Thứ năm, 28/03/2024 10:52

Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh

Ngày 26/03/2024, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh (DXCenter) tổ chức Hội thảo "Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh". Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất bền vững và mô hình tăng trưởng xanh; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất xanh và phát triển kinh tế bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo.

Các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang đối diện với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu và hạn chế tài nguyên. Chuyển đổi từ hệ thống sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp bách. Điều này rất cần thiết để bảo vệ tương lai cho thế hệ tiếp theo và để tạo ra sự phát triển bền vững, cũng như bảo vệ môi trường. Việt Nam đã tham gia vào các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách để hỗ trợ việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Về vấn đề “Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững”, ông Phạm Hoài Trung - Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050 ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng, trụ cột và nền móng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và chọn lựa đối tác kinh doanh. Trước tiên phải chuyển đổi trong tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thương mại, doanh nghiệp, công nghệ, vận tải, năng lượng… sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Đồng tình với ý kiến của ông Phạm Hoài Trung, Viện trưởng Viện Công nghiệp môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Phượng nhấn mạnh, doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh, cần gắn kết với kinh tế tuần hoàn và kinh tế số cho phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng nêu ra 5 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, gồm: đưa ra các định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

Liên quan đến nội dung làm thế nào để “Chuyển đổi số trong sản xuất xanh”,  Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức khi chuyển sang sản xuất xanh. Để thúc đẩy sản xuất bền vững và hướng tới tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp kiểm soát nhất định bao gồm: áp dụng hệ thống điều hành sản xuất (MES) để tự động hóa dây chuyền sản xuất, giúp theo dõi, giám sát và kiểm soát hệ thống sản xuất, cũng như lưu trữ dữ liệu phức tạp. Đồng thời, cần tăng cường khai thác hiệu quả quản trị doanh nghiệp và tập trung vào việc đáp ứng các chỉ tiêu trong lộ trình ESG, cũng như giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất. Những biện pháp này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả năng suất và giảm rủi ro về quy định và chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tổng kết hội thảo, Giám đốc QTSC Trần Hữu Dũng cho biết, đơn vị đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, cam kết thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi kép bằng cách tăng cường bảo vệ môi trường và xã hội. Hoạt động này bao gồm: đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, và tăng cường hợp tác, giao tiếp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Châu Long

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)