Thứ năm, 20/06/2024 11:10

Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân: 30 năm một chặng đường

PGS.TS Vương Hữu Tấn

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân

Bộ Khoa học và Công nghệ

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã thực sự trưởng thành và lớn mạnh đúng như dân gian đã nói “Tam thập nhi lập”. Nhiệm vụ sắp tới của Cục rất nặng nề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn và an ninh hạt nhân cho các dự án ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ mới quy mô lớn hơn trong y tế, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật, dự án lò phản ứng nghiên cứu mới và trước mắt là thực hiện dự án sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) 2008.

Từ bất cập trong hoạt động quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân

NLNT là lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đặc biệt, đã từng được lấy làm chỉ số đánh giá sức mạnh của một quốc gia. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, các cường quốc đều thành lập Ủy ban NLNT quốc gia để quản lý việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng NLNT (bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân). Khối các nước tư bản (đứng đầu là Mỹ) đã thành lập Ủy ban NLNT ngày 01/08/1946 nhằm quản lý tất cả các hoạt động bao gồm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng NLNT cũng như bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. Khối các nước xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô cũ) cũng thành lập Ủy ban Quốc gia về sử dụng NLNT chịu trách nhiệm tương tự như Ủy ban NLNT của Mỹ. Dựa trên mô hình quản lý ngành NLNT của Mỹ và Liên Xô, hầu hết các nước trên thế giới đều thành lập Ủy ban NLNT quốc gia hoặc viện/cơ quan NLNT quốc gia để chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về NLNT của đất nước.

Nhận thấy sự bất cập của mô hình quản lý nhà nước ngành NLNT “vừa đá bóng vừa thổi còi” có nguy cơ gây mất an toàn và an ninh hạt nhân, Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) cũng như Mỹ đã thay đổi quy định về các nguyên tắc và tiêu chuẩn an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản, trong đó yêu cầu các quốc gia phải thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập để quản lý việc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân không chịu bất kỳ sự can thiệp hành chính nào của các chủ thể. Trên cơ sở đó, năm 1974 Quốc hội Mỹ đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân độc lập với tên gọi là Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ (US NRC). Nhờ có US NRC độc lập kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý bảo đảm an toàn từ thiết kế, đến lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành mà tai nạn Nhà máy Điện hạt nhân Three Mile Island xảy ra năm 1979, nhưng hậu quả không ảnh hưởng lớn đến môi trường và không có thiệt hại nào về con người. Trong khi đó, Liên Xô vẫn tiếp tục duy trì mô hình một cơ quan quản lý nhà nước ngành NLNT như cũ nên khi xảy ra sự cố ở Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl đã dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Sau sự cố đó, ngày 23/02/1987 Liên Xô quyết định thành lập Cơ quan Giám sát hạt nhân liên bang độc lập.

Viện NLNT Quốc gia của Việt Nam được thành lập ngày 26/04/1976 để thực hiện chức năng như Ủy ban NLNT quốc gia của các nước. Viện vừa là chủ quản của cơ sở hạt nhân duy nhất là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đồng thời lại là cơ quan quản lý việc bảo đảm an toàn của cơ sở hạt nhân này. Do chưa có văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực NLNT, nên Viện NLNT Quốc gia quản lý các hoạt động của các đơn vị trực thuộc bằng các quyết định hành chính của Viện trưởng. Vì vậy, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vận hành nhưng chưa có giấy phép vì không có căn cứ pháp lý nào để cấp giấy phép. Các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành khác như y tế, chụp ảnh phóng xạ công nghiệp… cũng đều không có cơ quan nào quản lý về bảo đảm an toàn bức xạ. Do đó, IAEA đã khuyến cáo Chính phủ Việt Nam sớm xây dựng hệ thống luật pháp và thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập.

… Đến sự ra đời của Ban Kỹ thuật hạt nhân và An toàn bức xạ

Năm 1989, Viện NLNT Quốc gia mới thành lập Ban Kỹ thuật hạt nhân và An toàn bức xạ để giúp Viện trưởng Viện NLNT Quốc gia quản lý công tác bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân. Năm 1994, Viện NLNT Quốc gia được chuyển về trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đổi tên thành Viện NLNT Việt Nam. Ngày 30/07/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Quyết định số 389-TTg thành lập Ban An toàn Bức xạ và Hạt nhân trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trong phạm vi cả nước.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người ký quyết định thành lập Ban An toàn bức xạ và Hạt nhân - tiền thân của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam năm 2000.

Kết quả hoạt động quan trọng nhất của Ban trong những năm đầu mới thành lập là phối hợp với Viện NLNT Việt Nam soạn thảo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ ngày 25/06/1996.

Việc thành lập Ban An toàn Bức xạ và Hạt nhân là một bước tiến trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, Ban chưa thực sự là cơ quan quản lý nhà nước, không có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu, mọi hoạt động đều thông qua Văn phòng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Các đoàn quan chức và chuyên gia an toàn của IAEA đến làm việc tại Việt Nam lại tiếp tục đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm thiết lập một cơ quan pháp quy hạt nhân thực sự độc lập và có thẩm quyền như quy định của các tiêu chuẩn an toàn cơ bản cũng như quy định của một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 19/05/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định số 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN trong đó có Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ, Hạt nhân (VARANSAC) - một cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KH&CN có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Từ đây Việt Nam mới chính thức có một cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân thực sự, mặc dù chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của IAEA về một cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập. Ngày 14/03/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN, trong đó Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ, Hạt nhân được đổi tên thành Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (VARANS). Về chuyên môn, Cục đã được Bộ giao chủ trì soạn thảo Luật NLNT mà trước đây đã giao cho Viện NLNT Việt Nam. Ngày 03/06/2008 Quốc hội đã thông qua Luật NLNT. Sau đó, Cục tiếp tục chỉ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11/12/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực NLNT, Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật NLNT, Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật NLNT về nhà máy điện hạt nhân…).

Ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Từ đây các công việc của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân rất nặng nề với trách nhiệm của cơ quan pháp quy hạt nhân, trong khi nguồn nhân lực và tài lực còn rất hạn chế. Để thực hiện các nhiệm vụ trong quản lý an toàn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Cục đã hoàn thiện hệ thống tổ chức của mình với các cơ quan chuyên môn về an toàn hạt nhân, an ninh và thanh sát hạt nhân, cấp phép, thanh tra, hỗ trợ kỹ thuật, thông tin và đào tạo cùng với các bộ phận hành chính về văn phòng, kế hoạch và hợp tác quốc tế.  Tuy nhiên, năm 2016 Quốc hội có nghị quyết tạm dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì các lý do chủ quan và khách quan. Theo đó, các nhiệm vụ của Cục liên quan đến dự án điện hạt nhân tạm thời dừng thực hiện.

Với trách nhiệm là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN quản lý nhà nước về an toàn, an ninh, thanh sát và bồi thường hạt nhân cũng như trách nhiệm thường trực cho tổ công tác liên bộ về các điều ước quốc tế, Cục đã chủ trì tổ chức đàm phán về các điều ước quốc tế cũng như tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết. Kết quả nổi bật nhất trong nhiệm vụ này là tổ chức đàm phán để Chính phủ ký kết Hiệp định Hợp tác hạt nhân dân sự (Hiệp định 123) với Mỹ. Ngoài ra, Cục còn chuẩn bị để Chính phủ ký hiệp định hợp tác hạt nhân với Vương quốc Anh. Một số điều ước quốc tế quan trọng cũng được Cục chuẩn bị và đề xuất cho Bộ trình Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và Chính phủ phê duyệt như Công ước An toàn hạt nhân, Nghị định thư bổ sung, Công ước Bảo vệ thực thể, Công ước chung về an toàn quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ, Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Công ước quốc tế về triệt tiêu các hành động khủng bố hạt nhân…

Lãnh đạo Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân qua các thời kỳ (từ phải qua trái: ông Ngô Đặng Nhân, ông Lê Đình Tiến, ông Vương Hữu Tấn, ông Nguyễn Tuấn Khải).

Hợp tác với IAEA được Cục đặc biệt coi trọng. Cục đã hoàn thành việc xây dựng Khung dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA và phát triển cơ sở hạ tầng pháp quy về an toàn hạt nhân, trong đó đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hợp tác với IAEA trong khuôn khổ dự án VIE9014 “Xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam” và kế hoạch hợp tác trong khuôn khổ dự án VIE2010 về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Cục đã điều phối và triển khai thực hiện 03 dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu gồm: Dự án hợp tác với EC; Dự án hợp tác với DOE/NNSA về quản lý sự cố bức xạ hạt nhân và năng lực ứng phó sự cố; Dự án thí điểm phòng thí nghiệm về tăng cường năng lực đánh giá và thẩm định an toàn hạt nhân. Kết quả của các dự án này được đối tác đánh giá cao.

Bồi thường hạt nhân là lĩnh vực quan trọng đối với các nước triển khai dự án điện hạt nhân hay lò phản ứng nghiên cứu. Cục đã hợp tác với đối tác Nhật Bản nghiên cứu Công ước bồi thường hạt nhân và xây dựng dự thảo quy định về bồi thường thiệt hại hạt nhân của Việt Nam để đưa vào Luật NLNT sửa đổi.

Lĩnh vực an ninh hạt nhân ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm và Cục cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Cục đã tham gia Chương trình an ninh hạt nhân do IAEA và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng, theo đó IAEA đã hỗ trợ các cổng soi chiếu tại khu vực hành khách quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về an ninh hạt nhân của IAEA cho Việt Nam; hợp tác với Cơ quan NLNT Nhật Bản (JAEA) về lĩnh vực không phổ biến hạt nhân và an ninh hạt nhân; hợp tác với Tổ chức An toàn năng lượng hạt nhân Nhật Bản (JNES) về xây dựng văn bản pháp quy và đào tạo cho cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước; hợp tác về sáng kiến cảng lớn với Mỹ (Mỹ đã trang bị cho một số cảng biển lớn như Cái Mép - Thị Vải, Cát Lái các thiết bị soi chiếu hàng hóa xuất cảnh tại các cảng này nhằm ngăn ngừa vật liệu phóng xạ nằm ngoài kiểm soát pháp quy vào/ra lãnh thổ nước ta); hợp tác với Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ; hợp tác với Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật an ninh hạt nhân Hàn Quốc (KINAC) (trong đó có dự án thử nghiệm hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động RADLOT)…

30 năm đã qua đi, một số cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã qua đời, nhưng rất nhiều cán bộ trẻ đã được bổ sung, tạo cho Cục sức sống mới, năng động và trẻ trung. Vẫn còn có những việc chưa làm được hoặc làm nhưng chưa được tốt, xong nhìn tổng thể 30 năm qua Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã thực sự trưởng thành và lớn mạnh đúng như dân gian đã nói “Tam thập nhi lập”. Nhiệm vụ sắp tới của Cục rất nặng nề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn và an ninh hạt nhân cho các dự án ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ mới quy mô lớn hơn trong y tế, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật, dự án lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt và trước mắt là thực hiện dự án sửa đổi Luật NLNT 2008. Với những gì đã làm được trong 30 năm qua, hy vọng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)