Thứ sáu, 31/05/2024 16:47

Bảo hộ giống cây trồng tại Philippines

Nguyễn Hoàng Nam

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Khác với Việt Nam, Philippines không phải là thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV). Những quy định về bảo hộ giống cây trồng của Philippines được xây dựng trong Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng năm 2002. Thông qua việc phân tích các văn bản pháp lý liên quan, bài viết chỉ ra điểm khác nhau trong pháp luật về bảo hộ giống cây trồng giữa Việt Nam và Philippines, làm cơ sở tham khảo cho nước ta để hướng đến hội nhập bền vững trong thời gian tới.

Ngành nông nghiệp của quốc đảo Philippines

Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 10% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Philippines. Dựa trên báo cáo thống kê của  Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), năm 2023, tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp của nước này khoảng 1,76 nghìn tỷ Peso (tương đương hơn 30 tỷ USD), tăng 0,4% so với năm ngoái. Trong đó, cây trồng nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp lớn trong tỷ trọng tổng giá trị gia tăng (GVA) của ngành nông nghiệp (chiếm hơn 50% tổng sản lượng của ngành nông nghiệp).

Đối với giá trị xuất khẩu nông sản của Philippines, theo số liệu từ nền tảng dữ liệu thương mại toàn cầu COMTRADE của Liên hợp quốc, xuất khẩu trái cây ăn và các loại hạt được từ Philippines năm 2023 đạt khoảng 1,96 tỷ USD, trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu. Cụ thể, các giống cây trồng đem lại sản lượng cao là mía đường, tiếp theo là lúa gạo. Kể từ năm 2018, tỷ trọng của ngành nông nghiệp trên tổng số việc làm ở Philippines luôn duy trì ở ngưỡng 24%. Ngoài ra, Philippines là quốc gia dẫn đầu về công nghệ sinh học trong khu vực. Đầu năm 2022, Trung tâm Công nghệ Sinh học Cây trồng được thành lập, nằm trong Viện Nghiên cứu về lúa Philippines, mức đầu tư vào khoảng 277 triệu Peso (tương đương gần 120 tỷ đồng) với định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu thực vật đổi mới của quốc gia.

Ở một quốc gia có thời tiết tương đối khắc nghiệt, đón nhiều trận bão hàng năm rất dễ cho sâu bệnh có môi trường tấn công như Philippines thì việc bảo hộ giống cây trồng do người nông dân tự sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính trong giai đoạn 20 năm (2003 đến năm 2023), có gần 700 đơn nộp đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Philippines, trong đó, 474 đơn được chấp thuận bảo hộ. Theo công bố của Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng (PVPO) Philippines, trong 474 đơn bảo hộ, phân loại giống cây trồng bao gồm 7 chủng loại bảo hộ: gạo, ngô, rau củ, cây họ đậu, trái cây, cây hoa màu và cây cảnh.

Bảo hộ giống cây trồng mới và lĩnh vực nhân giống cây trồng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cơ quan nhà nước ở Philippines. Quốc gia này là thành viên của một số hiệp ước và thỏa thuận quốc tế như: Hiệp ước quốc tế về nguồn gen thực vật cho lương thực và thực phẩm (ITPGRFA) năm 2004, Hiệp định chuyển giao vật liệu tiêu chuẩn (SMTA) năm 2009. Hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ giống cây trồng không những tuân thủ đúng những hiệp ước, hiệp định mà Philippines tham gia, mà còn cung cấp sự bảo hộ hợp pháp đối với giống cây trồng của nhà tạo giống dưới hình thức Quyền của người tạo giống cây trồng (PBRs). Gần đây, chương trình MASIPAG1 do nông dân làm chủ đã thu thập được hơn 2.000 giống lúa do nông dân tự phát triển, trong đó có 18 giống chịu hạn, 12 giống chịu lũ, 20 giống chịu mặn và 24 giống kháng sâu bệnh.

Pháp luật của Philippines về bảo hộ giống cây trồng

Pháp luật quốc gia về bảo hộ giống cây trồng của Philippines được quy định cụ thể tại Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines2. Đạo luật này bảo vệ các quyền độc quyền của nhà phát triển giống cây trồng mới, mang ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines3.

Bảo hộ giống cây trồng mới và lĩnh vực nhân giống cây trồng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cơ quan nhà nước ở Philippines.

