Thứ hai, 10/06/2024 14:53

Viện Nghiên cứu Ngô: Nhiều giống ngô lai mới được nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao phục vụ sản xuất

TS Nguyễn Xuân Thắng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô

Với thành tựu trên 50 năm, Viện Nghiên cứu Ngô - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao vào sản xuất nhiều giống ngô lai mới có năng suất cao chất lượng tốt, góp phần to lớn vào sự thành công của Chương trình phát triển giống ngô lai của Việt Nam. Là cây trồng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc với hơn 400 nghìn ha, chiếm gần 45% diện tích ngô của cả nước, Chương trình phát triển giống ngô lai cho vùng này đã được chú trọng phát triển. Trong đó các giống ngô lai do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo và phát triển đã được bà con nông dân đón nhận, nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất ngô bền vững và có giá trị cao tại vùng miền núi này.

Cây ngô (Zea mays. L) là cây lương thực quan trọng và là nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Với những thành tựu trong nghiên cứu, phát triển và biện pháp canh tác tổng hợp, nền sản xuất ngô của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về năng suất đạt trung bình 1,5 tấn/ha (1990) lên tới 5,0 tấn/ha và sản lượng đạt trên 4,4 triệu tấn năm 2022. Trong đó, trung du và miền núi phía Bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển sản xuất ngô bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị gia tăng.

Qua đó, Viện Nghiên cứu Ngô đã định hướng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển giống ngô lai phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nhằm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững với một số kết quả sau.

Giống ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, số lượng bò thịt của nước ta sẽ duy trì ở quy mô 6,5-6,6 triệu con, số lượng đàn bò sữa là 650-700 nghìn con. Như vậy, nhu cầu thức ăn cho gia súc hiện nay và tương lai rất lớn, nhất là vào mùa khô hạn và mùa đông ở miền Bắc. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi, Viện Nghiên cứu Ngô đã tập trung nghiên cứu và phát triển thành công các giống ngô sinh khối có năng suất cao, chất lượng tốt như ĐH17-5, VN172, LCH9 hay CS71. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở kết hợp với các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Giống ngô lai CS71.

Kết quả nghiên cứu và đánh giá cho thấy, trồng ngô sinh khối tại các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đang mở ra cho nông dân hướng đi mới hiệu quả, ngoài việc giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với các giống ngô lấy hạt đại trà nhờ rút ngắn thời gian canh tác (mỗi vụ chỉ mất khoảng 75-90 ngày, giảm 20-30 ngày so với sản xuất ngô lấy hạt), qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất (có thể sản xuất 4 vụ/năm). Đặc biệt, giảm đáng kể chi phí sản xuất (công tưới nước, thu hoạch, dọn tàn dư cây sau thu hoạch) cải thiện thu nhập cho người trồng với hiệu quả kinh tế tăng 15-20% so với sản xuất ngô lấy hạt đại trà, hiệu quả gấp 2,5-3 lần so với trồng lúa, góp phần hình thành nền sản xuất ngô đa dạng, bền vững và có giá trị kinh tế cao tại vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong những năm vừa qua.

Giống ngô lai lấy hạt

Nhằm hướng tới phát triển nền sản xuất ngô theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc trên cơ sở đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác trong sản xuất ngô để hình thành chuỗi giá trị gia tăng theo yêu cầu của thị trường, Viện Nghiên cứu Ngô đã nghiên cứu chọn tạo và phát triển thành công bộ giống ngô lai mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như giống ngô lai TM181, LVN66, LVN98, LVN17, LVN092...

Một trong các phương thức đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là thông qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, do đó trong giai đoạn 2010-2023, Viện Nghiên cứu Ngô đã phối hợp chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp giống trong nước phát triển nhiều giống ngô lai phục vụ cho sản xuất ngô của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Các giống ngô lai do Viện chọn tạo và chuyển giao vào sản xuất đều có giá bán hạt giống chỉ bằng 1/2 so với giống ngô của các công ty đa quốc gia, qua đó giúp tiết kiệm cho người nông dân hàng triệu USD tiền mua hạt giống mỗi năm.

Giống ngô lai TM181.

Giống ngô thực phẩm

Hiện nay, nhu cầu về ngô thực phẩm của Việt Nam ngày càng lớn cùng với sự phát triển của công nghệ chế biến và sự tăng cường hợp tác giữa các vùng kinh tế đã tạo ra cơ hội cho nền sản xuất ngô thực phẩm, trong đó có ngô nếp, ngô đường, ngô rau. Là đơn vị nghiên cứu và chuyển giao về cây ngô, Viện Nghiên cứu Ngô đã nghiên cứu thành công nhiều giống ngô thực phẩm như VN6, G828 (NL147), VN559, Waxy 8 (TG10) phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế cho vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của vùng.

Giống ngô nếp VN6.

Từ những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất ngô những năm qua, Viện Nghiên cứu Ngô luôn khẳng định là đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong nước, góp phần không nhỏ vào sự thành công của Chương trình phát triển giống ngô lai phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc thông qua việc nghiên cứu, phát triển và cung ứng cho người dân các giống ngô lai cho năng suất cao, chống chịu sâu, bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho người dân địa phương.

Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển nền sản xuất ngô bền vững cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và yêu cầu tái cơ cấu nâng cao giá trị sản phẩm, cần xây dựng các chính sách đồng bộ như hỗ trợ đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển giống ngô lai chuyên biệt mang các tính trạng công nghệ, quy hoạch vùng sản xuất ngô, đồng thời tăng cường hợp tác công tư hướng tới nhu cầu thị trường. Đó là cơ sở để hình thành chuỗi sản xuất ngô bền vững, có giá trị kinh tế cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)