Toàn cảnh buổi làm việc.
Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến 2030”, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ưu tiên đầu tư để bổ sung tập trung CSDL Science Direct cho Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia và 7 đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ và Đại học Thái Nguyên (nhóm 7+1).
Ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết: Thực hiện quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm được Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên để bổ sung tập trung các nguồn tin khoa học và công nghệ cốt lõi, có giá trị của nước ngoài, đặc biệt là CSDL Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier để phục vụ cộng đồng nghiên cứu và đào tạo trong nước tham khảo.
Nhờ được tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin có giá trị này, nên số lượng và chất lượng nghiên cứu của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt và có bước tiến quan trọng. Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia năm 2023 cho thấy, trong tổng số 187.200 cán bộ nghiên cứu của cả nước thì có hơn một nửa cán bộ làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học. Thống kê trên CSDL Scopus của Nhà xuất bản Elsevier cho thấy, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng hơn 3,3 lần trong 7 năm qua và tập trung chủ yếu ở các cơ sở giáo dục đại học quy mô lớn như các đại học quốc gia và đại học vùng.
CSDL Science Direct gồm hơn 2.200 tạp chí thuộc 23 lĩnh vực khoa học và công nghệ của 4 nhóm gồm: khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học sự sống, khoa học sức khỏe, khoa học xã hội và nhân văn. Trong những năm gần đây, số lượng các bài tải xuống ngày càng tăng, năm 2016 là 474,434 bài; năm 2023 là 1,081,262 bài, chi phí trên mỗi bài tải xuống giảm từ 2,31 USD năm 2016 xuống còn 1,29 USD năm 2023. Số bài báo khoa học quốc tế của nhóm 7+1 tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2023, chỉ số FWCI (chỉ số tác động của trích dẫn theo trọng số) trong các năm đều cao hơn mức bình quân của thế giới 2-10%. Số lượng trích dẫn CSDL Science Direct của nhóm 7+1 tăng gấp 3 lần trong 5 năm gần đây.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao hoạt động hỗ trợ của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia trong thời gian qua đối với các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên. Các đại biểu cho rằng, việc tập trung vào các nguồn tin khoa học và công nghệ chất lượng cao của quốc tế giúp các trường đại học nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng mạnh số lượng công bố quốc tế cũng như chất lượng công bố được cải thiện. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư, tăng cường truy cập CSDL Science Direct và các nguồn tin khoa học và công nghệ chất lượng cao khác để đảm bảo nhu cầu thông tin cho nghiên cứu và đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: Với các con số thống kê trên cho thấy mức độ sử dụng hiệu quả CSDL Science Direct ngày càng tăng. Đây là nguồn đóng góp quan trọng để cải thiện chất lượng nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian gần đây và là nguồn thông tin khoa học và công nghệ chất lượng cao. Việc sử dụng CSDL Science Direct là lựa chọn đúng đắn để làm nền tảng thông tin cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của các viện nghiên cứu và trường đại học.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, trong thời gian qua, việc khai thác và sử dụng CSDL Science Direct đã giúp các cơ sở giáo dục tăng số lượng, chất lượng các công bố quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng xếp hạng của các trường đại học trên trường quốc tế. Việc đầu tư để sử dụng CSDL Science Direct là kênh đầu tư hiệu quả cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bên cạnh việc đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong thời gian tới, để khai thác và sử dụng CSDL Science Direct hiệu quả cần tăng cường đầu tư hơn nữa, đặc biệt là nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Đề án “Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ”.
PT