Tương tự như Việt Nam, để được xem xét cấp bằng bảo hộ giống cây trồng ở Philippines cần thỏa mãn yêu cầu về bốn đặc điểm, bao gồm: (1) tính mới, (2) tính khác biệt, (3) tính đồng nhất và (4) tính ổn định4. Về tính mới, vật liệu nhân giống hoặc thu hoạch giống chưa được bán, chào bán hoặc chuyển nhượng cho người khác trong thời gian nhất định5 với sự đồng ý của người được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Về tính khác biệt, thể hiện qua sự phân biệt rõ ràng với bất kỳ giống cây trồng thường được biết đến. Về tính đồng nhất, tùy thuộc vào sự biến đổi có thể xảy ra từ các đặc điểm cụ thể của quá trình nhân giống, sự đồng nhất được thể hiện qua các đặc điểm liên quan của giống. Về tính ổn định, các đặc tính liên quan của giống không thay đổi sau nhiều lần nhân giống, xét trên mỗi chu kỳ. Ngoài ra, đối với thời hạn bảo hộ, đối với chủng loại cây thân gỗ và cây leo thân gỗ, thời hạn bảo hộ là 25 năm kể từ ngày cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và 20 năm đối với tất cả các loại cây trồng khác6. Để duy trì hiệu lực của bằng bảo hộ giống cây trồng, chủ sở hữu bằng bảo hộ phải trả một khoản phí gia hạn quyền hàng năm, tính từ năm thứ tư nắm giữ quyền do Hội đồng Bảo hộ giống cây trồng quốc gia (NPVPB) quy định. Chủ sở hữu cũng có quyền tùy chọn thanh toán trước khoản phí hàng năm trong tối đa 20 năm7.

Về việc xác định chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng, có thể chia làm ba trường hợp: Thứ nhất, nếu người lao động phát triển giống cây trồng trong quá trình làm việc do thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thì bằng bảo hộ giống cây trồng thuộc về người sử dụng lao động (trừ trường hợp có văn bản thỏa thuận). Thứ hai, nếu người lao động phát triển giống cây trồng ngoài nhiệm vụ của mình thì bằng bảo hộ giống cây trồng thuộc về người lao động. Thứ ba, người được ủy thác lai tạo, phát hiện và phát triển giống cây trồng mới thì sẽ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng. Khi được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, chủ sở hữu có các quyền: (1) sản xuất hoặc tái sản xuất, (2) chế biến cho mục đích nhân giống, (3) chào bán, (4) bán hoặc tiếp thị, (5) xuất khẩu, (6) nhập khẩu và (7) dự trữ giống8. Chủ sở hữu có thể thực hiện ủy quyền, tùy thuộc vào các điều kiện và giới hạn9. Đối với đồng sở hữu, nếu có từ hai người trở lên đóng góp vào việc phát triển giống cây trồng mới thì tất cả sẽ có tên trong bằng bảo hộ giống cây trồng và được hưởng các quyền theo thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên. Trong trường hợp không có văn bản thỏa thuận, các quyền lợi tương ứng sẽ căn cứ dựa trên sự đóng góp của các bên trong việc phát triển giống cây trồng10.

Trong khoảng thời gian từ khi công bố đơn đăng ký được tiếp nhận, cho đến khi được cấp bằng (thời hạn bảo hộ tạm thời), bất kỳ hành vi sử dụng của đối tượng nào, mà người nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ giống cây trồng phát hiện thì người nộp đơn có quyền khởi kiện cáo buộc vi phạm và được hưởng thù lao một cách công bằng từ hành vi sử dụng đó. Căn cứ trên nguyên tắc này, tòa án xét xử sẽ coi yêu cầu khởi kiện về vi phạm bảo hộ giống cây trồng là hợp lý, trách nhiệm chứng minh tính hợp lệ của bằng bảo hộ giống cây trồng sẽ thuộc về bên được cấp bằng11. Thời hiệu khởi kiện là hai năm, tính từ ngày bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp12.

