Thứ ba, 21/05/2024 16:56

Quy định đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sẽ được sửa đổi thế nào?

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 11). Bài viết tổng hợp lại một số bất cập và định hướng nội dung cần sửa đổi của dự thảo Thông tư thay Thông tư 11*.

Thông tư thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước là một trong những nỗ lực đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.

Bổ sung phương thức đánh giá, nghiệm thu trực tuyến

Về phương thức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN quốc gia hiện tại mới quy định hình thức đánh giá trực tiếp, chưa có hình thức trực tuyến hoặc vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Trong điều kiện bình thường thì việc áp dụng hình thức đánh giá trực tiếp triển khai thuận lợi, không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, trong điều kiện của dịch bệnh, phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, cùng với sự phát triển của công nghệ số, các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhu cầu đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN theo hình thức trực tuyến đã trở thành cấp thiết. Chính vì vậy, Thông tư thay thế Thông tư 11 đề xuất bổ sung quy định về hình thức đánh giá, nghiệm thu, trong đó có hình thức đánh giá, nghiệm thu trực tuyến.

Bổ sung các biểu mẫu báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt và báo cáo sản phẩm của nhiệm vụ

Quy định của Thông tư 11 về hồ sơ nghiệm thu cấp quốc gia bao gồm: (i) Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu; (ii) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; (iii) Báo cáo về sản phẩm KH&CN của nhiệm vụ; (iv) Bản sao hợp đồng và thuyết minh nhiệm vụ; (v) Các văn bản xác nhận và tài liệu liên quan đến việc công bố, xuất bản, đào tạo, tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu (nếu có); (vi) Các số liệu (điều tra, khảo sát, phân tích…), sổ nhật ký của nhiệm vụ; (vii) Văn bản xác nhận về sự thỏa thuận của các tác giả về việc sắp xếp thứ tự tên trong danh sách tác giả thực hiện nhiệm vụ; (viii) Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của nhiệm vụ; (ix) Báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; (x) Các tài liệu khác (nếu có). Tuy nhiên, quy định nêu trên chưa có biểu mẫu báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt và báo cáo sản phẩm nên các tổ chức chủ trì còn lúng túng trong việc xây dựng, hầu hết các báo cáo được lấy từ mẫu của các văn bản quy định từ giai đoạn trước, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tổng hợp và có sự không đồng nhất giữa các nhiệm vụ. Vì vậy, để thuận lợi cho tổ chức chủ trì trong công tác chuẩn bị hồ sơ cần xây dựng bổ sung biểu mẫu nêu trên.

Bỏ quy định về tự đánh giá, thay vào đó tổ chức chủ trì chủ động đánh giá kết quả thực hiện và lập báo cáo gửi kèm hồ sơ đánh giá nghiệm thu

Trong bối cảnh toàn ngành KH&CN đang hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, xây dựng cơ chế quản lý khoa học, theo hướng hiện đại để giảm các thủ tục hành chính, các văn bản điều chỉnh cần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa của tổ chức chủ trì trong quá trình tự đánh giá kết quả triển khai. Chính vì vậy, Thông tư thay thế Thông tư 11 xem xét bỏ quy định về tự đánh giá kết quả thực hiện, thay vào đó, tổ chức chủ trì đánh giá kết quả và tổng hợp trong “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia”.

Xây dựng chế tài đối với trường hợp nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu muộn

Thông tư 11 quy định: Việc nộp hồ sơ thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc hợp đồng hoặc thời điểm được gia hạn hợp đồng (nếu có)”. Theo đó, tổ chức chủ trì vẫn có thể nộp hồ sơ từ sau 30 ngày đến không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc hợp đồng hoặc thời gian được gia hạn, nếu nộp chậm quá 6 tháng thì cơ quan chủ trì nhiệm vụ vẫn tổ chức họp hội đồng và đánh giá ở mức “Không đạt”. Quy định như hiện tại gây ra bất cập là một số tổ chức chủ trì và chủ nhiệm thường kéo dài thời gian nộp hồ sơ quá 30 ngày, thậm chí có nhiều trường hợp nộp hồ sơ gần sát với thời điểm 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc hợp đồng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo tiến độ quyết toán kinh phí.

Tại khoản 3 Điều 15 Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN ngày 12/10/2023 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước đã điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ như sau: “Thời gian thực hiện nhiệm vụ bao gồm thời gian triển khai nghiên cứu và thời gian hoàn thiện hồ sơ phục vụ đánh giá nghiệm thu (không quá 03 tháng).”. Như vậy, tổ chức chủ trì đã có tối đa 03 tháng để hoàn tất hồ sơ phục vụ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ để nộp về Bộ KH&CN, do đó dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 11 xây dựng chế tài đối với trường hợp nộp muộn như sau: “Nếu Bộ KH&CN không nhận được hồ sơ đề nghị đánh giá, nghiệm thu đầy đủ trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc hợp đồng hoặc gia hạn (nếu có), Bộ KH&CN thực hiện các thủ tục chấm dứt Hợp đồng theo quy định tại Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước”.

