Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, công nghệ cao, trong đó ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Để tăng tốc trên hành trình xây dựng hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, UBND TP Đà Nẵng đã xác định nguồn nhân lực chính là trọng tâm để phát triển. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử (với gần 10.500 lao động). Trong đó, có khoảng 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn (với 550 kỹ sư).
Từ thực trạng đó, TP Đà Nẵng xác định cần tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn. Khóa đào tạo này gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố gồm: VKU, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn - đây là kỳ vọng lớn nhất trong mục tiêu triển khai chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Susan Burn, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ nhận thức vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt và ủng hộ mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Bà cho biết thêm, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn, việc đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài là việc làm cần thiết.
TXB