Với cơ chế xử lý vi phạm, ngoài các phương thức xử lý hành chính (lệnh cấm), phương thức xử lý dân sự (bồi thường thiệt hại) thì bất kỳ đối tượng nào vi phạm quyền của chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng cũng có thể bị xử lý hình sự, dưới hình thức phạt tù từ 3 đến 6 năm và/hoặc phạt tiền tối đa ba lần lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm, nhưng trong mọi trường hợp không được thấp hơn một trăm nghìn Peso (tương đương khoảng hơn 43 triệu đồng)13. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của công dân, Bộ luật Dân sự Philippines có quy định về việc không ai bị tước đoạt tài sản của mình, trừ trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền để sử dụng vào mục đích công cộng, và luôn luôn được bồi thường14. Về việc vô hiệu bảo hộ giống cây trồng, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines quy định hai phương thức đình chỉ hoặc hủy bỏ. Căn cứ để đình chỉ bảo hộ giống cây trồng15 là khi các đặc điểm về tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định không còn được đáp ứng như khi cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng trước đây được cấp cho người không có quyền, xem xét dựa trên Bộ luật Dân sự Philippines về năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự16. Một ngoại lệ là bằng bảo hộ giống cây trồng đã cấp cho người không có quyền, nhưng lại được chuyển nhượng cho người có quyền thì người nhận chuyển nhượng vẫn có quyền đối với giống cây trồng theo nội dung thỏa thuận khi thực hiện chuyển nhượng. Căn cứ để hủy bỏ bảo hộ giống cây trồng, bao gồm năm lý do: (i) đầu tiên, tác giả không cung cấp thông tin, tài liệu, vật liệu cần thiết để thẩm định việc duy trì giống; (ii) nhà tạo giống không thanh toán các khoản phí cần thiết để duy trì hiệu lực quyền hoặc cung cấp sai thông tin trong đơn đăng ký; (iii) trong thời hạn hoặc một giai đoạn theo quy định, tác giả không đề xuất một tên gọi khác phù hợp (trường hợp tên giống bị hủy bỏ sau khi được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng); (iv) không thể duy trì các điều kiện về tính đồng nhất và ổn định mặc dù các đặc điểm này đã có mặt tại thời điểm cấp bằng bảo hộ giống cây trồng; (v) tác giả được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc chủ sở hữu đã từ bỏ quyền của mình thông qua tuyên bố trên công văn nộp cho cơ quan đăng ký17. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của đất nước vì lợi ích cộng đồng, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines giới hạn các trường hợp sử dụng giống cây trồng để thực hiện hành vi thực nghiệm (phi thương mại), lai tạo giống mới nhằm tìm kiếm các giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt18. Ngoài ra, giấy phép bắt buộc cũng là cách thức được áp dụng trong Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines để cung cấp quyền phát triển giống cây trồng ở phạm vi công cộng mang lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, giấy phép bắt buộc chỉ được NPVPB cấp cho bên yêu cầu sau hai năm kể từ ngày cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, và phải thỏa mãn một trong các điều kiện: (i) bằng bảo hộ giống cây trồng không đáp ứng được các yêu cầu hợp lý của công chúng đối với bất kỳ bộ phận nào của giống; (ii) có thị trường nước ngoài để bán bất kỳ bộ phận nào của giống và giống không được đáp ứng bởi chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng; (iii) mục tiêu phát triển giống cây trồng liên quan đến sản xuất thuốc hoặc thực phẩm chế biến19. Giấy phép bắt buộc có giá trị vô thời hạn, cho đến khi có cơ sở cho việc sử dụng đã chấm dứt20.

Nhìn chung, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines tuân thủ khá chặt chẽ các quy định của UPOV. Có một ngoại lệ trong việc bảo hộ giống cây trồng tại Philippines là “quyền truyền thống của nông dân nhỏ”, theo đó, những người nông dân21 được quyền lưu giữ, sử dụng, trao đổi, chia sẻ hoặc bán sản phẩm nông nghiệp do chính họ tạo ra từ giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ tại NPVPB, trừ trường hợp việc bán hàng nhằm mục đích tái sản xuất theo thỏa thuận tiếp thị thương mại. Ngoài ra, việc trao đổi và bán hạt giống giữa các hộ nông dân để nhân giống và trồng lại trên đất của họ cũng được chấp nhận là hợp pháp. Tuy vậy, quy định trên không bao gồm quyền bán giống được bảo hộ dưới nhãn hiệu hoặc tên thương mại của chủ sở hữu có liên quan đến tên đã đăng ký.

