Thứ ba, 27/02/2024 10:19

Chia sẻ kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng

Vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng".

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TĐC) Cao Thị Bích Hà phát biểu tại Hội thảo.

Trình bày kinh nghiệm một số nước về nhãn điện tử trong quản lý chất lượng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa Cao Thị Bích Hà chia sẻ, nhãn điện tử là phương án thay thế mà nhà sản xuất có thể tự nguyện áp dụng để chuyển tải thông tin tuân thủ thường thể hiện bằng nhãn vật lý dán, gắn hoặc khắc trên sản phẩm. Nhãn điện tử không thay thế hoàn toàn cho nhãn vật lý. Nhãn điện tử giúp cập nhật thông tin doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, tìm hiểu về doanh nghiệp mà mình quan tâm thông qua các trang web. Ngoài ra, nhãn điện tử còn giúp cơ quan quản lý có thể nắm bắt thông tin doanh nghiệp từ xa nhằm quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giúp bảo vệ môi trường.

Tại Malaysia, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) đã ban hành các quy tắc cho phép sản phẩm truyền thông có màn hình tích hợp sử dụng nhãn điện tử; Hay tại Nhật Bản cho phép các tài liệu đi kèm với thiết bị phải chỉ cho người dùng biết nhãn điện tử hiển thị như thế nào; Tại Ghana, nhãn điện tử được chấp nhận thay cho nhãn vật lý, tuy nhiên, trách nhiệm của nhà sản xuất là đảm bảo rằng nhãn điện tử không thể bị sửa đổi;

Tại Canada, Bộ Công nghiệp nước này đã ban hành quy định cho phép hiển thị thông tin nhãn bắt buộc bằng hình thức điện tử thay cho nhãn vật lý hoặc bảng tên; các thiết bị không có màn hình hiển thị tích hợp được phép hiển thị thông tin nhãn điện tử thông qua tin nhắn bằng giọng nói hoặc một màn hình hiển thị của thiết bị chủ được kết nối vật lý, ví dụ như Bluetooth, Wi-Fi…

Liên minh châu Âu đã cho phép sử dụng nhãn điện tử đối với thiết bị y tế, trọng tâm là chuyển tải các chỉ dẫn sử dụng bằng phương thức điện tử thay vì thông qua tờ rơi bằng giấy; Tại Singapore, từ năm 2012 đã cho phép sử dụng nhãn điện tử là nhãn tuân thủ cho các thiết bị có màn hình tích hợp.

Tại Nam Phi, năm 2016, nước này đã phát hành Công báo số 36786 cho phép dán nhãn điện tử thay thế các sản phẩm có màn hình tách rời, tài liệu sản phẩm đi kèm phải giải thích cách hiển thị nhãn; Tại New Zealand hiển thị nhãn tuân thủ với các sản phẩm có màn hình tích hợp, tài liệu đi kèm sản phẩm phải giải thích cách hiển thị nhãn và áp dụng theo cách khó xóa, khó sửa hoặc ngăn chặn việc hiển thị nhãn.

Hiện nay, hạn sử dụng thường thể hiện trên bao bì thương mại và chủ yếu tập trung đến phê duyệt nội dung, duy trì thông tin sản phẩm sau khi được phê duyệt dẫn đến thiếu tập trung cách nhãn thuốc được tiếp cận, sử dụng, hiểu và tuân thủ trong thực tế. Chính vì vậy, cần thay đổi hướng tiếp cận hạn sử dụng thông thường sang hạn sử dụng điện tử.

Đối với cơ quan quản lý, hạn sử dụng điện tử giúp chia sẻ thông tin nhanh hơn, đảm bảo chính xác, giảm nguồn lực, thời gian chờ để đưa thuốc mới về thị trường, góp phần phát triển y tế điện tử. Đối với doanh nghiệp, cán bộ y tế và bệnh nhân, khả năng tiếp cận và điều chỉnh thông tin theo từng trường hợp, khả năng đọc và tìm kiếm tốt hơn, hỗ trợ giảm tình trạng thiếu thuốc, giảm rác thải và ảnh hưởng đến môi trường.

Tại Hội thảo cũng diễn ra phần thảo luận về kinh nghiệm nhãn điện tử trong quản lý chất lượng, qua đó giải đáp những thắc mắc, khó khăn giữa chuyên gia và các đại biểu tham dự.

HM

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)