Thứ sáu, 20/09/2024 14:59

Quản lý công bố khoa học và công nghệ Việt Nam: Tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế

TS Trần Đắc Hiến

Kiều Thị Lệ Thu

Trần Thị Hải Yến

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Thời gian qua, số lượng bài báo khoa học của Việt Nam (sau đây gọi chung là “công bố khoa học”) trên các tạp chí trong và ngoài nước gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu trên những tạp chí nằm trong các cơ sở dữ liệu (CSDL) trích dẫn uy tín như Web of Science, Scopus... Điều này thể hiện sự nỗ lực, năng lực khoa học cũng như năng suất nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong việc tham gia phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia.

Ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu trên những tạp chí nằm trong các cơ sở dữ liệu quốc tế.

Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học trong nước

Những năm gần đây, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí cả ở trong và ngoài nước có sự gia tăng mạnh mẽ. Trung bình mỗi năm các nhà khoa học Việt Nam công bố gần 40.000 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, với tỷ lệ công bố trong nước và quốc tế gần tương đương nhau. Số lượng công bố khoa học của Việt Nam gia tăng nhanh chóng do một số nguyên nhân chính: Số lượng nhân lực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tăng liên tục trong 10 năm trở lại đây, từ 134.780 người trong năm 2012 tăng lên 187.298 người trong năm 20221; yêu cầu về bài báo quốc tế đối với ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; yêu cầu về bài báo quốc tế trong sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và một số cơ sở giáo dục đại học tài trợ... Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã được tiếp cận, tham khảo trực tiếp nhiều nguồn tài nguyên thông tin khoa học và công nghệ điện tử có giá trị, đặc biệt là các CSDL học thuật hàng đầu thế giới như Science Direct, Spinger Nature, Proquest, ACS, InCites, IEEE… do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn trong nước cấp quyền truy cập và khai thác.

TT

Tên tạp chí

Đơn vị chủ quản

Phạm vi xuất bản

Nhà xuất bản

CSDL được chỉ mục

1

Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES

Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH)

Kinh doanh, Kinh tế

Emerald

Scopus, ESCI

2

Biomedical Research and Therapy

Đại học Quốc gia TP HCM

Y sinh

Biomedpress

Scopus, ESCI

3

Progress in Stem Cell

Đại học Quốc gia TP HCM

Y sinh

Biomedpress

Scopus, ESCI

4

Journal of Information and Telecommunication

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Viễn thông, Công nghệ thông tin

Taylors and Francis

Scopus, ESCI

5

VNU Journal of Science: Advanced Materials and Devices

Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoa học vật liệu

Elseviers

Scopus, ESCI

6

Vietnam Journal of Computer Science

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Khoa học máy tính

World Scientific Publishing

Scopus

7

Acta Mathematica Vietnamica

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Toán

Spriger

Scopus, ESCI

8

Vietnam Journal of Mathematics

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Toán

Spriger

Scopus, ESCI

9

Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology

Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam

Khoa học và công nghệ nano

IOP Science

Scopus, ESCI

10

EAI Endorsed Transactions on Industrial Networks and Intelligent Systems

Trường Đại học Duy Tân

Khoa học máy tính

European Union Digital Library

Scopus

11

Vietnam Journal of Earth Sciences

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Khoa học Trái đất, Khoa học môi trường

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Scopus

12

Vietnam Journal of Science and Technology

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Hóa học, Khoa học môi trường

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Scopus

13

Vietnam Journal of Chemistry

Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam

Hóa học

Wiley-Black

Scopus, ESCI

14

International Journal of Knowledge and System Science

Trường Đại học Duy Tân

Khoa học Hệ thống và Tri thức

IGI Global Publishing

Scopus, ESCI

Danh mục 14 tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science2.

Việt Nam hiện nay đang có trên 400 tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình khoa học ở 28 ngành và liên ngành. Một số tạp chí đã có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế về xuất bản khoa học. Tuy nhiên đến tháng 7/2024, Việt Nam mới chỉ có 14 tạp chí khoa học trong nước được chỉ mục trên Scopus và Web of Science, 37 tạp chí nằm trong CSDL Đông Nam Á (ACI). Con số này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (như Indonesia, Singapore, Malaysia…). Tổng số các công bố khoa học của Việt Nam đăng tải trên các tạp chí khoa học khoảng 40.000 bài/năm, trong đó có khoảng trên 19.000 bài có địa chỉ Việt Nam gửi đăng trên các tạp chí Web of Science, Scopus của các nước khác. Nhưng ngược lại, có rất ít nghiên cứu khoa học từ nước ngoài gửi đến các tạp chí khoa học của Việt Nam. Điều đó cho thấy, nhu cầu công bố và khả năng đáp ứng của các tạp chí trong nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng. Số lượng tạp chí của Việt Nam thuộc Scopus ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Công bố khoa học trong nước hiện nay chủ yếu được xuất bản bởi các tạp chí đang hoạt động như một cơ quan báo chí, trực thuộc cơ quan chủ quản là các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các hội… Việc quản lý và đánh giá chất lượng các công bố khoa học của các tạp chí này gặp rất nhiều khó khăn, dễ rơi vào chủ quan cảm tính do không có phương pháp và công cụ thống nhất để đo lường. Bên cạnh đó, cộng đồng khoa học cũng chưa thống nhất một chuẩn mực đánh giá áp dụng cho công bố khoa học ở tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các công bố khoa học.

Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới cho thấy, công bố khoa học được xuất bản bởi hầu hết bởi các nhà xuất bản; tuân theo quy định, quy trình chặt chẽ để bảo đảm tính khách quan và chất lượng của công trình xuất bản. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố khoa học với tư cách là sản phẩm tri thức, đóng vai trò quan trọng. Các thống kê số liệu về công bố khoa học trên các tạp chí uy tín và chỉ số trích dẫn là thước đo quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá khả năng chuyên môn, thành tích, năng suất nghiên cứu của các nhà khoa học; phục vụ xếp hạng các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu cũng như cá nhân nhà khoa học; đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan tài trợ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Không chỉ số lượng, chất lượng của các công bố khoa học cũng rất được quan tâm và chú trọng. Chất lượng của công bố khoa học thường được sử dụng hai tiêu chí chính để đánh giá, đó là hệ số ảnh hưởng impact factor (số lần trích dẫn hay tham khảo trung bình các bài báo mà tạp chí đã công bố hai năm trước, yếu tố này chủ yếu phản ánh uy tín của tạp chí) và số lần trích dẫn citation index (số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo mà nhà khoa học đã công bố).

Ở nước ta hiện nay, do chưa có công cụ đo lường hệ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học hoặc các công cụ đo lường, phân tích về chất lượng các công bố khoa học nên chưa đánh giá khách quan được chất lượng các bài báo. Do đó, cũng chưa đánh giá được uy tín của các nhà khoa học cũng như các tạp chí, các tổ chức khoa học và công nghệ. Thực tế này còn dẫn đến khó khăn trong việc so sánh “sản lượng nghiên cứu” với các nước khác trong khu vực. Hiện tại công bố quốc tế của Việt Nam chỉ mới so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua hệ thống CSDL khoa học Web of Science hoặc Scopus. Cũng vì các lí do nêu trên, không ít tạp chí khoa học chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình xuất bản bài báo khoa học để bảo đảm chất lượng của bài báo, thậm chí một số tạp chí không thực hiện việc phản biện độc lập. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng giữa bài báo có chất lượng, hàm lượng khoa học cao, được nghiên cứu công phu, nghiêm túc với bài được viết đại khái, thậm chí cẩu thả, không có hàm lượng hoặc hàm lượng khoa học rất thấp. Tồn tại đó chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý, khắc phục vì thiếu vắng quy định pháp luật để kiểm soát và quản lý hoạt động này.

Vì vậy, tăng cường quản lý để nâng cao chất lượng công bố khoa học của các tạp chí khoa học trong nước, giúp các tạp chí khẳng định uy tín trong cộng đồng học thuật vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với hoạt động xuất bản công bố khoa học ở nước ta. Đồng thời, thông qua hoạt động này cũng góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Để thực hiện điều đó, ngoài các cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ hiện hành, cần thiết phải ban hành quy định về quản lý công bố khoa học nhằm “khắc phục khoảng trống pháp lý”, thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản công bố khoa học, bảo đảm công khai, minh bạch, liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, đưa hoạt động xuất bản công bố khoa học của Việt Nam tiếp cận và hội nhập với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đâu là giải pháp

Giải quyết tồn tại nêu trên, tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/06/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ “quản lý công bố khoa học và công nghệ trong nước”. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này theo hướng tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cần có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và quản lý thống nhất hoạt động công bố khoa học và công nghệ trong nước, trong đó quy định rõ quy trình xuất bản bài báo khoa học, nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc phải trải qua hệ thống bình duyệt, tức là phải được phản biện độc lập để bảo đảm tính khách quan, khoa học và chất lượng của bài báo theo quy định. Bài báo khoa học ngoài yêu cầu có nội dung khoa học còn phải được công bố trên một tạp chí khoa học đã qua hệ thống bình duyệt (peer-review) của tạp chí. Mỗi tạp chí cần có bản mô tả công khai về quy trình bình duyệt phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ xây dựng lộ trình chuyển đổi các tạp chí khoa học hiện nay sang tổ chức và hoạt động như một cơ quan chuyên môn về khoa học, không phải là cơ quan báo chí và chủ yếu được xuất bản bởi các nhà xuất bản.

