nạp này đã vượt qua một trong những rào cản cơ bản của liệu pháp miễn dịch bằng cách thâm nhập và vượt qua trạng thái “bất khả xâm phạm” của khối u. Từ đó, ty thể cung cấp nhiên liệu cho các tế bào miễn dịch. Nó giống như việc đưa tế bào T đến trạm xăng và nạp năng lượng. Việc cấy ghép ty thể này là sự khởi đầu của liệu pháp nội quan - nơi mà một bào quan được đưa vào tế bào để làm cho nó hiệu quả hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong tương lai, tế bào BMSCs có thể được lấy từ chính bệnh nhân và dùng để tăng cường sức mạnh cho các tế bào miễn dịch của họ, sau đó đưa lại vào cơ thể để “chiến đấu” với ung thư hiệu quả hơn.

Xuân Bình (theo Newatlas)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)