Góp phần vào việc tổng kết Nghị quyết 29, ngày 02/04/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức tọa đàm khoa học “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, có tác động sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Đây là Nghị quyết toàn diện, có nhiều đột phá trong việc chấn hưng nền giáo dục, được giới chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao. Trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là hoạt động rất quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn; đánh giá toàn diện, sâu sắc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền; kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, thảo luận những vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó, tập trung trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM); giáo dục thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giáo dục gắn với giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề về mô hình đại học quốc gia, đại học vùng ở tại Việt Nam…
Nhận định về thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế mà minh chứng rõ nhất cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng đại học. Chuyển biến đột phá về chất lượng, tiềm lực khoa học và công nghệ cũng là một trong những thành tựu của việc thực hiện Nghị quyết 29.
Thực hiện Nghị quyết 29, bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chuyển dịch nhanh và mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, tự chủ đại học được triển khai nhanh chóng, sâu rộng và trên nhiều mặt. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khuyến nghị cần phải nâng cao chất lượng và làm tốt ở tất cả các khâu: tuyển sinh đầu vào; chương trình đào tạo; tổ chức giảng dạy và quản lý đào tạo, quản trị đại học; chuẩn đầu ra. Đồng thời, cần tích cực chuyển đổi số hơn nữa và chú trọng phát triển khối kiến thức STEM ở bậc đại học.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - chuyên gia cao cấp về giáo dục cho rằng, Việt Nam đối diện 2 thách thức cơ bản trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện. Thứ nhất, trong một thế giới ngày càng biến đổi, bất định và khó lường, gây nên bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục còn chậm, và nếu có thì nhiều chính sách còn nặng về mong muốn, thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu. Thứ hai, việc tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách còn nhiều yếu kém, bất cập.
Ông Tiến cũng đưa ra khuyến nghị về việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục. Theo đó, cần đảm bảo có sự thống nhất nhận thức về chủ trương đối với từng vấn đề đặt ra, từ những khái niệm cơ bản, đến lợi ích và rủi ro, cơ hội và thách thức, lý luận và thực tiễn; khảo sát đánh giá đúng hiện trạng để có sự nhận dạng đúng khoảng cách giữa hiện trạng với mục tiêu mong muốn để có giải pháp thực hiện phù hợp; có sự lựa chọn ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực để đảm bảo tính khả thi; nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp đi đôi với cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên hệ thống dữ liệu khách quan.
Về hệ giá trị và chuẩn mực, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng đề xuất, cần đưa vấn đề giáo dục giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện để xây dựng nhân cách, đạo đức học sinh, sinh viên, học viên, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
VVH