Thứ hai, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học; hỗ trợ các tạp chí có chất lượng cao được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế uy tín ở khu vực và quốc tế như Scopus, Web of Science... Đồng thời, cùng với việc cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN, cần nghiên cứu để giao cho một cơ quan phù hợp làm đầu mối tư vấn, hỗ trợ việc cấp mã số DOI cho các tạp chí khoa học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý đối với các tạp chí này.

Thứ ba, cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn tạp chí khoa học Việt Nam, nhằm đánh giá chất lượng các công bố khoa học, uy tín của tạp chí khoa học, phục vụ xếp hạng đại học và tổ chức nghiên cứu; đồng thời hỗ trợ đối sánh chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học trong cùng lĩnh vực và so sánh tương đối giữa các lĩnh vực khoa học và công nghệ với nhau. Tại Điều 14 Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ có quy định “chỉ số trích dẫn trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế” là một nội dung của CSDL quốc gia về khoa học và công nghệ. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống CSDL trích dẫn tạp chí khoa học được chính thức công nhận ở phạm vi quốc gia. Do vậy, để thực hiện mục tiêu nêu trên cần sớm đầu tư xây dựng hệ thống CSDL trích dẫn khoa học Việt Nam, với đội ngũ nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết, cùng với nền tảng công nghệ thông tin và kỹ thuật hiện đại theo kinh nghiệm quốc tế; được hỗ trợ tài chính bền vững từ ngân sách nhà nước để bảo đảm hoạt động độc lập và minh bạch, không bị can thiệp hoặc chi phối bởi bất cứ tổ chức nào. Việc xây dựng hệ thống CSDL trích dẫn gắn liền với xây dựng CSDL công bố khoa học Việt Nam (bao gồm toàn bộ công bố khoa học trên các tạp chí khoa học của Việt Nam).

Thứ tư, chuẩn hóa các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật áp dụng đối với tạp chí khoa học; ban hành chuẩn mực đạo đức trong hoạt động xuất bản tạp chí khoa học. Cụ thể như: tạp chí khoa học phải có hội đồng biên tập gồm những người có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau; có hệ thống gửi bài, thực hiện quy trình phản biện và xuất bản trực tuyến; xuất bản định kỳ, bảo đảm không có sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong tiến độ xuất bản; định dạng bài viết phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; được cấp mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN; có trang web với đầy đủ thông tin công khai và cập nhật (bao gồm cả tuyên bố về liêm chính khoa học, đạo đức xuất bản cũng như phí xuất bản bài báo)... Đồng thời cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ xuất bản tạp chí khoa học, bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, khả thi và bình đẳng giữa các đơn vị thực hiện dịch vụ này, qua đó cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính và quản lý chất lượng đối với tạp chí khoa học, nhất là các tạp chí khoa học sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ năm, cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong nước theo quy định tại Khoản 8 Điều 50 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013. Khoản kinh phí này được bố trí trong dự toán nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc được bố trí riêng. Trên thực tế, để công bố khoa học trên các tạp chí của nước ngoài, hầu hết các tác giả phải trả một khoản kinh phí không nhỏ, nhưng nếu đăng trên tạp chí khoa học trong nước thì hầu như không mất phí hỗ trợ. Điều này cần được thay đổi theo kinh nghiệm quốc tế để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn của các tạp chí khoa học trong nước. Khi tạp chí khoa học trong nước đạt chất lượng quốc tế sẽ trở thành diễn đàn của giới khoa học thế giới… Khi đó, việc công bố khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ hạn chế “chuyển tiền ra nước ngoài”, đồng thời lại bổ sung được nguồn lực tài chính để tiếp tục nâng cao chất lượng của tạp chí khoa học trong nước.

*

*       *

Hiện nay, hoạt động xuất bản công bố khoa học và công nghệ trong nước đã và đang bộc lộ không ít bất cập, diễn biến tự phát, thiếu sự kiểm soát và quản lý của các cơ quan hữu quan, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các công bố khoa học, gây bức xúc cho các nhà khoa học chân chính. Do vậy cần thiết phải có quy phạm pháp luật để quản lý thống nhất hoạt động xuất bản công bố khoa học tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm khách quan, công bằng và đúng thực chất của các công bố khoa học; bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà khoa học chân chính, có tài năng, góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản công bố khoa học và công nghệ trong nước sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo diễn ra một cách lành mạnh, minh bạch và hiệu quả. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực then chốt, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã khẳng định.

 

 

[1]Kết quả điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện trong các năm 2012 và 2022.

[1]Thông tin từ dự án Thông tin khoa học giáo dục Adubiz.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)