Thứ hai, 25/03/2024 15:27

Tìm kiếm giải pháp phát triển ngành nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045 (the Forum of Sustainable Development of the Mekong Delta - SDMD 2045), Tọa đàm “Công nghệ thực phẩm - sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL” do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức đã thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước.

SDMD 2045 là diễn đàn được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn để chuyển đổi mở rộng quy mô cơ cấu, gia nhập thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế; xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giữa nông dân với cơ sở chế biến và cơ sở kinh doanh kết nối lợi ích cùng nhau phát triển.

ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp phát triển hàng đầu của Việt Nam, có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp của cả nước và là trung tâm nguồn cung ứng nông sản đa dạng và phong phú. Do đó, ngành công nghệ thực phẩm đóng vai trò then chốt trong việc trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ và thảo luận các vấn đề: đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - thủy sản ĐBSCL; rào cản trong tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ nông sản ĐBSCL và giải pháp phát triển bền vững; dinh dưỡng và thực phẩm: từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đến ươm tạo doanh nghiệp và thương mại hóa; bảo tồn và phát huy các đặc sản và văn hóa ẩm thực cho phát triển bền vững: Kinh nghiệm từ Ý; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến nông sản và vấn đề sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng…

Kết luận Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa vùng ĐBSCL, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất cần được giải quyết trong vấn đề sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; việc cần làm là liên kết, hợp tác, chia sẻ giữa các cơ quan - doanh nghiệp - viện trường. Trường Đại học Cần Thơ sẽ sử dụng các kết quả quan trọng từ Tọa đàm để tiếp tục đề xuất đến các cơ quan nhà nước, cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực của các trường đại học và kỹ thuật, công nghệ từ các doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Đoan Khôi

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)