Báo cáo cho biết, khi phỏng vấn người dân muốn chuyển đến, có 3 điểm đến được chọn nhiều nhất theo thứ tự ưu tiên là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, tiếp đến là Cần Thơ và Lâm Đồng. Đặc biệt, trong số những người muốn di chuyển lâu dài khỏi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 40% cho biết họ muốn chuyển đến sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và 20% muốn đến Cần Thơ.
Tỉnh, thành phố được người dân lựa chọn khi muốn di cư đến, theo tỷ lệ người trả lời năm 2023.
Năm 2023, chỉ có 0,95% số người được phỏng vấn trên cả nước cho biết họ dự định di chuyển tới địa phương khác, tỷ lệ này thấp hơn khoảng 0,65% so với năm 2021 và 2022. Số người trả lời cho biết họ có ý định di chuyển đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu và tỉnh miền Trung là Quảng Bình, nhiều hơn so với người đến từ các tỉnh, thành phố khác. Đây là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, đồng thời chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai như hạn hán, lũ lụt... Trong khi đó, hơn 2% người dân ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Đồng Tháp và các tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận bày tỏ mong muốn di cư sang tỉnh, thành phố khác.
Về lý do người dân mong muốn di cư vào năm 2023, cho thấy đoàn tụ gia đình là động lực chính (40,68% người trả lời), tương tự như kết quả khảo sát từ năm 2020 đến năm 2022. Trong khi đó, chỉ có 1,39% số người trả lời cho rằng họ có ý định chuyển tới nơi không có thiên tai. Lâm Đồng và Đà Nẵng là những điểm đến hấp dẫn đối với những người quan tâm đến điều kiện môi trường tự nhiên tốt hơn (với tỷ lệ lựa chọn 2 tỉnh, thành phố này tương ứng là 70 và gần 40%).
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh được nhiều người lựa chọn là địa phương "đáng sống". Trước đó, báo cáo PAPI của nhiều năm đều cho thấy TP Hồ Chí Minh là địa điểm yêu thích được nhiều người lựa chọn để làm việc, sinh sống.
NMK