Chủ nhật, 10/11/2019 15:14

Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019: Việt Nam đạt quán quân trong tăng điểm và tăng hạng

Nguyễn Viết Nam

 

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) năm 2019 của 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới), trong đó Việt Nam xếp hạng 67 (tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018). Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh (NLCT) cao nhất thế giới. Đây là kết quả minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ thời gian qua

Xếp hạng GCI 4.0

Báo cáo GCI do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện thường niên, xuất bản lần đầu vào năm 1979. Báo cáo nghiên cứu và xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới NLCT của các quốc gia. Thời gian đầu, Báo cáo có mục tiêu là đưa ra các vấn đề và thúc đẩy thảo luận giữa các bên có liên quan về chiến lược và chính sách nhằm giúp các quốc gia khắc phục các trở ngại và cải thiện NLCT. Từ năm 2005, WEF sử dụng GCI như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới NLCT quốc gia; những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững. Trước năm 2018, khung GCI được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết nhằm tạo ra một khung khổ chung nhưng vẫn phản ánh được điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Theo đó, khung chỉ số GCI có 3 nền tảng, gồm: (1) Các lợi thế tự nhiên, (2) NLCT vĩ mô và (3) NLCT vi mô.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, WEF đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng NLCT toàn cầu, chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Cách tiếp cận này có tên gọi là chỉ số GCI 4.0. Năm 2017, WEF vẫn đánh giá và xếp hạng NLCT toàn cầu, nhưng bổ sung thêm GCI 4.0 để tham khảo. Năm 2018, WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo GCI 2018 với việc đánh giá và xếp hạng GCI 4.0.

GCI 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số này đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia - động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn. GCI 4.0 đo lường theo 12 trụ cột của năng suất: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Ứng dụng công nghệ thông tin, Ổn định kinh tế vĩ mô, Y tế, Kỹ năng, Thị trường hàng hóa, Thị trường lao động, Thị trường tài chính, Quy mô thị trường, Năng động trong kinh doanh, Năng lực đổi mới sáng tạo. Có tổng số 98 chỉ số đánh giá và được nhóm thành 4 mục là: Môi trường kinh doanh, Nguồn nhân lực, Thị trường và Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong số 98 chỉ số đánh giá GCI 4.0 của năm 2018, chỉ có 34 chỉ số được giữ lại từ phương pháp đánh giá trước đây, còn lại là 64 chỉ số mới. GCI 4.0 có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100 (tốt nhất, điểm tới hạn). Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng, NLCT có thể được cải thiện ở tất cả các nền kinh tế. GCI 4.0 tạo sân chơi bình đẳng cho mỗi nền kinh tế để xác định con đường phát triển. Trong khi trình tự phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của mỗi nền kinh tế, các chỉ số này lại cho rằng, các nền kinh tế cần tiếp cận một cách toàn diện về NLCT thay vì chỉ tập trung vào một yếu tố cụ thể nào đó. Một trụ cột có hiệu quả tốt không thể bù đắp cho sự yếu kém của một trụ cột khác. Chẳng hạn, đầu tư vào công nghệ mà không đầu tư vào các kỹ năng số sẽ không mang lại hiệu quả năng suất cao. Chính vì vậy, để nâng cao NLCT, không thể bỏ qua khu vực nào. Năm 2019, WEF đánh giá NLCT toàn cầu cho 141 nền kinh tế với 103 chỉ số đánh giá của 12 trụ cột và nhóm thành 4 mục như năm 2018.

8/12 trụ cột của Việt Nam tăng điểm

Bảng xếp hạng GCI 4.0 năm 2019 cho thấy, Việt Nam đã có tốc độ cải thiện vượt trội cả về điểm số và thứ hạng khi tăng 3,5 điểm so với năm 2018 (từ 58 lên 61,5 điểm), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm); và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Kết quả này đạt được là do 8/12 trụ cột đều tăng điểm và tăng nhiều bậc:

- Trụ cột Ứng dụng công nghệ thông tin tăng từ 43,3 lên 69,0 điểm và tăng vị trí từ 95 lên 41. Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này đều tăng điểm, tăng hạng như: Thuê bao di động, Thuê bao di động băng thông rộng, Thuê bao internet băng thông rộng cố định, Thuê bao internet cáp quang, Số người sử dụng internet.

- Trụ cột Thị trường hàng hóa tăng 23 bậc (từ 102 lên 79) với 54 điểm. Các chỉ số về cạnh tranh trong nước đều tăng điểm và tăng hạng, độ mở thương mại được ghi nhận tích cực với việc giảm bớt các rào cản phi thuế quan.