Sự khác nhau trong pháp luật về bảo hộ giống cây trồng giữa Việt Nam và Philippines

Việt Nam là thành viên của UPOV từ ngày 24/12/200622. Tuy Philippines không phải là thành viên UPOV nhưng là một trong những quốc gia đầu tiên trong phong trào khởi xướng thủ tục gia nhập công ước UPOV. Pháp luật về bảo hộ giống cây trồng giữa Việt Nam và Philippines có nhiều nét tương đồng trong quy định về cơ chế xác lập, điều kiện và thời hiệu bảo hộ, nhưng cũng tồn tại các điểm khác biệt.

Một là, về hệ thống văn bản pháp luật, Việt Nam không có một đạo luật riêng về bảo hộ giống cây trồng, những quy định liên quan đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này được quy định chung trong Luật Sở hữu trí tuệ. So với Việt Nam, bảo hộ giống cây trồng tại Philippines được quy định trong Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng của Philippines và do NPVPB chuyên trách quản lý trên nguyên tắc hoạt động độc lập.

NPVPB có thẩm quyền cấp bằng bảo hộ giống cây trồng23, có quyền phúc thẩm ban đầu24 đối với tất cả các hành vi của cơ quan đăng ký. Ngoài ra, NPVPB có thẩm quyền ban đầu đối với các kiến nghị chuyển giao quyền sử dụng bắt buộc, vô hiệu và hủy bỏ bằng bảo hộ giống cây trồng. Các thành viên trong NPVPB, bao gồm: Bí thư Sở Nông nghiệp làm chủ tịch, Bí thư Vụ Khoa học và Công nghệ làm đồng chủ tịch, Tổng cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ làm Phó Chủ tịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp cây trồng, Viện trưởng Viện Giống cây trồng của Đại học Philippines Los Baños, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Giống cây trồng Philippines, đại diện từ liên đoàn các tổ chức nông dân nhỏ do Bộ trưởng Nông nghiệp đề cử, đại diện cộng đồng khoa học được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia đề cử. Những thành viên nêu trên và người đại diện của NPVPB phải là công dân Philippines, có tư cách đạo đức tốt và không bị kết án về các tội liên quan đến đạo đức25.

Hai là, việc nộp đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam sẽ được gửi tới Cục Trồng trọt. Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại Philippines, đơn đăng ký giống cây trồng được gửi đến Cơ quan đăng ký để xem xét trước khi chuyển lên NPVPB để đánh giá và ra quyết định về việc cấp bằng bảo hộ.

Việc bảo hộ giống cây trồng sẽ được thực hiện qua thủ tục đăng ký tại cơ quan Đăng ký. Cơ quan có nhiệm vụ lưu trữ ban đầu tất cả hồ sơ đăng ký về bằng bảo hộ giống cây trồng, đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu về giống cây trồng hiện có được thu thập từ các nguồn trong và ngoài nước, cũng như lưu giữ mẫu vật liệu nhân giống của giống được bảo hộ26.

Ngoài ra, về cơ chế xác lập quyền, Philippines là một trong số các quốc gia áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) trong bảo hộ đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, cá nhân (thể nhân) hoặc doanh nghiệp (pháp nhân) nộp đơn đầu tiên sẽ được cấp quyền bảo hộ, không liên quan đến việc đối tượng nào đã phát triển và sử dụng giống cây trồng trước. Đối với giống được phát triển, bất kỳ nhà tạo giống nào cũng có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng và được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng27.

Ba là, về phạm vi bảo hộ, quyền bảo hộ đối với giống cây trồng có tính lãnh thổ, hay nói cách khác, bảo hộ đối tượng quyền đối với giống cây trồng theo quy định áp dụng tại pháp luật của từng quốc gia. Vì vậy, dù là Việt Nam, Philippines hay các quốc gia khác đều cần xây dựng những cơ chế bảo hộ giống cây trồng chuyên biệt, phù hợp với điều kiện của quốc gia mình. Cụ thể tại Việt Nam, danh mục giống cây trồng được quy định bảo hộ chung và do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Ngược lại, Cơ quan đăng ký giống cây trồng của Philippines ban hành danh mục riêng đối với giống truyền thống, giống địa phương và giống thương phẩm không đủ điều kiện bảo hộ giống cây trồng.

