Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp gỡ.
Ngày 01/03/2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu của đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, Việt Nam là quốc gia đang nổi, trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Từ đó, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; cộng đồng khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển, thứ hạng được cải thiện qua từng năm. Ông nhấn mạnh, điều này khẳng định TP Hồ Chí Minh là nơi được chọn để khởi nghiệp, đồng thời khẳng định trách nhiệm, sự cam kết của chính quyền thành phố trong xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính quyền Thành phố đang tập trung xây dựng, phát triển để trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST trên nền trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) tầm khu vực ASEAN, hướng đến tầm châu lục vào năm 2030. Ông bày tỏ sự vui mừng trước thành tựu của nhiều nhà khởi nghiệp (start-up) thành công và trở thành kỳ lân đều trưởng thành và củng cố vị trí của mình từ TP Hồ Chí Minh, với tỉ lệ 3/4 start-up kỳ lân của Việt Nam đều có liên quan, gắn bó sát với kinh tế - xã hội Thành phố.
Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP Hồ Chí Minh được đánh giá là năng động nhất cả nước, chiếm 50% số lượng start-up, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước. Trong giai đoạn từ 2016 đến 2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, đạt khoảng hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công đến từ TP Hồ Chí Minh. Năm 2023, start-up Genome xếp hạng TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 81-90 thị trường khởi nghiệp ĐMST mới nổi trên toàn cầu, trong khi start-up Blink xếp hạng TP Hồ Chí Minh thứ 114 trong các hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất trên toàn cầu. TP Hồ Chí Minh có 3 trong số 4 "Kỳ lân công nghệ" của Việt Nam, gồm VNG, VNPay và MoMo, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán và game. Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết, dự kiến vào tháng 7/2024, Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ thông qua các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng có chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách cho 9 lĩnh vực khác nhau, bao gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số và an ninh mạng. Cụ thể, mức hỗ trợ tại giai đoạn tiền ươm tạo không quá 40 triệu đồng/dự án, giai đoạn ươm tạo không quá 80 triệu đồng, và giai đoạn tăng tốc không quá 400 triệu đồng. Thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng cho giai đoạn tiền ươm tạo, không quá 1 năm cho giai đoạn ươm tạo, và không quá 1 năm cho giai đoạn tăng tốc.
Tại buổi gặp gỡ, cộng đồng ĐMST cũng đề xuất các nguồn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các chính sách, khung pháp lý thử nghiệm các mô hình thu hút nguồn tài chính cho ĐMST và khởi nghiệp, thu hút các nguồn tài chính xanh, quỹ xanh; xây dựng một địa điểm tập trung (Hub) để thí điểm, thử nghiệm các chính sách, tập trung vào nhận thức và nguồn nhân lực cho chuyển đổi xanh; thí điểm, thử nghiệm các chính sách về chuyển đổi số của Thành phố, tập trung vào nhận thức và nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; thu hút các nhà đầu tư chiến lược về ĐMST cho Thành phố, qua đó kết nối các "đại bàng" với cộng đồng và đề xuất các chính sách, khung pháp lý thử nghiệm cho các nhà đầu tư chiến lược về ĐMST và khởi nghiệp.
Kết luận buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ tự hào về thành công của các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, đồng thời khẳng định việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, lắng nghe là tốt nhưng chưa đủ mà phải có kế hoạch xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với nhiệm vụ của chính quyền Thành phố, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị 6 điểm cơ bản phải làm để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST:
Thứ nhất, chuẩn bị hệ thống hạ tầng, có kế hoạch quy hoạch những khu đặc biệt, khu công nghệ cao dành cho cộng đồng khởi nghiệp.
Thứ hai, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn một cách cụ thể.
Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư và chính sách đó phải vượt trội thì mới tương xứng với tiềm năng và vị thế đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Thứ tư, đối với chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cần tập trung vào vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh.
Cuối cùng, có cơ chế hợp tác, phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa các bên, giữa doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo, nhà nước…
Minh Đức