Thứ sáu, 23/02/2024 15:11

Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI

“Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI: Từ góc nhìn của giới học giả Việt Nam và Pháp” là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Paul - Valéry Montpellier 3 (Cộng hoà Pháp), Học viện Ngoại giao, Viện Bảo tồn và Phát triển văn hoá truyền thống Pháp phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chia sẻ về các lý thuyết, cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu mới, một số bài viết đã đi sâu phân tích một số vấn đề cụ thể của lịch sử quan hệ và giao lưu văn hoá Việt - Pháp thế kỷ XX-XXI. Đặc biệt, hội thảo cũng nhận được một số báo cáo mang tính tổng kết về sự phát triển của các phương pháp, cách tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế ở Pháp và Việt Nam. Một số tham luận của hội thảo là: “Đóng góp của học giới pháp và phương tây đối với khảo cổ học Việt Nam thế kỷ XX”; “Cách tiếp cận liên, xuyên quốc gia trong nghiên cứu lịch sử so sánh phong trào phi thực dân hoá ở Indonesia và Việt Nam”; “Sức mạnh mềm của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện”; “Lịch sử tiếp cận từ khoa học và công nghệ: một cách thức diễn giải và nghiên cứu lịch sử”; “Liệu có lòng nhân từ trong quan hệ quốc tế?”; “Các xã hội bị biến thành vô hình trong quan hệ quốc tế”; “Ngoại giao văn hoá của Pháp để kiếm tìm một nhận thức mới về châu Á”…

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá cao các giá trị khoa học và thực tiễn về tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI mà các học giả trong nước và quốc tế đã đóng góp tại hội thảo. GS Hoàng Anh Tuấn tin tưởng, hội thảo sẽ gợi mở những hướng nghiên cứu, các phương pháp và tư duy nghiên cứu mới trong lĩnh vực sử học và quan hệ quốc tế, qua đó thúc đẩy sự hợp tác về khoa học, công nghệ và giáo dục lịch sử giữa 2 quốc gia Pháp - Việt.

GS. Pierre Journoud - Trường Đại học Paul - Valéry Montpellier 3 khẳng định, sự tham dự của các nhà khoa học uy tín tại Việt Nam, Pháp, Anh, Mỹ… đã mang lại những giá trị khoa học quan trọng về cách tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế thế kỷ XX-XXI. Đây sẽ là những khuyến nghị cho các nhà ngoại giao để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa 2 quốc gia Việt Nam - Pháp trong tương lai.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)