Bốn là, việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng tại Việt Nam phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản28, còn việc chuyển giao quyền bảo hộ giống cây trồng của Philippines thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản29. Theo Bộ luật Dân sự Philippines30, các hình thức của hợp đồng, di chúc và các công cụ công cộng khác sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp của quốc gia mà chúng được thực hiện31. Trong đó, hợp đồng theo luật Philippines sẽ có hiệu lực dù được giao kết dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù bằng lời nói, trên giấy tờ (văn bản) hay điện tử/kỹ thuật số32. Ngoài ra, một giống được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng có thể được liên kết với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý với tên gọi đã đăng ký33.

*

*    *

Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng năm 2002 là một đạo luật quan trọng của Philippines, quy định cụ thể về điều kiện, cơ chế và những ngoại lệ đối với bảo hộ giống cây trồng tại quốc gia này. Tuy đã trải qua hơn 22 năm nhưng những quy định trong Đạo luật vẫn mang giá trị thực tiễn và có tính ứng dụng thực tế cao trong sản xuất và phát triển giống cây trồng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà tạo giống và chủ sở hữu.

Philippines là quốc gia có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với Việt Nam, việc Philippines chưa là thành viên của UPOV khiến việc tiếp cận giống cây trồng ở quốc gia này trở nên khó khăn. Năm 2007, Diễn đàn bảo hộ giống cây trồng Đông Á (EAPVP)34 được thành lập để tạo cơ chế bảo hộ giống cây trồng khu vực phù hợp và hài hòa với Công ước UPOV. Việt Nam và Philippines đều là thành viên của EAPVP cho thấy nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về bảo hộ giống cây trồng, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên tham gia trong sân chơi thương mại quốc tế chung.

 

1Xem tại http://masipag.org/2019/09/amidst-crisis-farmer-scientist-group-launch-climate-resilient-rice-varieties/.

2Còn được gọi là Đạo luật Cộng hòa số 9168, được Quốc hội Philippines thông qua ngày 07/06/2002 tại Metro Manila.

3Khoản a, Điều 2, Chương I, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

4Điều 4, Chương III, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

5Hơn 1 năm trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng trên lãnh thổ Philippines, hơn 4 năm trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ngoài lãnh thổ Philippines (trừ cây leo thân gỗ và cây thân gỗ là hơn 6 năm).

6Điều 33, Chương VI, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

7Điều 34, Chương VI, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

8Điều 36, Chương VII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

9Điều 37, Chương VII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

10Điều 18, Chương V, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

11Điều 49, Chương VIII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

12Điều 42, Chương VII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

13Điều 56, Chương VIII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

14Điều 435, Bộ Luật Dân sự 1949, Philippines.

15Điều 61, Chương X, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

16Điều 37, Bộ luật Dân sự 1949, Philippines.

17Điều 62, Chương X Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

18 Điều 43 Chương VII Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

19 Điều 57 Chương IX Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

20 Điều 59 Chương IX Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

21 Ở đây nói đến những nông dân có quy mô canh tác, sản xuất nhỏ.

22 Tính đến ngày 02/02/2024, ở châu Á, chỉ có Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Israel, Singapore và Việt Nam là thành viên của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), xem danh sách thành viên UPOV tại:  https://www.upov.int/edocs/pubdocs/en/upov_pub_423.pdf

23Khoản d, Điều 3, Chương II, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

24Tương tự như quyền tài phán của cấp tòa án phúc thẩm. Tuy nhiên, kết luận của NPVPB có thể bị xét xử lại tại Tòa án nếu các bên cho là có sự vi phạm quyền của mình trong kết luận.

25Điều 66, Chương XI, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

26 Điều 74 Chương XI Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

27Điều 17, Chương V, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

28Khoản 3, Điều 192, Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

29Điều 45, Chương VII, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

30Còn được gọi là Đạo luật Cộng hòa số 386, được Quốc Hội Philippines thông qua ngày 18/06/1949, với tổng cộng 2.270 Điều.

31Điều 17, Bộ luật Dân sự 1949, Philippines.

32Các giao kết hợp đồng có số tiền liên quan vượt quá năm trăm peso phải được lập thành văn bản, kể cả hợp đồng riêng tư, quy định tại Điều 1358 Bộ luật dân sự 1949, Philippines.

33Điều 16, Chương IV, Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng 2002, Philippines.

34Hay còn gọi là PVP-Asean Plus. Tính đến nay có sự tham gia của 13 quốc gia, bao gồm: 10 quốc gia Đông Nam Á (trừ Đông Timor), và sự tham gia của ba quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xem tại http://eapvp.org/member/.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)