Điều chỉnh các nội dung về hội đồng, tổ chuyên gia

Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 11 quy định: Tổ chuyên gia tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia được thành lập trong trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm đo kiểm được; Khoản 2 Điều 9 của Thông tư 11 quy định: Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia có 09 thành viên, trong đó 6 thành viên là chuyên gia KH&CN được lấy từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, Thông tư 11 quy định chỉ thành lập tổ chuyên gia trong trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm kiểm đếm được, trong khi đó các nhiệm vụ về xã hội, tự nhiên và nhân văn mặc dù không có sản phẩm dạng I, nhưng vẫn cần có tổ chuyên gia để đánh giá chất lượng, kiểm đếm các sản phẩm dạng II của nhiệm vụ. Số lượng thành viên hội đồng cố định 9 thành viên như Thông tư 11 chưa đồng nhất với một số văn bản khác có liên quan.

Chính vì vậy, Thông tư thay thế Thông tư 11 sẽ điều chỉnh về tiêu chí, số lượng thành viên của hội đồng, đảm bảo thống nhất với các văn bản có liên quan. Cụ thể, Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 11 quy định: hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia có từ 07 đến 09 thành viên; thành viên hội đồng là nhà khoa học thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN do Bộ KH&CN phê duyệt, đại diện cơ quan quản lý, nhà kinh doanh, đại diện tổ chức có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu có năng lực và chuyên môn phù hợp… Điều chỉnh quy định cứng về việc có tổ chuyên gia đánh giá, kiểm đếm các sản phẩm của nhiệm vụ và quy định về trình tự làm việc của tổ chuyên gia.

Điều chỉnh cách đánh giá của hội đồng theo phương pháp chấm điểm, trong đó có trọng số và lượng hóa được các kết quả thực hiện

Phương pháp đánh giá theo quy định hiện hành đã bộc lộ một số vấn đề khó khăn khi áp dụng với các nhiệm vụ có sản phẩm về bài báo và đào tạo. Cụ thể như: việc thu hút sinh viên theo học sau đại học tại một số trường đại học gặp nhiều khó khăn, do đó rất khó để xác định hoàn thành sản phẩm liên quan đến hỗ trợ đào tạo sinh viên sau đại học; các dự án sản xuất thử nghiệm rất khó có tính mới để có thể đăng bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Nếu áp dụng các quy định về đánh giá nêu trên thì nhiệm vụ sẽ không đạt yêu cầu khi thiếu sản phẩm là đào tạo, bài báo. Vì vậy, cần điều chỉnh cách đánh giá theo hướng nâng cao trọng số vào các sản phẩm chính và hướng dẫn đánh giá theo cách chấm điểm và xem xét đánh giá các tiêu chí về tổ chức thực hiện và tính vượt trội của nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khó có thể được cấp văn bằng, thường chỉ có giấy tiếp nhận hoặc văn bản công nhận đơn hợp lệ. Do vậy, cũng cần đánh giá theo trọng số mức độ hoàn thành.

Xây dựng trình tự xác định số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước nếu nhiệm vụ “Không đạt”

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN ngày 30/05/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước sẽ bổ sung trình tự xác định số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước nếu nhiệm vụ “Không đạt”.

Thông tư 11 chưa quy định cụ thể các bước để xác định số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước đối với trường hợp hội đồng đánh giá, nghiệm thu xếp loại ở mức “Không đạt”, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý khi phải xử lý tình huống trên. Việc xử lý hiện tại chủ yếu là vận dụng các biểu mẫu theo các quy định hiện hành. Do đó, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 11 đã xây dựng trình tự xác định số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước.

Bổ sung quy định về quy trình đánh giá, nghiệm thu và xử lý kết quả thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bí mật nhà nước

Thông tư số 11 chưa quy định cụ thể về trình tự thủ tục đánh giá, nghiệm thu đối với trường hợp nhiệm vụ liên quan bí mật nhà nước, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tổ chức chủ trì trong việc đánh giá, nghiệm thu. Do đó, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 11 đã bổ sung 01 Chương quy định về quy trình đánh giá, nghiệm thu và xử lý kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia liên quan bí mật nhà nước.

Bên cạnh những vấn đề chính nêu trên, một số bất cập khác như giải thích từ ngữ, phát ngôn của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm về kết quả nghiên cứu, xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến nhiệm vụ… cũng tồn tại những bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai, tạo sự thống nhất và đồng bộ với các văn bản có liên quan.

VH

*Bài viết được tổng hợp từ Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 11 đang được Bộ KH&CN xin ý kiến góp ý tại: https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=950.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)