- Trụ cột Mức độ năng động trong kinh doanh tăng 12 bậc (từ 101 lên 89) với 57 điểm. Trụ cột này được cải thiện mạnh mẽ trên hầu hết các chỉ số thành phần (ngoại trừ phá sản doanh nghiệp), nhất là những chỉ số thể hiện tăng trưởng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá.

- Trụ cột Thị trường lao động tăng 7 bậc (từ 90 lên 83) với 58 điểm. Sự cải thiện về di cư lao động trong nước (tăng 27 bậc); Mức độ dễ dàng trong tuyển dụng lao động nước ngoài (tăng 22 bậc); Mức độ linh hoạt của tiền lương (tăng 15 bậc); Quan hệ giữa người lao động - người sử dụng lao động và Thực tiễn tuyển dụng và sa thải lao động (đều tăng 10 bậc). Tuy nhiên, Quyền của người lao động chưa được đảm bảo, giảm 4 điểm và giảm 11 bậc (từ 82 xuống 93).

- Trụ cột Năng lực đổi mới sáng tạo tăng 6 bậc (từ 82 lên 76) với 37 điểm. Trong đó, Mức độ tinh thông của người mua tăng 46 bậc; Mức độ phát triển các cụm ngành tăng 33 bậc; Hợp tác đa bên tăng 17 bậc; Tính đa dạng của lực lượng lao động tăng 16 bậc; Chi phí nghiên cứu và phát triển tăng 6 bậc.

- Trụ cột Thể chế tăng 5 bậc (từ 94 lên 89) với 50 điểm. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm các chỉ số thể hiện Mức độ định hướng tương lai của Chính phủ tăng mạnh. Nhóm chỉ số này trong GCI 2019 được phát triển và thể hiện cụ thể hơn so với đánh giá trong GCI 2018, do đó thứ hạng của Việt Nam ở chỉ số này được ghi nhận cải thiện tích cực (vị trí 40 năm 2019 so với thứ hạng 75 năm 2018). Tuy vậy, chỉ số về Quy định pháp lý thích ứng linh hoạt với mô hình kinh doanh số còn thấp điểm và thấp hạng (43,1 điểm và ở vị trí 71); chỉ số Ổn định chính sách chỉ đạt 50,3 điểm và thứ hạng 67.

- Trụ cột Kỹ năng tăng 4 bậc (từ 97 lên 93) với 57 điểm. Trụ cột này ghi nhận sự cải thiện tích cực trên tất cả các chỉ số thành phần. Đáng chú ý là: Chất lượng đào tạo nghề (tăng 13 bậc); Kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp (tăng 12 bậc); Mức độ đào tạo nhân viên và Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề (cùng tăng 8 bậc); Tư duy phản biện trong giảng dạy (tăng 7 bậc)…

- Trụ cột Quy mô thị trường tăng 3 bậc (từ 29 lên 26) với 72 điểm.

Có thể khẳng định, việc thăng hạng mạnh mẽ về GCI của Việt Nam năm 2019 là kết quả minh chứng cho nỗ lực cải cách của Chính phủ trong thời gian qua. Những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua có thể kể đến là: các nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao chỉ số NLCT ở các địa phương... Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng, nhưng GCI 2019 của Việt Nam vẫn đứng thứ 6 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines). Bên cạnh đó, vẫn còn 3 trụ cột tụt hạng và 1 trụ cột giữ vị trí không đổi: Trụ cột Ổn định kinh tế vĩ mô không thay đổi điểm số và thứ hạng (75 điểm và thứ hạng 64); Trụ cột Hệ thống tài chính tăng 1,6 điểm, nhưng giảm 1 bậc; Trụ cột Cơ sở hạ tầng tăng 0,5 điểm, nhưng giảm 2 bậc; Trụ cột Y tế giảm điểm nhẹ (từ 81 xuống còn 80,5 điểm) và tụt 3 bậc (từ 68 xuống 71). Mặt khác, nhiều trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về NLCT (67) gồm: Thể chế (89), Cơ sở hạ tầng (77), Y tế (71), Kỹ năng (93); Thị trường hàng hóa (79), Thị trường lao động (83), Mức độ năng động trong kinh doanh (89), và Năng lực đổi mới sáng tạo (76). Chính vì vậy, con đường cải cách phía trước còn nhiều chông gai, hành trình cải cách còn nhiều việc phải làm. Thực tiễn đã chứng minh, dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)