Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng loạn phần mềm, ứng dụng truy xuất nguồn gốc đang diễn ra khá phổ biến; hệ thống truy xuất nguồn gốc chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số, mã vạch quốc tế. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ. Điều này dẫn đến thực trạng việc quản lý nguồn gốc khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Tháng 01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100). 1 trong 5 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Cổng thông tin). Trong thời gian qua, Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (Tổng cục TĐC) đã triển khai Đề án 100 và đạt được một số kết quả tích cực, như: hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc dần được hoàn thiện; nhận thức xã hội về truy xuất nguồn gốc được nâng cao; hệ thống các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đã được xây dựng và công bố.
Cổng thông tin do Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2022; trong 10 tháng vận hành thử nghiệm, hệ thống đã kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia. Cổng thông tin đóng vai trò kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.
Cổng thông tin sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Thực hiện, giám sát, đánh giá các công việc liên quan quản lý truy xuất nguồn gốc; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Cổng thông tin cũng dựa trên số liệu báo cáo, thống kê và công nghệ để phân tích trợ giúp cơ quan quản lý đưa chính sách kịp thời, phù hợp.
Ðến nay, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc đưa Cổng thông tin vào hoạt động chính thức rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức đào tạo chuyên sâu trong phạm vi quản lý để đạt hiệu quả tốt nhất.
CTV