Vai trò của thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao
Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao là quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp có áp dụng những tiến bộ và thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp (như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi,…) để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất và chất lượng cao hơn các phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống. Việc thu hút FDI góp phần tạo dựng nền nông nghiệp bền vững, giúp nâng cao năng suất và chất lượng của các loại nông sản, có thể cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thông qua hoạt động đầu tư FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, các nước sẽ học hỏi và áp dụng được những tiến bộ khoa học mà các chủ đầu tư FDI chuyển giao. Từ đó, góp phần cơ giới hóa, hiện đại hóa quá trình sản xuất và hạn chế những phương pháp sản xuất, canh tác truyền thống, lạc hậu.
Theo báo cáo Triển vọng dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, việc dân số tăng nhanh chóng cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán đã đặt áp lực không nhỏ lên các quốc gia trên thế giới. Nếu vẫn áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, mùa vụ có nguy cơ mất trắng rất cao do các tác động của ngoại cảnh dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lương thực. Một trong những biện pháp hiệu quả để cải tổ nền nông nghiệp cũng như giải quyết vấn đề an ninh lương thực đó chính là hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp trong nước sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn với chất lượng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm ngày càng cao của con người.
Tại Việt Nam, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất thấp ( chỉ chiếm khoảng 18%) trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Trong các đối tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, Nhật Bản là nước có mức đầu tư cao nhất, đứng thứ hai là Hàn Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nhật Bản có khoảng 21 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực trồng rau công nghệ cao tại Lâm Đồng, các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc, phát triển đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay tập trung đầu tư phát triển các mặt hàng nông sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực cơ bản như: trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản. Các lĩnh vực khác như nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ vẫn chưa thu hút được nhiều dự án FDI.
Phần lớn các dự án FDI về nông nghiệp công nghệ cao đều tập trung ở những địa phương có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, các loại nông sản, điều kiện tự nhiên thuận lợi và có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Nâng cao khả năng thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam
Trong thời gian tới, để thúc đẩy khả năng thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Xây dựng khung chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tăng nguồn vốn hỗ trợ: khung chính sách này cần quy định cụ thể những mức ưu đãi dựa trên lĩnh vực, nguồn vốn mà các doanh nghiệp này sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có tính đến lợi ích của dự án đối với tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần bãi bỏ một số tiêu chuẩn, điều kiện để cho doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi và bảo đảm nguồn vốn đến được đúng đối tượng.
Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ.
Quy hoạch lại ruộng đất, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai và cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất đai có thời hạn: trước tiên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dồn điền, đổi thửa, quy hoạch đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn điền để tạo được các quỹ đất có diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và hạn chế hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Việt Nam có thể học hỏi Hoa Kỳ trong việc xây dựng những nông trại có quy mô lớn, để khi áp dụng các công nghệ hiện đại như máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái, công nghệ thu hoạch sẽ trở nên dễ dàng và đồng bộ, tiết kiệm công sức. Tiếp theo, Chính phủ cần giải quyết ổn thỏa vấn đề giải phóng mặt bằng và tranh chấp đất đai để các doanh nghiệp có được “nguồn đất sạch”, yên tâm canh tác. Cuối cùng, nên xem xét, cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất đai có thời hạn và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp này, giúp cho ngành nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thái Lan từ lâu đã áp dụng chính sách cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó không chỉ thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà còn cả các lao động tay nghề cao và các chuyên gia từ nước ngoài.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: để có thể thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động đào tạo, dạy nghề, cử đi chuyên tu ở ở các nước tiến bộ. Đặc biệt, cần chú trọng cung cấp thông tin cho người nông dân qua các chương trình ứng dụng, các trang tin điện tử giúp người nông dân chủ động trong việc đổi mới tư duy sản xuất.
Tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp công nghệ cao: hiện nay, hệ thống cơ sở đường xá, giao thông của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài thì Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa vào hệ thống cầu đường… có như vậy mới sức thu hút được nhiều nguồn vốn FDI.
Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ: ngoài các chính sách trực tiếp thu hút nguồn vốn FDI, Chính phủ cũng nên triển khai các chính sách liên quan đến logistics, hệ thống lưới điện, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống thủy lợi, các chính sách liên quan đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để tạo nền tảng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển, giúp tăng khả năng thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này.
Tận dụng những cơ hội từ xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư: xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19, nhưng đại dịch Covid-19 là một trong những chất xúc tác đẩy nhanh quá trình dịch chuyển này giữa các khu vực và quốc gia. Trong xu hướng đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể tận dụng để tăng cường, đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao trung và dài hạn.