Thứ sáu, 23/02/2024 16:33

Hạ tầng số của Việt Nam đến 2030 sẽ như thế nào?

Theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 36) thì đến năm 2030 Việt Nam có mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế; hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh số có khả năng cung cấp chương trình và các dịch vụ giá trị gia tăng có chất lượng cao tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các thành phố, đô thị loại I và các khu vực lân cận…

Thực trạng hạ tầng số quốc gia

Theo Báo cáo “Hạ tầng số quốc gia - Nền tảng cho phát triển Việt Nam hướng tới năm 2045” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) công bố mới đây thì tổng nhu cầu lưu lượng internet của người dùng Việt Nam gia tăng nhanh trong giai đoạn 2020-2021: từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021, tổng lưu lượng Internet băng rộng tại Việt Nam tăng hơn 30%. Đặc biệt, giai đoạn giãn cách xã hội trong đại dịch Covid 19 vào tháng 08/2021, tổng lưu lượng Internet băng thông rộng tại Việt Nam tăng đỉnh điểm với 7.824 triệu TB/tháng.

Năm 2022, tổng số người Việt Nam dùng Internet đạt 77,93 triệu người, tăng 7,3% so với năm 2021. Trung bình thời gian sử dụng một ngày của mỗi người dùng là 6 giờ 23 phút. Tỷ lệ người dùng truy cập Internet thông qua điện thoại di động chiếm 94,5%. Nền kinh tế kỹ thuật số đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực nhờ sự đột phá của ngành thương mại điện tử.

Hệ thống cáp quang biển và cáp đất liền tại Việt Nam (nguồn: IPS).

Năm 2022, tốc độ kết nối internet của Việt Nam xếp thứ 71/164 quốc gia trên thế giới, với tốc độ 6,1 Mb/s. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Thái Lan (33), Indonesia (49), Malaysia (59), Philippines (64). Việt Nam hiện có 05 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối Việt Nam và thế giới (AAG: 11/2009, AAE-1: 06/2017, APG: 11/2016, IA (03/2009, SMW3: 09/1999); hệ thống cáp đất liền qua Trung Quốc, Lào, Campuchia. Khả năng đáp ứng của các tuyến cáp quang biển có kết nối với Việt Nam còn thấp khi so sánh với khả năng của tuyến ACC-1 (kết nối Singapore, Philippines, Indonesia tới Úc, Guam, và Hoa Kỳ).

Đánh giá về nhu cầu hạ tầng số của Việt Nam, Báo cáo của IPS đưa ra một số nhận định: 1) Dù có 'điểm sáng' về chi phí dịch vụ, tốc độ kết nối internet của Việt Nam chỉ ở mức trung bình; băng thông quốc tế của Việt Nam hầu như không tăng trong giai đoạn 2019 đến nay, kể cả với kịch bản nhu cầu lưu lượng tăng ở mức bình thường, băng thông kết nối internet sẽ bắt đầu thiếu hụt từ năm 2025; 2) Phương thức kết nối: số lượng vệ tinh ít ỏi và khả năng cung cấp dịch vụ internet vệ tinh hạn chế không thể cung cấp dự phòng cho tình huống khẩn cấp (thiên tai, xung đột); thiếu hụt số tuyến cáp đi quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu tăng băng thông; 3) những thách thức cho hạ tầng điện toán đám mây: chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp công nghệ (trong đó nhóm doanh nghiệp Mỹ gồm Amazon Web Service, Microsoft, Google chiếm xấp xỉ 2/3 thị trường toàn cầu) cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho toàn thế giới; trong tương lai gần, khả năng doanh nghiệp nội địa phát triển được công nghệ và cung cấp dịch vụ, đủ khả năng thay thế doanh nghiệp nước ngoài là không cao, do vậy, mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào hạ tầng điện toán đám mây do bên ngoài cung cấp là rất lớn.

Định hướng phát triển trong thời gian tới

Quyết định 36 nêu rõ một số yêu cầu phát triển về hạ tầng số trong tương lai. Cụ thể là:

Cơ sở hạ tầng viễn thông

Mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) được tích hợp rộng rãi, bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng. Yêu cầu phát triển đến năm 2025 cần đạt được các chỉ báo cụ thể như sau:

Một là, mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s.

Hai là, mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.

Ba là, 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s.

Bốn là, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Năm là, thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2-4 tuyến cáp viễn thông quốc tế.

Sáu là, tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á, nhóm 20-30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.

Bảy là, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.

Tám là, hạ tầng Internet vạn vật (loT) độ trễ thấp sẵn sàng tại tất cả các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.

Chín là, Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu theo bộ chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (IDl) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Yêu cầu phát triển đến năm 2030: i) hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; ii) mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; iii) phát triển thêm 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế; iv) hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh số có khả năng cung cấp chương trình và các dịch vụ giá trị gia tăng có chất lượng cao tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các thành phố, đô thị loại I và các khu vực lân cận.

Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây

Quyết định 36 đưa ra định hướng phát triển của hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có.

Thứ hai, dữ liệu phát sinh tại Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng.

Thứ ba, ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.

Yêu cầu phát triển đến năm 2025:

Một là, hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia là hạ tầng phục vụ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung khác theo quy định của pháp luật, Trung tâm dữ liệu quốc gia do nhà nước chủ trì tổ chức công tác xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành.

Hai là, hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia là trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia, phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia do doanh nghiệp xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành. Cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ của Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ba là, hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng là trung tâm dữ liệu quy mô vùng, phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng do doanh nghiệp xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành. Cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ của trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bốn là, hình thành 1-2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.

Năm là, Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE) của trung tâm dữ liệu được đầu tư xây dựng mới không vượt quá 1,4.

Sáu là, năng lực các trung tâm dữ liệu bảo đảm đáp ứng quy mô doanh thu thị trường điện toán đám mây khoảng 1% GDP.

Bảy là, 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số.

Tám là, 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Yêu cầu phát triển đến năm 2030: i) phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia; ii) 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

VH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)