Từ năm học 2020-2021, cả nước bắt đầu triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc bài thi tốt nghiệp, bài thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ riêng của một số trường đại học và phương án tuyển sinh của các trường đại học hiện nay, TS Nguyễn Thị Chi và NCS Nguyễn Thị Phương Thảo - Trung tâm Khảo thí, Trường Đại Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã xây dựng và trình bày báo cáo “Hướng tới tuyển sinh từ năm 2025: Kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ có gì khác?”. Báo cáo đã so sánh khách quan và đưa ra dự báo về các phương thức tuyển sinh sẽ tương đối ổn định vào năm 2025. Bên cạnh đó, căn cứ vào đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các diễn giả cũng chỉ ra những điểm khác biệt về bài thi kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ năm 2025, gợi ý một số giải pháp hữu ích nhằm đáp ứng sự đổi mới trong bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và đưa ra những dự đoán có cơ sở về định dạng bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ của các trường đại học năm 2025.
Với tham luận của mình, PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đã giới thiệu khái niệm ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn, các loại câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp THPT. Đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra quy trình xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp THPT đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm đặc biệt cần chú ý trong suốt quá trình đánh giá bài Ngữ văn nằm ở mức độ rõ ràng về mặt nội dung, định lượng…
Chỉ ra những điểm quan trọng cần lưu ý cho giáo viên nói chung và các trường THPT khi tổ chức dạy học môn Toán, TS Nguyễn Văn Thành - Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học không chỉ cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng mà còn chú trọng đến thái độ và hứng thú của người học với việc học Toán. Để làm rõ quan điểm này, diễn giả đi từ việc xác định các năng lực học sinh cần có trong thế kỷ XXI nói chung và các năng lực Toán học đặc thù cần phát triển ở học sinh THPT nói riêng, đến việc giới thiệu các kỹ thuật tổ chức hoạt động cho học sinh, ứng dụng bộ công cụ đánh giá hoạt động học tập theo hướng tiếp cận năng lực.
Với những báo cáo mang nội dung thực tiễn cao gắn liền với các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển kỹ năng của học sinh, hội thảo là diễn đàn bổ ích để chia sẻ và thảo luận về những vấn đề hiện hữu quan trọng của nền giáo dục. Hội thảo cũng đem đến nhiều góc nhìn mới về các vấn đề trong giáo dục phổ thông, từ đó giáo viên có thể tìm kiếm những phương thức tiếp cận mới cần cải thiện trong chương trình giảng dạy.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã tổ chức lễ ra mắt Kênh “Hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc” (ULIS CONNECT). Đây là kênh thông tin hỗ trợ giáo viên nói chung và giáo viên ngoại ngữ nói riêng chia sẻ thông tin, tiếp cận nguồn tài liệu tin cậy, tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông tại Việt Nam.
Ngọc Thúy