Thứ ba, 02/04/2024 14:23

Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ

Mới đây, Trường Đại học Tây Đô chủ trì phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Văn hóa - Ngôn ngữ - Văn chương - Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”nhân dịp kỷ niệm 18 năm thành lập Trường Đại học Tây Đô (2006-2024). Hội thảo nhằm “ôn cố tri tân” - một mặt để tưởng nhớ người xưa có công mở mang vùng đất phương Nam giàu đẹp cho Tổ quốc; mặt khác, cũng là cơ hội để những thế hệ tiếp nối tập trung nghiên cứu những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động và chiến đấu một thời người xưa đã để lại cho con cháu vùng đất này.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu, tập trung vào 4 lĩnh vực: Văn hóa, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật. Điển hình phải kể đến các nghiên cứu như: 300 năm tri thức bản địa và sự hình thành văn hoá sông nước của học giả Chung Hoàng Chương (Trường Đại học San Francisco State (Mỹ); Cảng Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu của PGS.TS Hang Xing (Trường Đại học Bách khoa Hồng Kông, Trung Quốc); Hội tụ trong phát triển bền vững du lịch sông Cửu Long (từ lý thuyết đến những gợi ý cho Tây Nam Bộ) của GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long - nhìn từ ngôn ngữ học văn hóa của PGS.TS Trịnh Sâm (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh); Tín ngưỡng Tam Sơn Quốc Vương ở Nam Bộ Việt Nam trong tương quan với Đài Loan: Vấn đề cộng đồng tín ngưỡng và xu hướng bản địa hóa     của ThS Chu Chen Yung (Trường Đại học Tôn Đức Thắng); một số ẩn dụ ý niệm sông nước trong ngôn ngữ - văn hóa Nam Bộ từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận của TS Tăng Tấn Lộc (Trường Đại học Tây Đô); đặc trưng của nghệ thuật cải lương tuồng cổ ở Nam Bộ của ThS Lâm Thị Thu Hiền (Trường Đại học Trà Vinh)…

Hội thảo là diễn đàn để công bố những kết quả nghiên cứu mới, những phân tích, dự đoán, những dự báo khoa học của các nhà nghiên cứu, học giả, trong và ngoài nước về những thay đổi của việc nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học, văn hóa trước sự tác động của xu hướng toàn cầu hóa, yêu cầu đổi mới, hội nhập và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Đây cũng là dịp để cộng đồng các nhà khoa học - khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục cùng trao đổi, thảo luận về các giải pháp, biện pháp đối phó với những thách thức, tận dụng những lợi thế mà thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai.

Nguyễn Minh Ca

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)